Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tố cáo người khác khi chưa có bằng chứng có thể bị xử lý hình sự

Luật sư cho biết với việc đăng tải thông tin chưa kiểm chứng, gây ảnh hưởng tới các cá nhân, người đăng bài có thể bị nhắc nhở, xử phạt hoặc xử lý hình sự.

Thời gian qua, những lùm xùm liên quan tới tiền từ thiện của một số nghệ sĩ được nhiều người bàn luận trên mạng xã hội. Trong số này, có những cá nhân đã đăng tải bài viết với nội dung tố cáo, cho rằng một số nghệ sĩ ăn chặn tiền dù không đưa ra được bằng chứng cụ thể.

Với hành vi này đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng, những cá nhân này có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) nhận định việc chứng minh các nghệ sĩ có sai phạm hay không là thẩm quyền của cơ quan điều tra. Việc các cá nhân "tát nước theo mưa", đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng là hành động nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu tới người trong cuộc cũng như khiến chính những người đăng bài có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

"Hiến pháp 2013 có quy định về quyền tự do ngôn luận, quyền tự bày tỏ ý kiến của cá nhân. Tuy nhiên, ranh giới giữa tự do ngôn luận và xuyên tạc, xúc phạm người khác là rất mong manh. Nếu vượt quá giới hạn tự do ngôn luận, người vi phạm hoàn toàn có thể bị pháp luật xử lý", Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa nêu quan điểm.

Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt 10-20 triệu đồng. Mức phạt áp dụng với cá nhân vi phạm sẽ là 5-10 triệu đồng.

Trường hợp này, cơ quan chức năng có quyền triệu tập những người đăng bài lên làm việc. Nếu hành vi chưa cấu thành tội phạm hình sự, họ có thể bị nhắc nhở hoặc xử phạt theo Điều 101 Nghị định này. Ngoài ra, những người này còn phải gỡ bỏ, đính chính thông tin sai sự thật.

Nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng và có dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc. Trường hợp có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội, người đăng tải thông tin có thể bị xử lý về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288) hoặc Vu khống (Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015).

Về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, người vi phạm có thể bị xử lý về tội này nếu đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật hoặc mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Ngoài ra, cần chứng minh người thực hiện hành vi đã thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của các tổ chức, cá nhân.

vu khong bi xu ly hinh su anh 1

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa. Ảnh: Hải Nam.

Còn với tội vu khống, Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.

Như vậy, yếu tố quan trọng để xử lý hình sự những người này là việc họ đăng tải những thông tin "biết rõ là sai sự thật" nhằm xúc phạm các nghệ sĩ.

Nếu muốn xử lý người đăng bài về tội danh này, các nghệ sĩ cần lập vi bằng ghi nhận hành vi vu khống, nói xấu trên mạng xã hội và do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu. Sau đó, những tài liệu này cần gửi kèm Đơn tố giác tội phạm. Nếu có đủ căn cứ, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để điều tra làm rõ.

"Bịa đặt, lan truyền, đưa thông tin chưa qua kiểm chứng lên không gian mạng hoặc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để phán xét, công kích cá nhân là hành vi rất nguy hiểm, gây hậu quả xấu cho nhiều người. Các cá nhân nên cẩn trọng trước khi đăng tải thông tin, tránh việc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác và bị xử lý theo quy định của pháp luật", ông Giáp nhấn mạnh.

Đi sao kê tài khoản ngân hàng có vi phạm Chỉ thị 16?

Theo luật sư, người đến ngân hàng sao kê trong lúc giãn cách xã hội có thể bị xử phạt do vi phạm quy định chống dịch.

Có được vận động quyên góp từ thiện bằng tài khoản cá nhân?

Theo luật sư, cá nhân sau khi vận động quyên góp không được tự ý sử dụng tiền từ thiện mà cần nộp lại cho các tổ chức có thẩm quyền để họ thực hiện công tác cứu trợ theo quy định.

Ăn chặn tiền từ thiện có thể bị xử lý về tội gì?

Luật sư cho biết nếu cáo buộc là đúng, người có hành vi ăn chặn tiền từ thiện có thể bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức án tối đa 20 năm tù.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm