Do tình trạng nhân sự thiếu hụt trầm trọng, Cục Đăng kiểm đã bất đắc dĩ phải sử dụng những đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Điển hình như tại Hà Nội, 12 đăng kiểm viên thuộc các trung tâm 29-01V và 29-06V vẫn đi làm dù đã có quyết định khởi tố của cơ quan điều tra.
Việc sử dụng người đã bị khởi tố để làm việc có vi phạm pháp luật không?
Công an khám xét một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội. Ảnh: CACC. |
Đăng kiểm viên có được tiếp tục đi làm?
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) cho biết theo nguyên tắc suy đoán vô tội, khi bị khởi tố mà chưa có bản án có hiệu lực của tòa án, bị can đó chưa bị coi là phạm tội.
Trích dẫn Điều 30 Bộ luật Lao động 2019, ông Hùng cho biết đối với trường hợp người lao động bị khởi tố, người sử dụng lao động chỉ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu những người đó bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam. Trường hợp đã bị khởi tố nhưng được cho phép tại ngoại và chưa bị kết án bằng bản án có hiệu lực của tòa án, người lao động được tiếp tục làm việc bình thường.
Đối với các đăng kiểm viên là viên chức, Điều 57 Luật Viên chức 2010 quy định một viên chức chỉ bị cho thôi việc khi bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về hành vi tham nhũng.
Ngoài ra, Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định người lao động sẽ bị chấm dứt hợp đồng nếu bị kết án tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp trả tự do theo quy định tại khoản 5, Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; bị tuyên án tử hình hoặc cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Từ những căn cứ này, luật sư nhìn nhận nếu đăng kiểm viên chỉ bị khởi tố, không bị tạm giam thì vẫn có thể tiếp tục làm việc bình thường nhưng không được đi khỏi nơi cư trú. Do họ chưa bị tuyên án, những đăng kiểm viên đó chưa bị coi là phạm tội và vẫn có thể học tập, làm việc bình thường. Việc sử dụng những người đã bị khởi tố để làm việc là không vi phạm Bộ luật Lao động 2019 và Luật Viên chức 2010.
Bị can Lê Văn Ngân (trái) và Tăng Xuân Huy là Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-01V, bị khởi tố về tội Nhận hối lộ. Ảnh: Công an Hà Nội. |
Điều kiện để đăng kiểm viên được đi làm
Về biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, luật sư Hùng cho biết theo Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị can bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải cam đoan không được đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan chức năng cho phép; không được bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội...
Trường hợp bị can, bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội quản lý họ và phải có giấy cho phép của người đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Luật sư cho rằng có 2 tình huống sẽ xảy ra. Thứ nhất, nếu đăng kiểm viên cư trú tại nơi trung tâm đăng kiểm đặt trụ sở, họ được phép đi làm mà không cần sự đồng ý của chính quyền cấp xã cũng như người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Thứ hai, nếu trung tâm đăng kiểm ngoài khu vực cư trú của đăng kiểm viên đã bị khởi tố, phải cân nhắc việc họ bắt buộc phải đi làm có phải trường hợp bất khả kháng hoặc được coi là trở ngại khách quan hay không. Nếu có, họ cần có sự chấp thuận của chính quyền cấp xã và người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…