Chiều 27/9, anh Hùng (38 tuổi) trở về sau khi sửa chữa máy giặt và điều hòa tại nhà một khách hàng ở quận Ba Đình. Anh cùng vợ kinh doanh sửa chữa, thu mua đồ điện lạnh đến nay đã được 5 năm.
Tương tự mọi lần, anh cố gắng khắc phục lỗi cho khách ngay tại chỗ. Chỉ trường hợp nào cần thêm đồ nghề chuyên dụng, anh mới chở máy móc về tận cửa hàng ở phố Đội Cấn.
Anh Hùng trở về cửa hàng sau khi sửa chữa tận nhà cho khách. |
Chia sẻ với Zing, chủ cửa hàng cho biết trong vòng 1-2 ngày đầu sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, lượng khách tăng cao do nhu cầu sửa chữa bị dồn ứ suốt 2 tháng.
Cửa hàng ghi nhận khoảng 10 lượt sửa chữa/ngày, tăng gần gấp đôi so với trước dịch. Điều hòa chảy nước, máy giặt mất nguồn, tủ lạnh không mát... là những vấn đề phổ biến mà khách hàng gặp phải trong thời gian ở nhà tránh dịch.
"Thế nhưng, con số đã chững lại sau một tuần mở cửa", anh Hùng chia sẻ.
Tình hình vẫn ảm đạm
Cửa hàng sửa chữa đồ điện lạnh “Vua Đồ Cũ” hơn 20 năm tuổi trên phố Khương Thượng (quận Đống Đa) cũng nhận thấy tình trạng tương tự.
Ông Nhân (56 tuổi), chủ cửa hàng, chia sẻ rằng khoảng một tuần trở lại đây, lượng khách tìm tới dịch vụ sửa chữa tăng, nhưng chỉ “cao hơn một chút so với trước dịch”.
Ông Nhân, thường được biết đến với biệt danh Nhân "Râu", có thâm niên hơn 20 năm trong kinh doanh sửa chữa đồ điện lạnh. |
Bên cạnh công việc thu mua đồ cũ và sửa chữa trực tiếp tại cửa hàng, ông Nhân và các thợ chia nhau đi khắp Hà Nội khắc phục lỗi điều hòa, máy giặt, tủ lạnh… theo yêu cầu khách hàng.
Nhờ tất cả nhân viên sinh sống luôn tại chỗ làm trong thời gian giãn cách, cửa hàng ông Nhân có điều kiện sớm trở lại nhịp làm việc bận rộn ban đầu ngay khi Hà Nội nới lỏng.
Anh Trung (24 tuổi), thợ sửa chữa có kinh nghiệm làm việc hơn một năm, là một trong số những nhân viên sống tại gian nhà sau của cửa hàng.
Mặc dù nghỉ không lương, anh cho biết cuộc sống không quá vất vả vì vẫn tự lo được sinh hoạt phí, cũng như nhận được sự hỗ trợ suốt 2 tháng qua.
Cửa hàng của ông Nhân nhộn nhịp vào đầu giờ chiều 27/9. |
Trong khi đó, cửa hàng sửa chữa đồ điện lạnh của ông Hoàng (51 tuổi), nằm trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), lại không may mắn như “Vua Đồ Cũ”.
Cửa hàng có khoảng 10 nhân viên, nhưng phân nửa vẫn còn kẹt ở quê nhà, chưa thể đi làm trở lại.
Ông cũng đùa rằng suốt gần 20 năm qua, chưa lúc nào thấy thợ nghề "lại rảnh rỗi đến vậy".
"Vì nhiều doanh nghiệp như nhà hàng, khách sạn hay công ty vẫn chưa mở cửa trở lại, chúng tôi gần như không có gì để sửa chữa. Một tuần nay, cửa hàng chỉ xử lý nốt một vài đơn hàng còn tồn đọng từ trước giãn cách", ông cho biết.
Bên cạnh đó, sau đợt nghỉ dịch dài ngày, hoạt động thu mua đồ điện lạnh, điện tử cũ của cửa hàng cũng bị hạn chế do không có đầu ra.
Tình hình kinh doanh hậu giãn cách của cửa hàng ông Hoàng vẫn bị đình trệ vì nhiều nguyên nhân. |
Trên phố Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), cửa hàng chuyên sửa chữa đồ gia dụng của anh Quảng Lộc (42 tuổi) cũng trở nên ảm đạm hơn sau khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội.
Những ngày gần đây, chỉ lác đác vài người ghé qua nhờ anh xem giúp món đồ bị hư hỏng.
“Có lẽ trong thời gian nghỉ dịch, mọi người chăm chỉ nấu nướng hơn nên mấy ngày nay, họ thường mang nồi cơm điện, bếp từ... tới nhờ tôi sửa”, chủ cửa hàng chia sẻ với Zing.
Theo anh Lộc ước tính, số khách tới cửa hàng đã giảm khoảng 50% so với thời điểm trước giãn cách. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới doanh thu. Trong khi đó, anh vẫn phải lo lắng tiền thuê mặt bằng cho những tháng tiếp theo.
"Mấy hôm nay, hầu hết là khách quen sống quanh đây thôi, chứ không có nhiều khách vãng lai như trước", anh cho biết.
Cửa hàng sửa đồ gia dụng của anh Lộc mới chỉ đón khách quen là chủ yếu. |