Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tiệm sủi cảo mỗi ngày bán hơn 1.000 bát ở TP.HCM

Tiệm sủi cảo của gia đình bà Loan hoạt động trên 30 năm, thu hút thực khách nhờ hương vị đậm đà, chuẩn gốc Hoa.

Gia đình bà Loan hiện sở hữu 8 cơ sở trên con phố sủi cảo Hà Tôn Quyền nổi tiếng ở TP.HCM.

Nằm trên con đường sủi cảo nổi tiếng Hà Tôn Quyền, quận 11, TP.HCM là 8 quán sủi cảo của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Loan, 41 tuổi.

Ban đầu, mẹ bà Loan, một người phụ nữ gốc Hoa, mở hàng bán cháo gà, gỏi gà, bì cuốn ở khu Chợ Lớn. Sau khi học cách làm hủ tiếu mì, sủi cảo theo công thức người Hoa do cha truyền lại, người phụ nữ này mở một quán ăn nhỏ trong hẻm thuộc đường Hà Tôn Quyền vào khoảng đầu những năm 1990. Sau này khi kinh doanh ổn định, bà chuyển quán ra mặt đường. Năm 2009, bà Loan tiếp quản quán từ mẹ và bán đến hiện tại.

Mở bán từ 12h30 đến 1h sáng hôm sau, quán có mặt tiền rộng khoảng 20 m, diện tích khoảng 60 m2, phục vụ tối đa khoảng 60 - 70 khách một lúc và đông nhất vào khung giờ 18h30 - 20h30, bà Loan cho biết.

sui cao quan 11 anh 1

Thực khách đến quán có thể lựa chọn ngồi ăn trong nhà hoặc ngoài trời.

Sau 15 năm điều hành quán, bà Loan vẫn làm sủi cảo theo công thức gia truyền của mẹ để giữ được hương vị nguyên bản vì "đây là yếu tố chính thu hút và giữ chân khách".

Theo bà Loan, cách làm sủi cảo gần giống hoành thánh với vỏ ngoài làm bằng bột mì bọc lấy nhân thịt bên trong. Nếu hoành thánh có hình tròn và nhân thịt lợn, thì sủi cảo có hình bán nguyệt với nhân thịt và gói nguyên con tôm. Đa phần nguyên liệu và cách chế biến sủi cảo tại các quán tương tự nhau, điểm tạo nên sự khác biệt là kinh nghiệm và cách gia giảm gia vị để mang đến hương vị riêng cho từng quán, bà Loan cho biết.

Hầu hết công đoạn làm sủi cảo đều thực hiện thủ công, nguyên liệu tươi mới, nhập trong ngày để đảm bảo chất lượng món ăn. Quán có khoảng hơn 10 nhân viên phụ trách các công đoạn: chiên sủi cảo, chế biến các món nước, bưng bê, xếp chỗ ngồi để khách không phải đợi.

Thực đơn quán đa dạng với các món sủi cảo như sủi cảo chiên, sủi cảo khô ăn với dầu hào, sủi cảo cá viên, mực, da heo và các món mì, hủ tiếu kết hợp với sủi cảo. Mức giá dao động 70.000 - 105.000 đồng/bát.

Sủi cảo thập cẩm với nhiều loại topping da heo, mực, cá viên được nhiều thực khách lựa chọn khi đến quán. Phần nước màu vàng nhạt, trong, vị ngọt thanh thấm vào lớp vỏ sủi cảo, tạo độ mềm và trơn bóng bắt mắt. Nhân sủi cảo có vị ngọt từ thịt và hấp dẫn thực khách với màu đỏ tươi của thịt tôm tươi, chắc. Da heo mềm, thịt cá viên bùi, xốp cùng những miếng thịt mực một nắng giòn sần sật giúp thực khách cảm nhận được nhiều hương vị trong một lần thưởng thức.

Ngoài ra có sủi cảo khô sốt dầu hào và sủi cảo chiên cũng được yêu thích. Thực khách có thể gọi thêm một số đồ uống như la hán quả, bông cúc, hồng trà, sữa đậu nành.

sui cao quan 11 anh 6

Ngoài đồ ăn, quán phục vụ một số món đồ uống hợp vị.

Trung bình mỗi ngày, quán bán khoảng hơn 1.000 bát, cuối tuần khách đông hơn, số lượng tăng lên nhưng không cố định, bà Loan nói.

Biết đến quán nhờ bạn giới thiệu từ khoảng 10 năm trước, anh Phan Mạnh Cường, TP.HCM (ảnh) thường đến quán mỗi tuần một lần. Dù đã thử qua nhiều quán trên đường Hà Tôn Quyền có giá cả và không gian tương đồng, anh đánh giá quán bà Loan có món sủi cảo hợp khẩu vị nhất, đặc biệt là sủi cảo thập cẩm.

“Sủi cảo có nhân đầy đặn, vị đậm mà không bị mặn, nhiều topping và phù hợp với sức ăn của nam giới”, anh nhận xét.

sui cao quan 11 anh 7

Anh Cường là khách quen của quán từ khoảng 10 năm qua.

Gia đình ông Nguyễn Chí Thanh, 53 tuổi, người gốc Hoa, hiện sinh sống tại TP.HCM (ảnh) đã ăn ở quán hơn 8 năm. Ông Thanh chọn sủi cảo nước và sủi cảo chiên là hai món mang hương vị món ăn của người Hoa rõ nhất.

Cũng từng đến ăn các quán khác, ông nhận xét hương vị và số lượng đồ ăn không bằng dù cùng mức giá. Do vậy, đây vẫn là quán sủi cảo gia đình ông thường đến ăn mỗi tuần 1 - 2 lần.

sui cao quan 11 anh 8

Gia đình ông Thành thường xuyên đến quán bởi yêu thích hương vị sủi cảo chuẩn gốc Hoa.

Ngoài khách địa phương và cộng đồng người Việt gốc Hoa ở TP.HCM, quán cũng đón tiếp nhiều khách ngoại tỉnh, du khách đến từ các nước châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và châu Âu.

Tuy nhiên, có không gian rộng rãi, thoáng mát nhưng quán không có điều hòa, thực khách nên đến vào buổi tối. Trong khung giờ cao điểm, đường đi trở nên đông đúc, chỗ để xe hạn chế, thực khách nên gửi xe ở đầu đường Hà Tôn Quyền với giá 5.000 đồng rồi đi bộ khoảng 20 m đến quán.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.

> Xem thêm: Sách cho những tâm hồn ăn uống

Đầu bếp Mỹ gốc Việt kể tên 5 tiệm bánh mì ngon 'nhức nách' ở TP.HCM

Đầu bếp và tác giả người Mỹ gốc Việt Andrea Nguyễn lùng sục khắp các con phố TP.HCM để tìm kiếm những chiếc bánh mì ngon nhất. 5 quán bánh mì sau được bà gợi ý cho thực khách.

Những kiểu phục vụ lạ lùng tại nhà hàng TP.HCM

Ăn trong bóng tối, tự lấy món và thu dọn, tìm mỏi chân không thấy quán... là những phong cách phục vụ độc lạ tại một số nhà hàng, quán bar ở TP.HCM.

Quỳnh Mai

Bạn có thể quan tâm