Nhóm chúng tôi gồm Nguyễn Phan Anh Tú (Anh Tú Wilson, sinh năm 1998), Lê Thành Nhân (Ngao Ltn, sinh năm 1997) và Nguyễn Khánh Dương (Boy Xuka, sinh năm 1998) (theo thứ tự từ trái sang phải), theo đuổi đam mê với parkour hơn 10 năm. Chúng tôi tìm thấy niềm vui, tình bạn và công việc từ việc chơi môn thể thao mạo hiểm này. |
Thực hiện động tác trên không trung, khi những vết trầy xước hằn trên da thịt, “tôi tập té để không còn sợ đau” như cách Anh Tú, Thành Nhân và Khánh Dương thường trả lời cho cơn đau cơ thể. Cả ba đều nhất trí rằng parkour trước hết là bộ môn rèn luyện tinh thần. |
Nỗi sợ độ cao của Khánh Dương trước kia dần trở thành cảm giác tự do lúc bay nhảy, chinh phục những tòa nhà cao tầng, vì "càng sợ thì càng phải đối diện và tìm cách vượt qua". |
Theo Anh Tú, phần thưởng cho 12 năm tập luyện chính là sự bình tĩnh để phân tích, xử lý tình huống. Ví dụ, luôn cần xem xét kỹ lưỡng địa hình trước khi nhảy, rồi lựa chọn các động tác thực hiện, tính toán để tối ưu hoá đoạn đường đi (flow). Ngoài ra, những vết rộp hay chai sần trên tay sau buổi tập, với Anh Tú, như là tấm huy chương cho mình. |
Trong hình, Thành Nhân thực hiện động tác wall flip. "Trình" của những người chơi parkour có thể còn được đánh giá qua độ tự tin, cảm giác thong dong khi thực hiện động tác. Nhân cũng là một trong số ít người ở phía Nam có thể thực hiện được 3 vòng xoắn 1080 độ. |
Mỗi người trong chúng tôi cũng tìm thấy cơ hội công việc yêu cầu sự dẻo dai của cơ thể. Dù chưa có kinh nghiệm diễn xuất nhưng vai diễn hành động đến với Anh Tú năm 18 tuổi trong lần tình cờ nhà sản xuất đăng bài casting trong group parkour. |
Hiểu tính nhau, chúng tôi thường không ngại nhận xét, góp ý động tác. Sau buổi tập, chúng tôi cập nhật tình hình đời sống, kể những câu chuyện nhỏ, hoặc chỉ đơn giản "xíu nữa đi ăn gì?". |
Chúng tôi thích thay đổi không gian chơi parkour. Ra khỏi thành phố là một lựa chọn để có thêm địa hình mới. Chúng tôi hẹn nhau tại ở một điểm tập tại Đồng Nai, dù phần lớn mọi người sinh sống tại TP.HCM. |
Một điều làm chúng tôi thấy "đã" là được tập chung với anh em. Chúng tôi dùng điện thoại quay lại cho nhau những động tác đã tập, để sau đó có thể xem lại, tự chỉnh sửa kỹ thuật, dáng. Chúng tôi vui khi biết bản thân đã "lên trình", nhưng càng vui hơn khi nhìn thấy các anh em khác cũng cải thiện kỹ năng. Đây là động lực lớn để mọi người cùng nhau cố gắng. |
Parkour không phải là màn trình diễn của những động tác khó, mạo hiểm. “Tập cho mình, chứ không phải cho người ta coi", chúng tôi thường bảo nhau thế. Việc khởi động kỹ ít nhất 30 phút, tập đều đặn các bài bổ trợ là những điều không ai hướng dẫn, trong thời gian đầu một mình tập luyện parkour. Đó là những sai lầm mà chúng tôi không muốn các bạn mới tập phải loay hoay, như chúng tôi ngày xưa. |
Khi biết được một anh em chung đam mê nhưng không còn tiếp tục theo đuổi, sẽ là những ngày buồn nhất của chúng tôi trong hành trình tập luyện. |