Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Từ kinh nghiệm du lịch mạo hiểm đến đu dây cứu người trong lũ

Người dân ngày đêm gói bánh chưng và đồ xôi, vượt hàng nghìn km mang nhu yếu phẩm từ Nam ra Bắc để cứu trợ các tỉnh chịu ảnh hưởng của mưa lũ.

Xuất phát từ Quảng Bình vào sáng ngày 9/9, đội ngũ nhân viên Công ty du lịch Jungle Boss gồm 47 người chia làm 3 xe tiến về miền Bắc hỗ trợ người dân ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ từ cơn bão Yagi. Hành trang của đoàn là những trang thiết bị an toàn/bảo hộ, thực phẩm, tư trang và các loại thuốc cần thiết.

"Hiện chúng tôi đang ở xã Lại Xuân, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng giúp bà con dọn dẹp cây cối, sửa chữa trường học và các công trình công cộng dưới sự phối hợp với chính quyền địa phương", ông Lê Lưu Dũng, CEO kiêm Founder của Jungle Boss, nói với Tri Thức - Znews.

Vốn sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình - "rốn lũ" của miền Trung, cả đội thấu hiểu những khó khăn của bà con cũng như dày dặn kinh nghiệm ứng phó, khắc phục thiên tai nên cùng nhau "Bắc tiến" để hỗ trợ.

Nhân sự du lịch đi cứu hộ cứu nạn

Ông Dũng cho biết hiện ngoài các tỉnh miền Bắc sóng điện thoại vẫn chưa được kết nối lại sau bão, có chỗ vào được, chỗ không.

"Theo thông tin mới nhất báo về, mọi người trong đội vẫn khỏe mạnh, anh em đã và đang giúp đỡ bà con dọn dẹp, sửa chữa trường học, nhà cửa. Đội còn được bà con nấu cơm cho ăn, chúng tôi thật sự cảm động trước tình nghĩa đồng bào dành cho nhau", ông chia sẻ.

Ban đầu, đội ngũ Jungle Boss dự định sẽ hỗ trợ trong vòng 5 ngày, tùy vào hiện trường. Tuy nhiên, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, sau khi hỗ trợ xong địa điểm trên, có thể đơn vị sẽ tiếp tục di chuyển lên các khu vực khác tuỳ theo tình hình thực tế và sự điều phối của chính quyền địa phương.

"Chúng tôi hy vọng sẽ góp một phần nhỏ sức người giúp đồng bào vùng bão lũ vượt qua khó khăn", ông Dũng đại diện chia sẻ.

Trong khi đó, Hoàng Tuấn (27 tuổi), hướng dẫn viên du lịch thể thao mạo hiểm, cũng nhanh chóng tham gia vào đội cứu hộ có chuyên môn tham gia ứng cứu khi nghe lời kêu cứu trên MXH tối ngày 9/9. Đoàn xuất phát từ Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đi Thái Nguyên.

Đến chiều 10/9, Tuấn cho biết hiện Thái Nguyên tạm thời kiểm soát được tình hình, còn một vài yếu điểm nằm xa trung tâm. Công tác hỗ trợ và đưa người dân ra khỏi vùng lũ, cung cấp nhu yếu phẩm đã có nhiều người dân và các đội tình nguyện viên hỗ trợ.

"Tôi chỉ tham gia ứng cứu đối với các trường hợp đưa người dân xuống từ trên cao, khó tiếp cận, cần sử dụng các trang thiết bị an toàn. Hiện chúng tôi vẫn túc trực chờ tin theo khu vực được phân công và luôn sẵn sàng để có mặt sớm nhất ngay khi tiếp nhận trường hợp cần ứng cứu", Tuấn chia sẻ.

Với chiếc balo đựng khoảng 50 m dây cứu hộ, móc khoá an toàn, đèn pin, đồ khô, túi giữ nhiệt và các thiết bị an toàn, Hoàng Tuấn mong muốn góp sức trẻ để đồng hành cùng bà con vượt qua giai đoạn khó khăn, tổn thất nặng nề.

