Ngày 29/10, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ phê duyệt tiêm vaccine Pfizer ngừa Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi. Không riêng Mỹ, nhiều quốc gia tại châu Âu, châu Á cũng đã tiêm chủng cho nhóm trẻ em này.
Trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, Cuba, ít quốc gia phê duyệt vaccine Covid-19 cho nhóm dưới 5 tuổi, thậm chí dưới 12 tuổi. Bác sĩ, TS nhi khoa Chip Walter, Đại học Duke, Mỹ, điều tra viên của các thử nghiệm vaccine Pfizer, khẳng định sự thận trọng này là điều đúng đắn, các nhà khoa học “đang làm điều tốt nhất và an toàn nhất cho trẻ”.
“Lợi bất cập hại” nếu vội vàng tiêm cho trẻ nhỏ
Đa số vaccine Covid-19 hiện có không được phép tiêm cho trẻ em vì chưa có thử nghiệm lâm sàng trên nhóm này. Chỉ một số ít vaccine như Pfizer, Moderna (Mỹ), Sinopharm (Trung Quốc), ZyCoV-D (Ấn Độ)…, có kết quả thử nghiệm trên những người dưới 18 tuổi. Dù vậy, số liệu thử nghiệm cũng khá hạn chế.
Theo CNN, nghiên cứu vaccine của Pfizer đang thực hiện trên 4.600 trẻ em ở 3 nhóm tuổi: 5-11, 2-5 và trẻ sơ sinh từ 6 tháng đến 2 tuổi. Pfizer cho thấy hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa Covid-19 ở trẻ em trong độ tuổi 12-15; 91% với những người dưới 16 tuổi. Nghiên cứu ban đầu cũng chứng minh vaccine này có hiệu quả 96% trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng do biến chủng Delta.
Mỹ mới phê duyệt hoàn toàn vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi. Ảnh: WJS. |
Trong khi đó, thử nghiệm lâm sàng của Moderna đang diễn ra trên 6.700 trẻ em từ 6 tháng đến 11 tuổi. Kết quả cho thấy không trường hợp nào mắc Covid-19 có triệu chứng sau tiêm vaccine đủ 2 liều. Điều này tương đương hiệu quả 100%, bằng con số mà Pfizer đã báo cáo trong thử nghiệm trên trẻ 12-15 tuổi. Ngoài ra, nhà sản xuất cũng cho biết một liều vaccine Moderna có hiệu quả 93% trong việc chống lại Covid-19 có triệu chứng.
Những dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng nói trên là cơ sở cho các cơ quan y tế phê duyệt vaccine Covid-19 ở trẻ nhỏ. Tất cả chuyên gia đều đồng ý quan điểm trẻ em không phải phiên bản thu nhỏ của người lớn. Do đó, nếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng chưa đủ tin cậy, chúng ta không nên vội vàng, tránh “lợi bất cập hại”.
Mỗi độ tuổi lại có nhu cầu về liều lượng tiêm khác nhau. Theo TS Chip Walter, Đại học Duke, Mỹ, điều tra viên của các thử nghiệm vaccine Pfizer: “Một đứa trẻ 6 tháng tuổi có sức đề kháng khác trẻ 3 tuổi. Trẻ 8 tuổi cũng lại có hệ miễn dịch với các đặc điểm riêng, không thể so với bé 13 hay 14 tuổi. Vì vậy, chúng ta không thể vội vàng áp dụng liều lượng vaccine như tất cả người lớn”.
Việc tìm ra liều vaccine Covid-19 phù hợp cho trẻ cần rất nhiều thời gian. Nếu tiêm quá ít, trẻ sẽ không sinh đủ miễn dịch chống lại Covid-19. Nếu tiêm quá liều, điều tồi tệ sẽ xảy ra mà tất cả chúng ta đều không thể lường trước.
Với tất cả dữ liệu hiện có, các vaccine Covid-19 trên thế giới đều chưa được phép tiêm chủng cho trẻ dưới 5 tuổi. Các nghiên cứu đang được thực hiện nhằm kiểm tra tính an toàn, hiệu quả cho trẻ 6 tháng đến 4 tuổi.
Quá trình này cũng tính toán tác dụng phụ có thể gặp phải để tránh những rủi ro có thể theo trẻ trong suốt phần đời còn lại. Bởi trẻ em đang ở giai đoạn phát triển, cân nặng, khả năng dung nạp liều lượng ở mỗi độ tuổi khác nhau. Các nhà sản xuất buộc phải làm nhiều thử nghiệm và với số mẫu lớn để tìm ra “vùng vàng”, vừa cung cấp đủ kháng thể bảo vệ, vừa không gây tác dụng phụ tiềm ẩn hoặc nguy hiểm tới sức khỏe.
Theo CNN, Mỹ đặt kỳ vọng tới đầu năm 2022 sẽ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh.
Liều lượng vaccine Covid-19 ở trẻ nhỏ khác người lớn
Trong các khuyến cáo hiện tại của nhà sản xuất và CDC, trẻ em vẫn cần tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19. Thời gian giữa hai mũi là 3-4 tuần.
Song, sự khác biệt lớn nhất là trẻ em 5-11 tuổi sẽ nhận liều nhỏ hơn, chỉ bằng 1/3 (tương đương 0,1 ml) ở mỗi mũi tiêm. Nhóm 12 tuổi trở lên vẫn tiêm liều lượng bằng người lớn. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy việc sử dụng 1/3 liều vaccine Pfizer mang tới sự cân bằng giữa việc đáp ứng miễn dịch tối đa và giảm thiểu tác dụng phụ.
Hay như vaccine ZyCoV-D do Ấn Độ sản xuất và tiêm cho trẻ 12 tuổi trở lên có liệu trình 3 liều. Vaccine này được phát triển bằng phương pháp không dùng mũi kim.
Vaccine Covid-19 dùng để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi được thay đổi bao bì nhằm phân biệt với loại còn lại. Ảnh: Reuters. |
Sau tiêm, trẻ em có thể gặp phải các tác dụng phụ tương tự người lớn như đau nhức tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, đau đầu. Các tác dụng phụ này được cho là rõ ràng hơn sau liều thứ hai và chỉ kéo dài 1-2 ngày.
Tiêm chủng là chìa khóa giúp bảo vệ trẻ trước đại dịch nhưng nó không thể đảm bảo 100% các bé sẽ không bị nhiễm nCoV. Vì vậy, giống người lớn, sau tiêm, trẻ vẫn cần đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện, tử vong ở trẻ vẫn chưa có nhiều dữ liệu và giới chuyên gia chưa rõ Covid-19 có thể ảnh hưởng tới nhóm dân số này như thế nào. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ con đó là tiêm vaccine Covid-19 ngay khi có thể, tuân thủ quy tắc an toàn.
Theo khuyến cáo của nhóm chuyên gia Bệnh viện Nhi Comer, trước khi trẻ được tiêm chủng, phụ huynh nên giải thích cho con việc sắp làm và vì sao điều này là cần thiết. Cha mẹ nên cho con ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi khoa học trước và sau tiêm. Nếu con sợ đau, chúng ra nên trò chuyện để giải phóng cảm xúc cho trẻ, khen ngợi khi con hoàn thành điều này.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.