Dù chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ như các thị trường khác trên thế giới, Việt Nam đã và đang đón nhận “làn sóng” điện hóa của ôtô trong những năm vừa qua.
Bên cạnh những mẫu xe điện chuẩn bị được giới thiệu trong thời gian tới, khách hàng trong nước đã có thể tiếp cận với những mẫu xe xanh khác có ứng dụng động cơ điện để giảm thiểu ô nhiễm, tăng hiệu năng vận hành.
Mild-hybrid
Ở kiểu xe mild-hybrid (MHEV, hay lai nhẹ - PV), động cơ điện chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho động cơ đốt trong chứ không trực tiếp vào việc dẫn động. Động cơ điện thường được bố trí nằm giữa động cơ và hộp số.
Khi đề-pa, động cơ điện sử dụng năng lượng từ cụm pin nhỏ để “thúc đẩy” quá trình tăng tốc của xe tốt hơn. Bên cạnh đó, ở chế độ chạy trớn (coasting mode), động cơ điện có thể gián tiếp “kéo” chiếc xe trôi đi mà không cần động cơ đốt trong hoạt động, giúp tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, động cơ điện này còn hoạt động như một bộ tái tạo năng lượng phanh, sạc lại ắc-quy và pin khi xe giảm tốc.
So với 2 nhóm xe full-hybrid hay plug-in hybrid thì mild-hybrid có kết cấu đơn giản hơn nên giá thành thấp hơn, việc bảo trì hay sửa chữa cũng không quá phức tạp. Đổi lại, hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm là thấp hơn. Tại Việt Nam hiện công nghệ này hầu như chỉ xuất hiện trên số ít mẫu xe hạng sang của Audi, Mercedes-Benz hay Land Rover.
Full-hybrid
Thuần hybrid (full-hybrid) là khái niệm khá quen thuộc với người dùng ôtô Việt Nam. Công nghệ này bắt đầu trở nên phổ biến trong hơn một thập kỷ qua, bắt đầu từ các dòng sedan đắt tiền của Lexus hay Mercedes-Benz trang bị động cơ xăng lai điện. Ngoài ra, các dòng xe hybrid của Toyota cũng được nhập tư nhân về nước với giá bán đắt đỏ.
So với mild-hybrid, mức độ can thiệp vào vận hành của động cơ điện trên xe thuần hybrid nhiều hơn khi có thể tham gia dẫn động trực tiếp cùng với động cơ đốt trong. Tùy theo cách bố trí của hệ thống hybrid là song song hoặc nối tiếp, hiệu quả tiết kiệm sẽ có sự khác biệt.
Với động cơ điện và cụm pin có kết cấu phức tạp nên giá thành của xe hybrid đắt hơn đáng kể so với xe trang bị động cơ xăng hoặc dầu. Đổi lại, động cơ điện mang đến khả năng tiết kiệm nhiên liệu đáng kể giúp giảm chi phí sử dụng cho chủ xe.
Đến nay, công nghệ hybrid đã đến gần hơn với những khách hàng phổ thông khi xuất hiện trên mẫu SUV đô thị Toyota Corolla Cross. Dù vậy, lo ngại về độ bền, tuổi thọ của cụm pin khi vận hành tại điều kiện giao thông Việt Nam vẫn là vấn đề được người dùng đắn đo cân nhắc.
Plug-in hybrid
Xe hybrid cắm sạc (PHEV) có thể xem là công nghệ gần nhất với ôtô điện khi xe vừa có thể dùng điện để sạc cho pin, vừa có khả năng chạy thuần điện trong quãng đường vài chục km.
Dù vậy, do cụm pin có dung lượng không đáng kể nên xe hybrid cắm sạc vẫn phụ thuộc vào động cơ đốt trong để vận hành. Đặt cạnh mild-hybrid hay thuần hybrid, hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm cũng như tính hữu dụng của hybrid cắm sạc là tốt hơn, tuy nhiên đi kèm với đó là giá thành cao.
Tại thị trường Việt Nam, công nghệ hybrid cắm sạc rất hiếm gặp và chỉ có mặt trên một vài dòng xe sang của Porsche hay Volvo. Mitsubishi cũng từng đưa mẫu Outlander PHEV về Việt Nam nhưng chỉ để phục vụ việc nghiên cứu thị trường chứ không bán thương mại.
Ôtô điện
Với xe điện (EV), động cơ đốt trong được loại bỏ hoàn toàn và phương tiện sử dụng hoàn toàn năng lượng từ pin để hoạt động, không tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chi phí vận hành của xe điện cũng thấp hơn đáng kể so với các công nghệ hybrid kể trên và ôtô truyền thống.
Bên cạnh một vài model Tesla nhập khẩu tư nhân thì Porsche cũng đã bán mẫu xe điện Taycan đến khách hàng trong nước. Dù vậy, giá bán đắt đỏ và số lượng trạm sạc ít được xem là rào cản cần giải quyết để xe điện bùng nổ tại Việt Nam.
VinFast VF e34 là dòng ôtô điện phù hợp cho nhu cầu sử dụng hàng ngày ở đô thị. Ảnh: VinFast. |
Trong tương lai gần, vấn đề này có thể sớm được giải quyết khi mẫu xe điện VinFast VF e34. Nằm ở nhóm SUV hạng C, VF e34 có giá bán hợp lý, khoảng 600 triệu đồng, để thu hút khách hàng quan tâm đến xe điện và muốn tối ưu chi phí sử dụng với chính sách thuê pin. Đi cùng với đó là kế hoạch xây dựng mạng lưới trạm sạc rộng khắp của VinFast sẽ đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dùng VF e34.
Theo hãng xe Việt Nam công bố, VF e34 có động cơ điện mạnh 148 mã lực và trang bị cụm pin dung lượng 42 kWh, khi sạc đầy cho phạm vi di chuyển 300 km. Bên cạnh đó, xe cũng có thể sạc nhanh với 15 phút cho quãng đường 180 km. Dự kiến, VinFast VF e34 được bàn giao đến khách hàng vào quý IV năm nay.