Nấu ăn xuyên đêm, mang nhu yếu phẩm từ Nam ra Bắc

Không yên lòng khi nghe tiếng mưa, An Nguyên (tỉnh Bắc Ninh) lập tức cùng bạn bè, đồng nghiệp kêu gọi đóng góp nhu yếu phẩm mang ra Yên Bái, Thái Nguyên và các tỉnh lân cận để hỗ trợ bà con.

"Tối nay xe 10 tấn chở nhu yếu phẩm xuất phát từ TP.HCM ra hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn trước mắt", Nguyên chia sẻ. Bên cạnh đó, cô tiếp tục kêu gọi đóng góp tiền mặt và các vật phẩm như nước uống, chăn màn, quần áo, đèn pin để giúp bà con nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.

mua lu mien Bac anh 7

Nhiều chuyến xe cứu trợ tiến thẳng về các tỉnh đang chịu ngập lụt ở miền Bắc. Ảnh: Quyết.

Trong khi đó, ông Hoàng Tuấn Anh, "cha đẻ" của ATM Gạo và ATM Oxy trong giai đoạn dịch Covid-19, đã thành lập ngay ATM Cứu Nạn, mang theo 10 xuồng máy, 500 áo phao cùng lương thực ra miền Bắc hỗ trợ.

Đại diện ATM Cứu Nạn cho biết trước mắt chuyến xe 8 tấn đầu tiên sẽ xuất phát vào khoảng 22h tối 10/9, mang theo nhu yếu phẩm và công cụ ứng cứu trước. Nếu được, đoàn sẽ tiếp tục kêu gọi đóng góp và ra Bắc giúp người dân tái ổn định cuộc sống sau mưa lũ.

Từ đầu cầu Tây Nguyên, nghe thông tin bão lũ, Nguyên Mỹ Phụng (tỉnh Đắk Lắk) thao thức. Sáng nay (10/9), nghe tin 2 tài xế xe tải nhận chở đồ ra ứng cứu bà con miền Bắc, cô nhanh chóng mang đồ đến gửi.

"Chúng tôi cùng đóng góp nước suối, lương khô, bánh, sữa, quần áo, đèn pin, áo phao... trong khả năng để giúp bà con sớm vực dậy trước tình hình khó khăn", Phụng chia sẻ. Chỉ sau nửa ngày, xe hàng 30 tấn đã gần đầy, xe khác được bổ sung và sớm xuất phát ra Bắc.

Ngoài các nhu yếu phẩm và vật dụng cứu hộ, nhiều người dân ở các tỉnh miền Bắc còn chung tay chuẩn bị các phần ăn tiện lợi để kịp thời gửi đến bà con ở Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai…

Từ sáng hôm nay (10/9), chị Kim Chi (tỉnh Vĩnh Phúc) quyết định tạm đóng cửa quán ăn của gia đình, tận dụng gian bếp lớn để hàng xóm tập trung gói 3.000 chiếc bánh chưng cho người dân vùng lũ.

"Bánh chưng đủ chất, có thể ăn ngay và bảo quản được 2-3 ngày. Ban đầu, tôi định gửi 200 chiếc, nhưng nhiều người muốn chung tay, một số người ở xa chuyển khoản tiền để quy đổi thành nếp, lá dong nên số lượng tăng lên 3.000 chiếc. Tôi chọn loại nếp ngon, còn lá dong được hàng xóm cắt mang đến", chị chia sẻ nhanh với Tri Thức - Znews, sau đó tiếp tục gói bánh.

Hiện bếp chị Kim Chi đỏ lửa 6 nồi bánh chưng với lực lượng gói bánh hơn 50 người. Các thành viên chia đều công việc, người lau lá, người buộc bánh, luộc bánh để kịp tiến độ.

"Chúng tôi đã tìm được đơn vị chở bánh lên cho bà con Yên Bái và huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) trong tối nay (10/9). Ngoài ra, những đơn vị đi Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang cũng có thể ghé lấy bánh chưng. Chúng tôi gửi tấm lòng cho các tỉnh đang chịu bão lũ", chị cho biết.

