Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Trạm rửa tay dã chiến chống dịch và những niềm lạc quan bình dị

Đôi khi, chuyện phi thường được tạo nên từ những điều nhỏ bé, cũng như câu chuyện gần gũi về cuộc sống đời thường của người dân xung quanh các trạm rửa tay công cộng miễn phí.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sử dụng khẩu trang phòng dịch là cần thiết nhưng chưa đủ, nếu không kết hợp với rửa tay cùng xà phòng sạch khuẩn thường xuyên và đúng cách, đặc biệt khi đến những khu vực có nguy cơ lây nhiễm lớn như trạm xe buýt, bến xe, bệnh viện… Thế nhưng, mọi chuyện không dễ dàng khi những nơi này chưa lắp đặt nơi rửa tay với đầy đủ xà phòng, nước sạch.Những ngày dịch bệnh diễn ra phức tạp, lượng người lui tới các bến xe vắng hẳn, chủ yếu là nhân viên bến xe, người lao động… ai cũng đeo khẩu trang kín mít.

TP.HCM, một ngày mùa dịch, nắng vẫn trải vàng ươm mỗi con đường. Nóng, rất nóng!

- Mua cho cô chai nước nha con, mười ngàn thôi hà!

- Dạ, cô cho con một chai.

Cầm hai tờ năm ngàn trên tay, cô vuốt lại phẳng phiu rồi kẹp vào xấp tiền nhét kỹ vô túi. “Cám ơn con nghe, chứ mấy ngày này cô bán cũng ế quá”, đoán chừng sau lớp khẩu trang là một nụ cười hiền dù ánh mắt vẫn thoáng nét đăm chiêu.

Bến xe này là nơi cô mưu sinh suốt nhiều năm qua, bất kể mưa nắng, bão bùng hay dịch bệnh như hiện tại. “Buôn bán ngoài đường giữa mùa dịch vầy cô cũng lo, lo cho mình thì ít mà lo cho con cái thì nhiều, lỡ mang mầm bệnh về cho con thì khổ lắm. Nhưng không đi bán thì lấy đâu tiền mà lo cơm lo áo đây”, cô nói rồi lại tiếp tục đảo mắt tìm xem có vị khách nào qua đường sẽ mua chai nước hay dăm ba thứ bánh trái đang được xếp gọn gàng, ngay ngắn của mình không.

Cách khoảng dăm mười mét, anh xe ôm tắp vào lề dựng chống xe, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, lưng áo ẩm vệt nước, chắc vừa chạy cuốc nào xa dữ lắm. Gỡ chiếc nón bảo hiểm, anh lấy tay vuốt mặt cho tỉnh táo, như thể muốn gột đi nỗi nhọc nhằn.

- Ấy, đang có dịch mà, anh rửa tay với xà phòng cái đã rồi hẵng lau mặt.

- Thôi, tay còn sạch mà, vô nhà vệ sinh rửa mất công với mất phí nữa, nên tụi anh ngại vô lắm.

- Chứ bình thường mình hay rửa tay rửa mặt ở đâu ạ?

- À kia kìa em.

Vừa nói anh vừa chỉ vào chỗ rửa tay nhanh của anh và một vài tài xế thân thiết. Theo hướng tay anh, một chiếc ống nước màu xanh cũ kỹ bạc màu, chằng chịt dây cố định, đang nằm chỏng chơ giữa nền đất, chẳng ai buồn nhặt lên.

Anh cười trừ nói tiếp: “Đợt này có dịch, mỗi ngày đi làm nhà anh cũng sợ, nhắc miết chuyện vệ sinh tay chân nhưng điều kiện thì đâu cho phép, anh cũng đại đại chịu vậy thôi”.

Đâu đó tiếng thở dài vang lên rất khẽ.

- Chú lái xe cả ngày có sợ corona không chú?

- Chú cũng sợ lắm con. Mà chú hông chạy xe thì sao có tiền nuôi tụi nhỏ ở nhà?

