Những quy định mới về nội dung đăng tải trên Internet khiến cộng đồng LGBT ở Trung Quốc lo ngại sẽ mất đi tiếng nói, theo South China Morning Post.
Các quy tắc do Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đưa ra từ năm ngoái và bổ sung vào tháng 1 áp dụng với tất cả người dùng, đặc biệt là các blogger có lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội.
Theo đó, người dùng hay các hội nhóm, tổ chức phải xin phép trước nếu muốn đăng tải lên mạng các nội dung thời sự.
Quy định mới khiến cộng đồng LGBT lo ngại họ không sẽ không còn được phép bày tỏ quan điểm, câu chuyện về người đồng tính lên mạng. Ảnh: Reuters. |
Đối với cộng đồng LGBT, những người vốn cảm thấy không được công nhận, các quy tắc này càng làm con đường đấu tranh của họ gian nan hơn.
“Chia sẻ chuyện cá nhân về bắt nạt học đường, phân biệt đối xử trong công việc và liệu pháp chuyển đổi cưỡng bức liệu có bị coi là lan truyền tin tức khi chưa xin phép?”, Yang Yi của tổ chức phi lợi nhuận China Rainbow Media Awards đặt câu hỏi.
WeChat, nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất ở Trung Quốc, đưa ra thông báo: “Chúng tôi đề nghị người dùng ngừng đăng tải nội dung liên quan đến chính trị, kinh tế, quân sự, quan hệ đối ngoại, các sự kiện tin tức và những nội dung khác, nếu bạn không có giấy phép liên quan".
Từ năm 1997, đồng tính luyến ái không còn bị coi là vi phạm pháp luật ở Trung Quốc. Song, chính phủ không khuyến khích thảo luận công khai về các vấn đề LGBT.
Cộng đồng LGBT đã cố gắng sử dụng các con đường pháp lý như các vụ kiện để thúc đẩy sự thay đổi về mặt lập pháp, bao gồm cả việc buộc chính phủ Trung Quốc xem xét hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Giờ đây, họ lo ngại lên tiếng về vấn đề gì nhân danh quyền lợi của nhóm người đồng tính, người chuyển giới cũng có thể bị coi là vi phạm.
“Đối với cộng đồng của chúng tôi, cách tốt nhất để tiếp cận mọi người là thông qua các nền tảng trực tuyến. Nếu không thể hoạt động trên đó, chúng tôi sẽ mất khả năng kết nối và vận động", Yang nói thêm.
Chính phủ không khuyến khích nói về đồng tính luyến ái, cộng với các quy định mới càng khiến con đường đòi quyền lợi của nhóm LGBT ở Trung Quốc càng khó khăn hơn. Ảnh: SCMP. |
Yang cho biết một số thành viên cộng đồng LGBT đã nói về sự cần thiết của việc tự kiểm duyệt trước các bài đăng, bình luận trực tuyến, tránh cảnh mất quyền kết nối, tương tác với lượng người theo dõi lớn.
Chen Xiang, giám đốc hợp tác tại tổ chức PFLAG - một nhóm vận động quyền LGBT, tin rằng “các quy định mới sẽ giảm số lượng bình luận và thông tin trực tuyến có sẵn”.
Chen lo lắng tiếng nói của nhóm thiểu số có thể bị rơi vào im lặng. “Nếu ít người có thể bình luận về các sự kiện công cộng trên mạng, chúng ta sẽ dần mất đi nơi để nhìn mọi thứ từ một góc độ khác", Chen nói.
Tương tự, Liu Xuefei, một luật sư chuyên về luật thương mại, cho biết cô tin rằng các quy định mới sẽ thay đổi bản chất của tin tức trực tuyến.
“Không gian cho tiếng nói cá nhân đang bị thu hẹp ở Trung Quốc. Mọi người có thể thấy chuyện tự do ngôn luận đang bị siết chặt", Liu nói.