Chương trình ăn tôm ăn thỏa sức đã góp phần dẫn đến khoản lỗ hàng triệu USD của Red Lobster. Ảnh: Red Lobster. |
Theo một số nguồn tin, chuỗi nhà hàng hải sản lớn nhất nước Mỹ đang chuẩn bị nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 tại Orlando, Florida.
Công ty đặt mục tiêu sử dụng quy trình phá sản để đàm phán và nhận được nhượng bộ từ chủ nhà, đồng thời tìm cách đạt được thỏa thuận với các chủ nợ để tiếp tục hoạt động. Động thái này có thể cắt giảm khoản nợ hàng trăm triệu USD, theo nguồn thạo tin.
Nổi tiếng với bánh quy cheddar và tôm bỏng ngô, Red Lobster gần đây đã đóng cửa hàng chục trong số khoảng 650 địa điểm ở Mỹ, Wall Street Journal đưa tin.
Đơn vị thanh lý của Red Lobster cho hay các địa điểm bị đóng cửa trải dài khắp 20 tiểu bang và bao gồm cả nhà hàng ở Denver, San Diego, Indianapolis, San Antonio và Orlando. Orlando là nơi đặt trụ sở chính của chuỗi nhà hàng này tại Mỹ.
Nguyên nhân xuất phát từ việc xu hướng thị trường thay đổi và cả chính bất cập trong chiến lược của nhà hàng.
Red Lobster được cho sẽ nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Orlando, Florida. Ảnh: Wall Street Journal. |
Thách thức
Công ty nghiên cứu thị trường Technomic ước tính Red Lobster - một trong những chuỗi nhà hàng phục vụ tại bàn lớn nhất Mỹ tính theo doanh thu - kiếm được 2,2 tỷ USD từ hoạt động kinh doanh nội địa vào năm 2023.
Con số này giảm 8% so với năm 2022. Technomic xếp hạng Red Lobster là chuỗi nhà hàng lớn thứ 41 của Mỹ tính theo doanh thu nội địa vào năm 2023, giảm từ vị trí thứ 24 vào năm 2013.
Các chuỗi nhà hàng đang phải vật lộn với lượng khách hàng sụt giảm khi người tiêu dùng, đặc biệt là thực khách có thu nhập thấp, hạn chế chi tiêu.
Dữ liệu ngành cho thấy nhiều chuỗi ăn uống bình dân phụ thuộc vào lượt ghé của người tiêu dùng có thu nhập từ 50.000 USD trở xuống. Tuy nhiên, đây lại chính là phân khúc đang giảm lượt ghé thăm hoặc gọi ít món hơn khi đi ăn ngoài.
Red Lobster, một trong những chuỗi nhà hàng ăn uống bình dân đầu tiên của Mỹ, cũng phải đối mặt với những thách thức chiến lược.
Trong số đó, một phần nguyên nhân đến từ việc nhà hàng này thực hiện chiến dịch marketing "Tôm hùm bất tận" - chương trình ăn tôm hùm thả ga kéo dài mãi mãi thay vì 6 tuần như trước đây.
Vào năm 2003, chuỗi buffet này cũng từng tung ra chương trình tương tự với sản phẩm cua tuyết. Chỉ với giá 20 USD, thực khách có thể ăn thả ga món ăn sang chảnh này. Red Lobster tự tin thương hiệu sẽ bùng nổ vì thu hút nhiều thực khách sau chương trình.
Tuy nhiên, do quá nhiều thực khách "kém văn minh" xuất hiện mà hãng đã lỗ tổng cộng 3,3 triệu USD trong 7 tuần. Kết quả, vụ việc tạo nên làn sóng bán tháo 405,9 triệu USD cổ phiếu chỉ trong một phiên giao dịch, khiến CEO Edna Morris khi đó phải từ chức.
Chuỗi nhà hàng này từng điêu đứng khi tung ra chương trình ăn cua tuyết thả ga. Ảnh: Michael Nagle/Bloomberg. |
Lần này, lịch sử lại lặp lại với món tôm hùm. Chương trình khuyến mãi Endless Shrimp (Tôm bất tận) của Red Lobster là nguyên nhân chủ yếu khiến chuỗi nhà hàng này báo khoản lỗ 11 triệu USD trong quý III năm 2023, theo Fortune.
Wall Street Journal nhận định thương vụ mua tôm ăn thỏa sức mà các giám đốc điều hành hy vọng sẽ xoay chuyển tình thế đã góp phần gây ra khoản lỗ lớn.
Trong khi đó, Business Insider cho rằng câu chuyện của Red Lobster có thể còn phức tạp hơn thế nhiều khi liên quan đến khả năng định vị thương hiệu kém và dàn lãnh đạo không ổn định.
Không phải là duy nhất
Chủ sở hữu đa số của Red Lobster - nhà cung cấp hải sản Thai Union Group - cho biết đầu năm nay, họ đã lỗ quá nhiều tiền và muốn rời khỏi chuỗi do “đóng góp tài chính tiêu cực kéo dài”.
“Chúng tôi sẽ rút lui. Chúng tôi sẽ không bơm thêm tiền vào Red Lobster”, giám đốc điều hành Thai Union Thiraphong Chansiri cho biết trong cuộc gọi báo cáo tháng 2.
Một số chuỗi nhà hàng gần đây cũng đã tuyên bố phá sản hoặc đang tìm cách bán lại.
Lãi suất nợ cao, sự giảm tốc trong chi tiêu của người tiêu dùng và việc nhà đầu tư cắt giảm đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm đang ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của nhiều nhà hàng, theo hồ sơ và lời của các giám đốc điều hành nhà hàng.
Chuỗi nhà hàng Tex-Mex Tijuana Flats và Sticky's Finger Joint có trụ sở tại New York (Mỹ) đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 trong tháng qua. Dom's Kitchen & Market và Foxtrot Market - các cửa hàng tạp hóa có khu vực thực phẩm chế biến sẵn - với trụ sở đặt tại Chicago, đã đột ngột ngừng hoạt động vào tháng 4.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.