Làng Yavusania nằm ở khúc sông gần bờ biển phía tây của Fiji. Tuy nhiên, trong một ngày không xa, nếu không hành động kịp thời, người dân lo sợ nó có thể biến mất.
Mối đe dọa thể hiện rõ nhất dọc theo bờ - nơi lũ quét diễn ra khi con sông từng được rừng ngập mặn che chở dâng lên, cuốn theo hàng mét đất và cát.
Epeli Turuva (48 tuổi), lãnh đạo cộng đồng ở Yavusania, ngồi sát nền bê tông của ngôi nhà cũ, đã sụp đổ một nửa xuống vùng nước bên dưới. Đây không phải là tòa nhà duy nhất bị như vậy ở đây.
4 tòa nhà khác đã bị sập do lũ lụt trong vài năm qua, tòa nhà gần đây nhất bị sập vào tháng 3. Turuva lo lắng nơi tiếp theo sẽ là nhà anh.
“Tôi không muốn di chuyển”, anh nói. “Đất đai của chúng tôi trù phú và cộng đồng của chúng tôi gắn bó với nhau. Thật khó để tưởng tượng cảnh sống mà không có ngôi làng này”.
Yavusania nằm ở rìa thị trấn Nadi của Fiji. Trong 4 thập kỷ qua, ít nhất 54 trận lũ lụt đã tràn qua Nadi, gây hư hại nhà cửa, cơ sở kinh doanh và khiến hàng nghìn người phải di dời, theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR).
Guardian nhận định việc Fiji cho phép các nhà phát triển du lịch phá bỏ khu rừng ngập mặn gần đó khiến Yavusania dễ bị tổn thương trước thảm họa môi trường.
Epeli Turuva đứng cách nhà vài mét và chỉ vào nơi bờ sông bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và nước dâng do bão. Ảnh: Guardian. |
Rễ dày và quăn của rừng ngập mặn không “đẹp như tranh vẽ”, nhưng chúng đóng vai trò quan trọng đối với thiên nhiên và cộng đồng.
Shipra Shah, phó giáo sư lâm nghiệp tại Đại học Quốc gia Fiji, giải thích rừng ngập mặn là “tuyến phòng thủ đầu tiên” chống lại lũ lụt. Chúng bảo vệ người dân trước nước dâng do bão và giảm bớt tác động lũ quét.
“Mọi người không nhận ra phá hủy rừng ngập mặn đồng nghĩa ta đang làm cho vấn đề khí hậu trở nên tồi tệ hơn”, bà nói.
Xây dựng thiên đường du lịch
Trong những thập kỷ gần đây, Fiji coi du lịch như con đường phát triển kinh tế.
“Chiến lược nhằm mục đích giới thiệu Fiji như thiên đường ở Thái Bình Dương để thu hút nhiều khách du lịch hơn đến đất nước này”, Andreas Neef, giáo sư tại Đại học Auckland, cho biết.
Theo báo cáo của UNDRR, trong những năm 1980-1990, Fiji cung cấp cho các chuỗi khách sạn quốc tế “gói ưu đãi hấp dẫn, bao gồm miễn thuế trong 20 năm”. Hoạt động này nhằm khuyến khích họ đầu tư vào Đảo Denarau, cách Nadi vài km về phía Tây.
Các nhà phát triển du lịch cũng phát quang hàng trăm mẫu đất nằm trong địa điểm thuộc khu nghỉ dưỡng mà bên khách sạn đăng ký.
Mặc dù là “vùng đệm tự nhiên hiệu quả” chống lại bão và lũ lụt, báo cáo của UNDRR cho thấy phần lớn rừng ngập mặn bị phá hủy. Nguyên nhân xuất phát từ việc “những loài thực vật này cản trở việc tiếp cận biển của khách du lịch và không phù hợp với tầm nhìn mới về cảnh quan được cắt tỉa cẩn thận”.
Đảo Denarau sau đó được chuyển đổi thành trung tâm du lịch với một loạt khách sạn 5 sao cùng sân gôn 18 lỗ, trung tâm mua sắm và bến du thuyền.
