Từ trước đến nay, Uniqlo luôn là một trong những hãng bình dân được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trong tháng 12, khách hàng sẽ được chứng kiến sự xuất hiện của Uniqlo tại thị trường Việt Nam. Vậy nhãn hàng Nhật Bản sẽ làm gì để khách hàng phải lựa chọn mình giữa nhiều tên tuổi bên ngoài thị trường?
Thương hiệu bình dân của Nhật Bản sẽ ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 12 này. Ảnh: Business of Fashion. |
Uniqlo mang gì đến thị trường Việt Nam?
Quay lại lịch sử của Uniqlo, với cái tên rút gọn từ cụm từ "Unique clothing" (Trang phục độc đáo).
Trái ngược với tên gọi, quần áo của thương hiệu được thiết kế đơn giản, cho phép người mặc có thể tự do kết hợp chúng theo phong cách cá nhân. Hãng thành lập vào năm 1984 bởi Tadashi Yanai và được biết đến như công ty chuyên thiết kế may mặc, bán lẻ trang phục thường ngày.
Nói về việc thương hiệu mang đến thị trường Việt Nam điều gì để thu hút người tiêu dùng, phải kể đến nền văn hoá thời trang kiểu Nhật, chú trọng cải tiến và phục vụ đời sống thực tiễn.
Đặc biệt chính là triết lý "LifeWear" lấy cảm hứng là con người và cuộc sống đời thường, với sự liên kết chặt chẽ cùng công nghệ giúp các sản phẩm liên tục được cải tiến tốt hơn đúng với thông điệp "simple made better".
Uniqlo mang đến người tiêu dùng Việt Nam nền văn hoá thời trang kiểu Nhật. Ảnh: Uniqlo. |
"Chúng tôi không chỉ tạo nên các mẫu đồ công sở, đồ thể thao, trang phục giản dị mặc tại nhà. Chúng tôi phá vỡ những điều đó và tạo nên cuộc cách mạng thực sự để thay đổi tư duy và góc nhìn của mọi người đối với các sản phẩm thời trang" - giám đốc sáng tạo C.Jay của thương hiệu chia sẻ.
Ngoài ra, hãng còn nhấn mạnh quan điểm đưa cảm hứng nghệ thuật vào các dòng sản phẩm. Từ loại hình nghệ thuật đương đại ở đường phố New York (Mỹ) đến cảm hứng truyền thống của văn hóa Nhật Bản. Đặc biệt, cội nguồn văn hóa xứ sở hoa anh đào có ảnh hưởng sâu sắc đến dòng sản phẩm chính là giá trị cốt lõi thương hiệu luôn muốn truyền tải đến người tiêu dùng ở Việt Nam.
Cách thức cạnh tranh của Uniqlo
Với sự quay cuồng của nền công nghiệp thời trang, khi Gen Z và Millennials là thế hệ quyết định chi tiêu tiền một cách đáng kể. Họ luôn mong muốn những sản phẩm phải đáp ứng tiêu chí hợp mốt, đuổi kịp thị hiếu thế giới và đặc biệt giúp bản thân thay đổi phong cách hàng ngày.
Nhìn vào các sản phẩm của Uniqlo, chúng ta rất dễ dàng nhận thấy những điều này hoàn toàn là con số 0 tròn trĩnh. Hãng không chạy theo xu hướng thế giới nhanh như Zara hay hiếm khi sử dụng người nổi tiếng, các chiến dịch để chạy quảng cáo rầm rộ giống H&M.
Chất lượng là một trong những điều giúp Uniqlo trở nên khác biệt so với Zara và H&M. Ảnh: Uniqlo. |
Thương hiệu Nhật Bản thường đổi mới trong thiết kế với chất liệu vải được sản xuất tại quê nhà. Họ đánh vào chất lượng hơn mẫu mã bằng cách xây dựng những dòng sản phẩm cải tiến như HeatTech, LifeWear và AIRism.
Không lấy cảm hứng từ các sàn diễn thời trang, Uniqlo tập trung vào việc sản xuất những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho người thành thị. Điều này cho phép nhãn hàng không cần phải liên tục cập nhật xu hướng. Thời gian đó giúp các nhà sáng tạo của hãng lên kế hoạch thiết kế trang phục cho cả năm.
Tính bền vững trong kinh doanh và thời trang đang là chủ đề nóng hiện nay. Với môi trường, Uniqlo sử dụng các công cụ thực hành tốt nhất, kêu gọi sự cộng tác trong ngành và tham gia của người tiêu dùng để giảm thiểu ô nhiễm của hóa chất, khí thải ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước.
Chiến dịch quảng cáo dòng sản phẩm HeatTech của thương hiệu Nhật Bản. Ảnh: Uniqlo. |
Chất lượng có phải là tất cả giữa thời đại chạy theo trào lưu?
Tháng 10/2017, Uniqlo đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng toàn cầu các thương hiệu thời trang nhanh với doanh thu 16,2 tỷ USD, đứng sau Zara và H&M.
Với chất lượng của nhãn hàng, không một ai có thể bàn cãi. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng hiếm có thương hiệu bình dân nào với giá thành thấp mà sản phẩm có thể dùng được 1-2 năm. Tuy nhiên, tất cả đều có 2 mặt, khi ngành thời trang ngày càng quay cuồng trong vòng xoáy của sự thay đổi hay lập lại các xu hướng xưa cũ.
Thực tế, khách hàng là những người theo dõi và chạy theo trào lưu. Các thương hiệu muốn giữ được sự gần gũi cần nắm bắt xu hướng nhanh nhạy, hiểu được người tiêu dùng cần và muốn gì. Ở đâu đó, Uniqlo vẫn chưa thật sự tiếp cận được điều này.
Họ vẫn tung ra những bộ sưu tập hợp tác cùng các nhà mốt nổi tiếng nhưng chưa có một dấu ấn nào quá đặc biệt, ngoại trừ những thiết kế cùng Kaws. Nhìn chung, các thương hiệu Uniqlo kết hợp cũng không phải là thứ giới trẻ quan tâm hay xuất hiện trong "từ điển" của họ.
Uniqlo từng gây chú ý với bộ sưu tập kết hợp cùng Kaws. Ảnh: Uniqlo. |
Trong bài phỏng vấn với Financial Times, giám đốc sáng tạo của Balenciaga - Demna Gvasalia - từng giải thích: "Thế hệ trẻ đang tìm kiếm thứ gì đó nổi bật và làm chúng trở nên đặc biệt hơn là một thiết kế không phù hợp".
Vậy nên trong "cuộc chiến" khốc liệt giữa những đối thủ khác, chất lượng của Uniqlo cũng chưa hẳn là ưu điểm giúp họ vươn lên trở thành người dẫn đầu, chí ít ở thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, điều này vẫn còn chờ đến sự tác động của thời gian. Đôi khi, ở thị trường Việt Nam Uniqlo sẽ dành ưu thế hơn khi người tiêu dùng chú trọng chất lượng hơn mẫu mã.
Vẫn còn một điều nhãn hàng cần lưu tâm chính là không muốn dậm chân tại chỗ, bạn phải trở thành người dẫn đầu. Muốn dẫn đầu, bạn phải biết lắng nghe và chấp nhận thay đổi để cân bằng đẳng cấp vốn có nhưng vẫn tạo nên những thiết kế mang hơi thở hiện đại.