- Dạ, chú giữ gìn sức khoẻ, chăm đeo khẩu trang và rửa tay nha chú!

- Ừa khẩu trang chú đeo suốt đó chớ, mà rửa tay miết bằng cồn được phát nên tay chú khô tróc hết trơn. Bà xã thương mới sắm cho đôi găng xài để đỡ rửa, hà hà...

- Ừa, Su ở nhà với ông bà nội ngoan, mẹ đang làm, mẹ về mua bim bim cho Su nghe.

- Bé nhà mình lớn chưa ạ?

- Lớp 2 rồi chú, mà đợt dịch được nghỉ học, anh chị không ở nhà chăm được nên gửi về nội.

- Đợt này em thấy khách cũng ít mà, sao chị không tranh thủ xin ở nhà tránh dịch với trông bé luôn cho khỏe?

- Hồi đầu chị cũng xin nghỉ vài ngày rồi, mà tụi nhỏ nghỉ lâu quá, xe có chuyến thì vẫn cần tụi chị đi chứ, không là thiếu người. Con nó buồn cứ đòi ra trạm với mẹ, mà nghề này em biết rồi, chạm hết chỗ này chỗ nọ, cầm tiền nữa, ôm ấp nó cũng sợ nữa là, nhưng chắc tại lỡ thương cái nghề đi này rồi, ở nhà cũng buồn lắm.

Từ ngày có dịch, đường sá vắng vẻ hơn những buổi tan tầm; hàng quán cũng thưa người tới lui; những chuyến tàu xe từng chật kín người nay lại chừa ra nhiều chỗ trống… Thế nhưng, có những hình ảnh thân quen vẫn không hề đổi khác.

Cô bán hàng nói cười xởi lởi, chú lái xe chở khách nhiệt tình, chị soát vé luôn giữ nụ cười hồn hậu trên môi… Không phải họ không sợ, mà bởi, dù có bất kỳ thay đổi nào thì cuộc sống vẫn tiếp diễn, họ phải làm việc và mạnh mẽ mỗi ngày, gắng gồng vượt qua cuộc đấu tranh giữa mối lo cơm áo và sức khoẻ cho bản thân, gia đình ngày càng đè nặng. Nhiều khi, ý niệm “Phải chăng không ai chú ý đến chúng ta?” chạy ngang, rồi cũng nhanh chóng cuốn theo dòng chảy cuộc sống của bao người lao động chốn công cộng như trên.

Như những câu chuyện kể thường kết thúc có hậu, thì đến một ngày, nỗi lắng lo cũng nhường chỗ cho niềm lạc quan nảy mầm. Ngày trạm rửa tay dã chiến màu đỏ dựng lên giữa bến xe, những người dân lao động nơi đây xem chừng phấn khởi lắm. Anh xe ôm có thể rửa tay sạch sẽ sau mỗi cuốc xe, chú tài xế giờ đây đã có đủ combo phòng dịch “không khô tay” đúng như ước muốn, cô bán hàng, chị soát vé cũng tự tin hơn những lúc đi làm.

Chỉ cần nán lại các trạm một chút, là dễ thấy cảnh người xếp hàng ra vào rửa tay vui như trẩy hội. “Ngày đầu mới lắp, tụi anh cũng tò mò ngó thử coi sao, nhưng chưa ai rửa nhiều do trước giờ không có quen. Vậy mà giờ không làm là thấy thiếu, mỗi lần chở khách, anh đều rửa tay, rửa mặt, riết rồi thành quen, vừa sạch cho mình, vừa vui lòng khách em hen”, anh xe ôm rời trạm với khuôn mặt rạng rỡ, như vừa được tiếp thêm năng lượng tích cực. Anh huýt sáo một bài nhạc ngẫu nhiên nào đó, tay vẩy nước theo điệu. Ngày hôm nay vui vẻ anh nhé!