Dữ liệu chính phủ chỉ ra khách du lịch đến Fiji dành gần một nửa thời gian ở Denarau, Nadi và Quần đảo Mamanuca. Du lịch hiện đóng góp gần 40% vào GDP của Fiji.
Khu nghỉ dưỡng và spa Sofitel Fiji ở Đảo Denarau. Ảnh: Guardian. |
Tầm quan trọng
Từ năm 2000 đến 2018, nghiên cứu cho thấy 120 ha rừng ngập mặn đã bị phá hủy do phát triển du lịch ở tỉnh Ba - nơi có thành phố Nadi. Con số này chiếm 1/3 tổng số rừng ngập mặn bị tàn phá trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Những thách thức môi trường, lưu ý rừng ngập mặn rất quan trọng đối với việc "giảm thiểu và thích ứng tác động của biến đổi khí hậu”.
Vào năm 2019, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cho biết người dân ở Nadi “đã bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu”. Hội đồng lưu ý lượng mưa cực lớn và lũ lụt trở nên thường xuyên hơn trong những thập kỷ gần đây.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết trong 84 trận lũ lụt xảy ra ở Nadi kể từ năm 1870, ít nhất 54 trận xảy ra trong 4 thập kỷ gần nhất.
Hai trong số những trận lũ lụt gây thiệt hại nặng nề nhất ở Nadi xảy ra vào năm 2012, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và buộc 15.000 người phải sơ tán.
Báo cáo của UNDRR cho biết tần suất ngày càng tăng và tác động của những trận lũ lụt này “có thể một phần do tác động của biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên, “sự phát triển ở Denarau cũng được coi là yếu tố làm trầm trọng thêm”.
Nezbitt Hazelman, người đứng đầu Denarau Corporation, công ty quản lý hòn đảo, đồng ý nạn phá rừng ngập mặn xung quanh Denarau “có thể là yếu tố góp phần” gây ra lũ lụt nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, ông cho biết sự phát triển du lịch cũng mang lại kết quả tích cực. Nhiều dân làng ở Nadi ủng hộ sự phát triển này bởi nó tạo ra thêm công ăn việc làm tại khu vực.
Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng đối với việc "giảm thiểu và thích ứng tác động của biến đổi khí hậu”. Ảnh: Monifa Fiu/ WWF. |
"Ai sẽ giúp chúng tôi?"
Năm 2016, chính phủ Fiji đề xuất kế hoạch kiểm soát lũ lụt ở Nadi, bao gồm mở rộng các con sông, cải thiện hệ thống thoát nước và xây dựng đê.
Vào năm 2022, Fiji bắt đầu nạo vét một số con sông địa phương để cố gắng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cựu bộ trưởng Kinh tế Fiji trình bày với quốc hội nước này rằng đại dịch đã làm trì hoãn dự án - phần lớn vẫn trong giai đoạn lập kế hoạch.
Năm 2019, ADB nhận xét: “Mặc dù lũ lụt diễn ra với tần suất cao và gây thiệt hại, chỉ có các đập bảo vệ bờ quy mô nhỏ và đập trữ nước nhỏ được xây dựng. Kế hoạch quản lý lũ lụt một cách có hệ thống tại lưu vực sông Nadi vẫn chưa được triển khai”.
Nếu không có các biện pháp bảo vệ mới, Nadi rất dễ bị tổn thương. Phần lớn khu định cư nằm dưới mực nước biển 6 m.
Trong trận lụt hồi tháng 3, nước tràn vào khu vực trung tâm Nadi và các tòa nhà. Vào thời điểm đó, nước lũ đã buộc 80% doanh nghiệp phải đóng cửa.
Từ bờ sông ở Yavusania, Meresiana Ubitu, một cư dân đang quan sát dòng nước đe dọa ngôi nhà cô.
“Trong vòng 5 năm qua, 4 gia đình đã mất nhà cửa do xói mòn đất và lũ lụt cuốn trôi”, Ubitu kể lại.
“Chúng tôi tự hỏi tại sao điều này xảy ra. Trước đây chúng tôi chưa bao giờ gặp phải vấn đề này. Vậy tại sao bây giờ lại thế?”, cô nói. "Ai sẽ giúp chúng tôi?".
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.