Nghèo đến mấy cũng được đến trường
Chúng tôi đến thăm nhà chị Liên ở xóm phao dưới chân cầu Long Biên, Hà Nội. Người mẹ đơn thân này kể những câu chuyện quen thuộc về nỗi vất vả mưu sinh. "Từ ngày chồng tôi mất, cuộc sống vất vả lắm".
Ánh mắt buồn của chị chỉ sáng lên khi chúng tôi hỏi về việc học tập của các cháu. Chị phấn khởi nhắc đến 2 con, một trai, một gái đều đang học tập với thành tích tốt.
Nhờ dự án hỗ trợ trẻ em những gia đình nghèo sinh sống ven sông Hồng, chị Liên không còn phải lo học phí cho con gái đang học lớp 5. Hằng ngày, chị đưa bé Linh đến trường tiểu học Nghĩa Dũng cách nhà 3 km. Buổi trưa, Linh lại được tổ chức tình nguyện lo chỗ ăn uống và nghỉ trưa.
"Tổ chức từ thiện này lo tiền học phí, một đơn vị khác lo ăn uống, việc học của các cháu giờ đỡ hơn nhiều", chị Liên chia sẻ.
Đang dở câu chuyện, cô bé Linh bỗng trồi lên ở mép nước ngay sát cửa sổ căn lều. "Đố anh bơi giỏi bằng em đấy!", cô học sinh tiểu học nhìn tôi cười khúc khích rồi lại quẫy nước lặn mất tăm. Dù việc học hành đã được quan tâm hơn, nhưng nếp sống hồn nhiên nơi sông nước vẫn là đặc trưng của những đứa trẻ ở "thảo nguyên" sông Hồng.
Trẻ em xóm phao thường học bài ngay khi đi học về để tranh thủ ánh sáng ban ngày. Ảnh: Ngọc Tân. |
Trong xóm có những gia đình đông con như nhà chị Ánh, 3 trai, 1 gái. Cậu anh cả đang học lớp 5, em gái nhỏ hơn học lớp 4 và một cậu nữa sắp vào lớp 1. Các em đang chuẩn bị sách vở và quần áo cho lễ khai giảng tại trường tiểu học Nghĩa Dũng.
Chị Ánh cho biết, nếu không được tài trợ chi phí ăn học, rất có thể các em sẽ phải rong ruổi mưu sinh giống cha mẹ mình.
Quỳnh - con gái chị Ánh - chỉ cho tôi xem những tấm giấy khen được treo ngay ngắn trong túp lều phao. Từ khi vào lớp 1 đến nay, Quỳnh và anh trai đều là học sinh giỏi, xuất sắc của trường.
Khi các tổ chức từ thiện tìm đến và giúp đỡ, nhiều em đã quá tuổi đi học vài năm, như cậu bé Hùng 7 tuổi mới vào lớp 1, cô bé Linh hơn Hùng 1 tuổi nhưng cũng đang học cùng lớp với em.
Háo hức trước ngày khai giảng
Ông Được, người quản lý xóm phao cho biết, cả xóm có khoảng 24 em ở tuổi đến trường, tất cả đều đã sẵn sàng cho ngày khai giảng.
Những gia đình xóm phao chỉ phải lo việc đi lại và chi phí phát sinh cho các em. Trước khi bước vào năm học mới, tổ chức phi chính phủ của Pháp đã chi trả cho các em từ bộ sách giáo khoa, vở ô li, quần áo đồng phục đến toàn bộ tiền học phí.
Những tình nguyện viên còn thay phiên nhau đến tận xóm phao để dạy tiếng Anh cho các em.
Gần đây, những gia đình xóm phao được lắp pin năng lượng mặt trời để thắp đèn led và tivi cỡ nhỏ. Các em cũng lần đầu tiên được xem những bộ phim hoạt hình vào thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, những bóng đèn led không đủ sáng để học bài. Năm học mới, các em vẫn phải giữ thói quen đi học về là mở ngay sách vở để làm bài tập về nhà trước khi trời tối.
Những nỗi vất vả vẫn hiện hữu bằng muôn cách khác nhau, chưa biết bao giờ người dân xóm phao mới được no đủ như những cư dân thành thị bên kia bờ đê sông Hồng. Nhưng nhìn vào những tấm giấy giấy khen treo trên vách lều phao, hay những bộ đồng phục mới được giặt sạch tinh tươm cho ngày khai giảng, hẳn những em nhỏ ở đây sẽ có tương lai tươi sáng hơn cha mẹ mình.