Trong những ngày tới, chị Kim Chi sẽ dựng thêm rạp bên ngoài để gói bánh chưng. Dự kiến mỗi ngày gửi đi khoảng 1.800 chiếc.

Tương tự, bếp thiện nguyện của chị Đoàn Hạnh (huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cũng nấu hơn 300 suất xôi gửi đến Thái Nguyên, Yên Bái và Lào Cai. Đặc biệt là các khu vực ngập lụt của quê hương.

Hàng chục thành viên cùng đồ xôi, thái chả và đóng hộp từ sáng hôm nay (10/9) để gửi các đơn vị mang đến tay bà con trong chiều cùng ngày.

"Khi nghe tin nhà dân chìm trong biển nước, tiện nhân lực và bếp núc, chúng tôi đã kêu gọi ủng hộ nếp, lạc, hộp xốp đựng xôi, thìa nhựa để nấu khẩn trương. Hy vọng sự giúp đỡ nhỏ bé của chúng tôi phần nào hỗ trợ bà con trong thời điểm này", chị Hạnh bày tỏ.

Vào ngày mai, bếp thiện nguyện vẫn tiếp tục đồ xôi và nấu thêm cháo. Chị Đoàn Hạnh cũng chăm chỉ đăng bài về hoạt động của nhóm lên MXH để kết nối với các mạnh thường quân ủng hộ nguyên liệu và các đoàn thiện nguyện nhận chở giúp đồ.

Cùng tương trợ các tỉnh miền Bắc trong trận mưa lũ lịch sử, Hà An (tỉnh Thanh Hóa) - giáo viên mầm non - cùng các đồng nghiệp xin phép ban giám hiệu sử dụng bếp ăn của trường để nấu 1.000 suất cơm.

Khoảng 15h hôm nay (10/9), bếp ăn tấp nập các thành viên ra vào. Tất cả nhanh tay nấu 100 kg gạo, xào 80 kg thịt, luộc 300 kg bầu và bí đỏ để gửi cho người dân các tỉnh đang chịu thiệt hại do lũ lụt.

"Cơ sở vật chất của trường thuận lợi, sẵn sàng cho việc nấu ăn xuyên đêm. Nếu hết nguyên liệu nhưng còn nguồn lực, các thành viên sẽ kêu gọi quyên góp và tiếp tục chế biến. Chúng tôi chỉ nhận thực phẩm, không nhận tiền", chị nói.

Nhóm nấu cơm sẽ gửi các đơn vị nhận chở đồ giúp lên cho bà con vùng Thái Nguyên, Yên Bái trong tối nay và sáng mai (11/9). Vì may mắn sinh sống tại tỉnh không bị ảnh hưởng nặng, chị An và các thành viên sẽ làm hậu phương, giúp đỡ cho đồng bào miền Bắc.

"Bà con miền Bắc đang cần nhiều suất cơm hơn nữa. Hy vọng sự góp sức của chúng tôi tiếp thêm động lực cho bà con", chị An chia sẻ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo khoảng thời gian từ chiều tối nay đến chiều tối 11/9 là đỉnh điểm đợt mưa lớn ở miền Bắc. Mưa lớn xảy ra làm phức tạp thêm tình hình lũ lụt.

Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình tiếp tục cảnh báo ngập sâu. Các tỉnh/thành phố đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình có khả năng ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Lũ 'cuốn trôi' tour ngắm lúa chín vàng, hoa tam giác mạch

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, cơ sở hạ tầng bị phá hủy do mưa lũ, nhiều đơn vị lữ hành phải điều chuyển khách sang các tuyến khác hoặc dời lịch khởi hành.

Khách sạn ở Sa Pa miễn phí chỗ ở, bữa ăn cho khách mắc kẹt vì mưa lũ

Hoàn lưu của bão Yagi gây mưa lũ và sạt lở, nhiều khách sạn hỗ trợ lưu trú và bữa ăn miễn phí cho du khách kẹt lại Sa Pa (Lào Cai); đồng thời hoàn tiền cọc cho du khách đặt trước.

Trúc Hồ - Linh Huỳnh

Bạn có thể quan tâm