Mấy chị đến sau cũng xởi lởi hỏi nhau về chuyến kế tiếp, kể chuyện khách đi xe, chuyện nhà chuyện cửa, chuyện mấy đứa nhỏ, mà tay vẫn thoăn thoắt rửa theo đúng 6 bước hướng dẫn in trên trạm. Đứng khuất sau hàng người dài là bác tài kiên nhẫn đợi tới lượt, một bên túi quần là đôi găng tay “tình yêu” nhét vội. Hỏi thăm tay chú đỡ chưa, chú bảo có trạm rửa nước vậy rồi tróc khô gì mà sợ nữa.

“Trước ở đây bán, nhiều lúc tay bẩn mà cô ngại đi rửa vì mất công đi xa lại không ai coi đồ giùm, giờ có trạm đàng hoàng, còn được miễn phí nên phải rửa cho yên tâm chứ. Nước rửa tay thơm nữa nên rửa xong là thích lắm”, cô bán hàng cũng hào hứng khoe.

Từ ngày có trạm rửa tay, dù mỗi ngày đều có nhân viên trạm đến vệ sinh, nhưng chẳng ai bảo ai, tất cả đều ráng giữ gìn vệ sinh cho trạm sạch sẽ, thậm chí mấy chị xung quanh còn thay phiên nhau lau dọn, hễ ai có ý định rửa tay sẵn tiện rửa chén bát trong bồn là bị cản ngay. “Nhìn cái trạm thấy thương lắm bay ơi! Hồi giờ báo đài cứ nói hoài vụ rửa tay thường xuyên mà mình đâu có nghe, đợi khi có dịch rồi mới làm theo. Tính ra mấy nay xà phòng ‘sốt’ quá trời mà Lifebuoy cho dựng trạm rửa tay miễn phí vậy cũng ấm lòng”, một chị soát vé trẻ hồ hởi.

Một chị đang cặm cụi lau bớt nước trên thành trạm, trên bục đứng và mang thảm đi phơi khô, ngước lên bắt gặp ánh mắt nhìn chăm chú, liền mỉm cười bẽn lẽn: “Ở đây chẳng ai bắt ai phải dọn dẹp chỗ này, toàn là tự nguyện cả, mình được dùng miễn phí rồi thì gắng giữ cho nó sạch sẽ để mai mốt người khác còn dùng, mỗi người nghĩ cho nhau một chút thì dịch bệnh nào cũng thắng”.

Không chỉ là điểm rửa tay thông thường sau mỗi cuốc xe, mỗi lần kết chuyến hay trước khi ra về, những trạm rửa tay dã chiến còn trở thành nơi tiếp thêm năng lượng cho mỗi người lao động cần mẫn, để họ thấy mình vẫn được yêu thương, săn sóc, vững tin đi qua mùa dịch và tiếp tục lan toả san sẻ sự quan tâm của mình tới những người xung quanh.

Chỉ một hành động nhỏ bé, nhưng những trạm rửa tay dã chiến đã tạo ra nhiều thay đổi lớn lao, để thấy rằng, tình yêu thương, tấm lòng sẻ chia không bao giờ là lãng phí và luôn tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống. Nó mang lại hạnh phúc cho cả người trao đi lẫn người nhận được.

Điều chúng ta có thể làm không chỉ là đón nhận món quà ấy, mà còn là tiếp nối cũng như lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, cùng nhau làm nên sức mạnh đi qua mùa dịch, bởi “một con đom đóm không thể thắp sáng cả vùng trời, nhưng khi nhiều con đom đóm cùng tụ lại để gom góp ánh sáng, chúng sẽ tạo ra được cả một dải thiên hà”. Đó cũng chính là mục tiêu vì một Việt Nam khỏe mạnh mà Lifebuoy mong mỏi thực hiện không chỉ trong mùa dịch mà còn trong suốt 25 năm qua.

Hà Mỹ Giang

Đồ hoạ: Dương Dương

Bình luận

Bạn có thể quan tâm