Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ một tuổi bị hoại tử vết bỏng sau khi đắp thuốc

Nghe lời người quen giới thiệu, cha mẹ của bệnh nhi lấy thuốc lá đắp vào vết thương ở bụng khiến vùng da bé hoại tử độ 3, 4.

Các bác sĩ tại khoa Chất thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cảnh báo về một trường hợp tự chữa bỏng tại nhà gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là bệnh nhân Đ.N.A. (sinh năm 2019, ở Diễn Châu), nhập viện trong tình trạng bỏng nước sôi vùng bụng nhiều ngày.

Trước đó, gia đình nghe theo lời giới thiệu của người quen, lấy thuốc lá trị bỏng để đắp cho con. Tuy nhiên, tình trạng của trẻ không đỡ, thậm chí, ngày càng sưng to, đau rát. Kèm theo đó, bệnh nhân bị sốt cao không dứt.

Theo tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Thái Văn Bình, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bé A. nhập viện trong tình trạng vết bỏng bị sưng nề, chảy dịch đục, vùng cổ, ngực, bụng, cẳng tay phải bị phồng rộp nước, có phần hoại tử đen kèm theo chảy mủ hôi, nhiễm trùng nặng.

hoai tu vet bong vi tu y dap thuoc la anh 1

Bé trai ở Nghệ An bị bỏng, nhiễm trùng, hoại tử sâu độ 3, 4 sau khi cha mẹ tự ý đắp thuốc lá. Ảnh minh họa: Freepik.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân A. đã được các bác sĩ, điều dưỡng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng làm sạch dịch mủ và vệ sinh sạch sẽ tại vị trí bỏng. Đồng thời, bé được điều trị toàn thân, truyền kháng sinh, dịch, dùng thuốc giảm đau, mổ cắt lọc hoại tử bỏng 2 lần.

Bác sĩ Bình cho biết bé A. bị hoại tử bỏng sâu độ 3, 4 do nước sôi. Cùng đó, bé bị nhiễm trùng do bôi thuốc lá. Nó tạo màng gây tăng độ sâu cho vết thương, khiến việc chữa trị thêm phần phức tạp.

Bệnh nhi bị nhiễm trùng, độc nặng phải dùng kháng sinh liều cao, sức khỏe chưa ổn định. Do đó, bé phải chuyển khoa Hồi sức tích cực Ngoại điều trị rồi mới về khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng để tiến hành ghép da. Hiện tại, bé A. được tiến hành ghép da lần 2 và theo dõi, điều trị tại bệnh viện.

Thời gian qua, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng vì đắp thuốc không rõ nguồn gốc. Nhiều bệnh nhân vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài và tốn rất nhiều chi phí.

Các bác sĩ khuyến cáo khi bị bỏng, gia đình cần cách ly người bệnh tránh xa tác nhân gây bỏng, xả vết thương dưới vòi nước mát ít nhất 15 phút. Chúng ta tuyệt đối không dùng đá để tránh gây bỏng lạnh. Việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giúp giảm sưng, độ sâu của vết thương và nguy cơ gây sốc cho nạn nhân.

Nếu có bọng nước, kết vảy, chúng ta không nên bóc. Khi chúng bị vỡ ra dễ gây nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn. Chúng ta tuyệt đối không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá…, lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng. Sau khi sơ cứu, nạn nhân cần đưa ngay đến bệnh viện để được khám bệnh và điều trị, tránh các biến chứng.

Người phụ nữ ở Trung Quốc mang 'khuôn mặt voi'

Chứng bệnh u sợi thần kinh khiến người phụ nữ 50 tuổi, ở Liêu Ninh, Trung Quốc, có khuôn mặt dài tới ngực và bị cộng đồng xa lánh.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm