Vẫn như mọi khi, trước mỗi lần phỏng vấn, "ông vua" của ngành gốm sứ Việt giữ vẻ điềm đạm vốn có và từ tốn thưởng thức một tách cà phê. Tay ông mân mê từng chú chuột sứ, đôi mắt nheo nheo lấp lánh một nụ cười thoáng qua. Khoảnh khắc ấy rất ngắn, nhưng đủ để người kế bên nhận ra niềm tự hào và hạnh phúc của ông khi ngắm nhìn ý tưởng, tâm huyết của mình thành hình.
Cha đẻ của tượng chuột sứ Phú Quý - ông Lý Ngọc Minh, cho biết ở Minh Long, bất kể là sản phẩm gì, trước khi đến tay người tiêu dùng đều phải tuân thủ triết lý “4 không, 4 có”.
Gần nửa thế kỷ, mỗi tác phẩm tạo nên từ bàn tay tài hoa của nghệ nhân Minh Long đều toát lên vẻ đẹp thanh thoát, ai nhìn cũng cảm mến ngay từ lần “gặp gỡ” đầu. Lớp men trắng trong như ngọc, họa tiết tinh xảo chìm sâu, màu sắc nhã nhặn và sự hài hòa lạ kỳ trong từng chi tiết; mỗi vật phẩm gốm sứ tưởng vô tri lại có ngôn ngữ riêng, mà càng ngắm nhìn, người ta càng muốn lắng nghe, khám phá. Tượng chuột Phú Quý cũng vậy. Mỗi tượng mỗi vẻ, nếu chỉ được chọn một, quyết định đưa ra là không hề dễ dàng. Bộ tượng chuột càng nhìn - càng thích - càng tò mò, khiến người xem muốn được tường tận triết lý “4 có - 4 không” ẩn sau đó.
Hàng năm, Minh Long đều ra mắt một mẫu linh vật. Không đơn thuần phỏng tác con giáp của năm tương ứng, mỗi linh vật sứ còn ẩn chứa một câu chuyện riêng, gửi gắm lời chúc tốt lành cho năm mới. Năm Canh Tý, thương hiệu gốm sứ Việt giới thiệu tượng chuột Phú và Quý - mang ý nghĩa trao tài lộc, gửi may mắn.
Trong 12 con giáp, chuột vốn nhỏ bé nhưng đứng đầu, xếp trên cả những con vật dũng mãnh như rồng và hổ. Theo văn hóa dân gian của người Việt, chuột gắn liền với đồng ruộng và sự tích về mùa màng bội thu, sinh sôi nảy nở. Năm mới, nghe tiếng chuột kêu là điềm báo của sung túc và thịnh vượng. Tổng hòa tất cả, để trở thành một linh vật Tết, tượng chuột sứ phải toát lên vẻ gần gũi, thể hiện thần sắc đài các, biểu đạt điệu bộ khỏe khoắn và lanh lợi.
Trên thực tế, chuột là loài gặm nhấm, mang dáng vẻ nhỏ nhắn cùng bộ lông đen không mấy thẩm mỹ. So với nét dễ thương của heo hay vẻ oai phong của hổ, nhân cách hóa hình tượng chuột như trên đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng. Nhưng vượt qua được cái khó này lại là điều giúp nghệ nhân Minh Long tạo nên nét độc đáo riêng cho bộ đôi Phú Quý, mà không nơi nào đặc tả được.
Như một con vật bằng xương bằng thịt, tượng chuột Phú và Quý cũng có sức sống riêng. Từ ánh mắt, khóe miệng đến đôi tai, đôi tay... đều như đang thể hiện cảm tình với người đối diện. Đôi chuột là biểu tượng cho tài lộc và may mắn, mang đến sự sung túc, đầy đủ và hanh thông cho chủ nhân trong cả năm Canh Tý, từ đó khởi đầu cho chuỗi 12 năm tốt lành.
Nhào nặn hiện đại quyện vào trong truyền thống, tô vẽ nét dân gian xen lẫn với sáng tạo tân thời, các nghệ nhân Minh Long tạo nên bộ chuột Phú Quý bắt kịp xu hướng đương đại, nhưng không lỗi thời qua nhiều năm, và được xem là chuẩn mực cho nét đẹp trong tương lai. Nhờ đó, Phú và Quý thể hiện một con giáp năng động trong thời buổi hội nhập, luôn hướng đến những giá trị đổi mới và thành công.
Theo ông Minh, một người thích chuột Phú mười phần thì cũng ưng chuột Quý bảy phần và ngược lại. Nam giới vẫn có thể yêu thích đường nét mềm mại của chuột nữ, nữ giới vẫn có thể chọn chuột nam vì cảm mến ánh nhìn trượng phu.
Người phương Đông có thể mong muốn khám phá sự mới mẻ trong dáng vóc hiện đại của chuột Quý, còn chuột Phú lại là nơi người phương Tây thích thú tìm về nét dân gian.
Ông Minh tinh ý ví chuột Phú là nhạc Bolero, chuột Quý là nhạc trẻ; mỗi dòng nhạc đều có cái hay và thính giả riêng. Người ta chọn tượng này, không chọn tượng kia vì sở thích nghiêng về phần nào nhiều hơn, chứ không phải vì so sánh hơn kém, đẹp xấu.
Tất cả điều này chính là “4 không” trong 8 văn bằng mà Minh Long theo đuổi: Không thời gian, không biên giới, không giới tính, không tuổi tác.
“Không nhưng tạo ra thành có. Vũ trụ vốn là khoảng không nhưng lại chứa đựng vạn vật. Không có khoảng không sẽ không có gì hết”, ông Minh lấy triết lý sâu xa về vũ trụ và tạo hóa để cho thấy tầm quan trọng của “4 không” trong triết lý của Minh Long.
Dù mỗi tượng chuột một dáng vẻ, được tô vẽ từ họa tiết khác nhau, nhưng tựu trung, với ông Minh tất cả chỉ thật sự hoàn hảo khi linh vật trông như biết nói, thể hiện được sự duyên dáng và nét dễ thương. Chỉ khi hội tụ đủ “4 có” - có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách và có hồn, linh vật mới biểu đạt điều này, thiếu một chữ “có” thì không thể xuất xưởng.
“Phú quý sinh lễ nghĩa” - văn hóa trong linh vật ẩn chứa qua cách ăn mặc chỉn chu, biểu lộ vẻ học thức, biết trọng nghĩa, trọng tình. Còn nghệ thuật toát lên qua tạo hình cân đối, khỏe mạnh, cặp mắt tinh anh và nhanh nhạy của đôi chuột.
Có văn hóa, có nghệ thuật, người xem mới tìm thấy ở Phú Quý phong cách riêng, được định hình qua những điều tinh hoa được Minh Long chắt lọc trong gần nửa thế kỷ. Đó là những họa văn sắc sảo, không thừa không thiếu, từng chi tiết dù nhỏ nhất đều rõ nét, hài hòa như tự nhiên sinh ra đã vậy; màu sắc đồng nhất chìm sâu dưới lớp men bóng sáng mượt mà như ngọc. Từ đó, chỉ bằng ánh mắt, người xem sẽ phân định rõ được phong cách nam hay nữ, hiện đại hay truyền thống, Á hay Âu…
Tổng hòa tất cả mới tạo nên điều quan trọng nhất là cái hồn của linh vật. Tượng sứ tưởng vô tri nhưng có linh hồn, là vật nhưng mang thần sắc của con người, tạo cảm giác như đang trò chuyện. Ở đây, Phú và Quý như đang nói lời chúc phúc, bày tỏ thành ý trao cho người đối diện sự may mắn, ấm no và giàu sang.
Khi được hỏi chi tiết nào trên tượng quyết định phần hồn của linh vật, ông Minh cho rằng cần có sự phối hợp đồng điệu, một thành tố riêng lẻ không tạo nên ý nghĩa. Các chi tiết trên Phú Quý không chỉ được nghệ nhân tỉ mẩn tạo hình, mà còn được tính toán kỹ lưỡng theo tỷ lệ vàng. Cặp mắt là trung tâm - cái hồn của linh vật, nhưng phải phối hợp hài hòa với đôi tai vểnh cao, khóe miệng cười tươi, đôi tay nâng niu, thế đứng vững chãi thì mới toát lên được.
“Tinh hoa từ đất, tinh xảo từ người”, mỗi tượng chuột sứ thoát khỏi khuôn khổ mỹ thuật thuần túy, đạt đến cảnh giới của một tác phẩm nghệ thuật. Dưới bàn tay khéo léo của người thợ gốm, lửa đỏ mãnh liệt của lò nung, những phôi đất lớn dần thành hình, mang theo ước mơ phú quý. Mỗi linh vật sứ hoàn thiện sống động như có hơi thở phập phồng trên từng hoa văn; ảo diệu như có dòng máu nóng chảy tràn dưới lớp men óng ánh. Phú Quý có nhân cách như người, thoát tục, đài các và cao sang.
Tượng chuột sứ Phú Quý được chia làm 3 phiên bản chính là tượng trơn (gồm 5 màu phong thủy là đỏ, cam, trắng, xám và dát vàng), tượng men màu Matte (xanh dương, xanh nhạt, xanh ngọc, hồng, cam) và tượng hoa văn sen cobalt. Mỗi tượng đều có chi tiết được dát vàng 24K từ Đức.
Theo ông Minh, mỗi phiên bản này không được chế tác từ một vật liệu, mà đến từ nhiều chất đất khác nhau. Thành phần chính vẫn là cao lanh, đất sét, tràng thạch và thạch anh. Tuy nhiên, mỗi loại lại phân ra theo thành tố và cấu trúc tinh thể đặc biệt. Cái hay của người thợ gốm tâm huyết là biết tìm tòi, nghiên cứu tại các mỏ địa chất sâu trong lòng đất để chọn vật liệu phù hợp cho từng tạo hình, từng màu sắc.
Tiếp đến, vật liệu sẽ trải qua quá trình nhào nặn, tinh luyện bởi hệ thống máy móc hiện đại được ví như ma trận của Minh Long, để khi nung qua ở nhiệt độ 1.300 độ C đất và men có thể hòa thành một, giúp sự tinh khiết sang trọng hòa lẫn trong sự đầy đặn mộc mạc. Nhờ đó, màu tượng linh vật giữ được bản sắc nguyên bản, hoa văn không bị loang mờ.
So với tượng heo đất, tượng Phú Quý sở hữu đa dạng chi tiết nhân hóa, nên việc tạo dáng khuôn phức tạp gấp nhiều lần. Quá trình ráp và tháo khuôn đòi hỏi kỹ thuật khéo léo, đảm bảo tượng chuột thành hình dù được cấu thành từ nhiều bộ phận từ lớn đến nhỏ, vẫn liền mạch thanh thoát, không có khớp nối.
Trong công đoạn dán, vẽ họa tiết và tô sắc, các nghệ nhân Minh Long cũng cực kỳ tỉ mẩn và cẩn trọng. Từng động tác dán thoăn thoắt nhưng chính xác, từng nét cọ nhịp nhàng lên xuống đều đặn như máy, đàn chuột sứ bỗng chốc trở nên sinh động và có hồn. Chúng chỉ có thể đem lại phú quý khi người nghệ nhân đặt hết tâm huyết và tình cảm của mình vào việc chế tác.
Đối với ông Minh, điều quan trọng nhất tạo nên nét duyên của mỗi linh vật là cái tâm của người nghệ nhân truyền vào trong nó. Ông mong rằng, cái tâm này sẽ cảm hóa được người mua ngay lần đầu tiếp xúc: “Người ta suy diễn bằng cái đầu, nhưng hành động bằng trái tim. Trái tim không phân ra tốt xấu, phải trái đúng sai. Tượng Phú Quý sẽ cảm hóa họ bởi nét dễ thương ngay lần đầu gặp mặt”.
Trong suốt 5 thập kỷ thăng trầm, Minh Long chưa bao giờ ngừng phấn đấu, mang lại những giá trị quý báu cho người tiêu dùng. Ví mình như một vận động viên marathon, ông Minh và cộng sự luôn cố gắng phá bỏ kỷ luật mỗi ngày, dù chỉ là vài giây. Nhờ vậy, mỗi năm linh vật Tết của hãng đều có sự trưởng thành trong cả tạo hình, nét đẹp và thông điệp. Vượt qua ranh giới của một vật phẩm gốm sứ thông thường, Phú và Quý giúp Minh Long bán ra sự mong đợi, trao cho người dùng Việt điều ước tốt lành cho một năm mới may mắn và giàu sang.
Bình luận