4h30 ngày 29/11, Mai Thảo (22 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) xếp hàng trước một local brand chuyên thiết kế túi xách tại quận 1 để săn sale. Tuy nhiên, cô gái trẻ không tìm kiếm sản phẩm giảm giá cho bản thân, mà nhận nhặt đồ hộ khách hàng.
Với phí săn sale hộ dao động từ 55.000-65.000 đồng/món, Thảo đến các cửa hàng sale offline (chỉ giảm giá tại cửa hiệu) để nhặt đồ theo yêu cầu. Đây là mùa Black Friday đầu tiên cô thực hiện công việc này.
“Thứ 6 rơi vào ngày làm việc nên mọi người khó sắp xếp thời gian đến tận nơi săn sale. Hơn nữa, nhiều người quen với việc mua sắm online, lười đến cửa hàng, chứ đừng nói là chen chúc, tranh giành”, Thảo nói.
Trong dịp giảm giá cuối những năm gần đây, “săn sale hộ” trở thành công việc được nhiều người trẻ hưởng ứng. Một số có thể kiếm từ 5-6 triệu đồng từ công việc này sau mỗi mùa.
Mai Thảo xếp hàng từ rạng sáng, "thay mặt" nhóm khách hàng để săn sale túi xách. Cô cho biết cửa hàng chỉ cho phép mỗi người 15 phút để mua sắm, nên cần nhanh chóng lấy các mẫu khách đã nhờ mua hộ trước khi hết. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, các cá nhân cung cấp dịch vụ trên cũng chia sẻ hàng loạt khó khăn đi kèm như khách bùng hàng, bom đơn, thức khuya dậy sớm xếp hàng, cạnh tranh không lành mạnh và dễ xảy ra xô xát.
Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, số lượng bài đăng nhận nhặt đồ giảm giá hộ trong các hội nhóm thời trang tăng cao vào mùa sale cuối năm và Black Friday. Thực tế này cho thấy sự phát triển của một hình thức công việc mới.
Kiếm thêm nhờ chương trình sale tại cửa hàng
Theo Mai Thảo, các chương trình giảm giá tại cửa hàng diễn ra phổ biến trong những năm gần đây, gây khó khăn cho người tiêu dùng ở xa, giúp nghề “săn sale hộ” phát triển nhanh chóng.
Mai Thảo bắt đầu công việc "săn sale hộ" từ mùa Black Friday năm nay. |
Ngoài ra, một số chiến dịch khuyến mãi chỉ được áp dụng với khách VIP. Lúc này, người tiêu dùng phải thông qua khách hàng thân thiết để mua sắm sản phẩm với mức giá ưu đãi, biến khách VIP trở thành người “săn sale hộ”.
Từ đầu mùa Black Friday đến nay, Mai Thảo nhận 30 khách với số lượng sản phẩm 3 món/khách. Như vậy, nếu nhặt được đủ hàng mà khách yêu cầu, cô có thể thu về hơn 5 triệu đồng.
Tiêu chí làm việc của Thảo là “first come first served” (tạm dịch: “ai đến trước được phục vụ trước”). Ngoài ra, cô cũng nỗ lực kiếm đủ sản phẩm như khách mong muốn để giữ chữ tín.
“Tôi không hứa chắc chắn với khách về khả năng lấy được sản phẩm như yêu cầu, nhưng sẽ nỗ lực 100%”, cô nói.
Những bài đăng nhận nhặt đồ giảm giá hộ tràn lan trên các hội nhóm thời trang. |
Khác với Mai Thảo, Hoàng Oanh (25 tuổi, quận 7, TP.HCM) có kinh nghiệm làm nghề này 2 năm. Song, cô không coi đây là công việc chính, chỉ tranh thủ thực hiện trong mùa giảm giá cuối năm để kiếm thêm.
Với kinh nghiệm tích lũy từ các mùa sale trước, Oanh hiểu rằng sức khỏe của một người không đủ để xếp hàng, chen lấn và nhặt đồ. Do đó, cô nhận thêm cộng tác viên, tổ chức một nhóm 5 người để thực hiện công việc này.
Nhân lực tăng lên cho phép Hoàng Oanh nhận nhiều khách hơn. Cô cũng cài cắm người ở các cửa hàng sale cùng ngày, hạn chế việc di chuyển, từ đó tiết kiệm chi phí đi lại.
“Song, tôi cũng không lãi hơn bao nhiêu vì còn phải chia tiền công cho các bạn”, cô gái 25 tuổi chia sẻ.
Không dễ kiếm tiền
Đến mùa “săn sale hộ” thứ 3, Hoàng Oanh nhận thấy nhiều rủi ro của công việc này. Cô phải ứng tiền mua hàng cho khách, chỉ yêu cầu cọc 100.000 đồng/món đối với người đặt nhiều.
Do đó, việc khách bùng hàng trở thành nỗi sợ lớn đối với Oanh. Nếu bị bom đơn, cô buộc phải đăng bài thanh lý với giá thấp hơn giá sale tại tiệm, hy vọng có người mua.
Năm ngoái, Hoàng Oanh còn dư đến 3 chiếc váy, cũng không thể mặc vì chênh lệch kích cỡ.
Để tránh trường hợp tương tự lặp lại, cô quyết định đăng tải thông tin này lên trang cá nhân, đồng thời chia sẻ về sự mệt mỏi khi xếp hàng, tranh giành trong cả ngày dài. Tuy nhiên, nhiều người lập tức chỉ trích Oanh vì nhận tiền công mà than thở.
“Khách bỏ cọc, bùng hàng, tôi đều tự chịu, chỉ buồn khi người ta không ghi nhận công sức của mình”, cô gái 25 tuổi chia sẻ về khó khăn của nghề “săn sale hộ”.
"Săn sale hộ" trong mùa giảm giá cuối năm giúp nhiều người kiếm thêm thu nhập, song kéo theo nhiều rủi ro đi kèm. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Trong khi đó, Hồng Hạnh (23 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) lại lo lắng về tình trạng phá giá thị trường khi thực hiện công việc này.
Cô và nhiều người bán hàng trung gian khác lấy giá khoảng 50.000-60.000 đồng/sản phẩm. Đây là mức giá được giữ nguyên từ mùa Black Friday năm ngoái.
Tuy nhiên, một số người mới cung cấp dịch vụ này với mức giá chỉ bằng 1/2, tạo ra tình trạng cạnh tranh gay gắt.
“Tôi cho rằng mức chi phí đó không xứng đáng với công sức bỏ ra, nhưng nhiều người vẫn ra giá thấp. Tôi cũng không thể cấm người ta hạ giá”, Hạnh nói.
Hơn nữa, tất cả cá nhân cung cấp dịch vụ “săn sale hộ” đều cố gắng lấy đủ hàng theo yêu cầu của khách, tạo ra một “cuộc chiến” ở nhiều cửa hiệu. Trong hoàn cảnh này, sự va chạm, to tiếng, thậm chí xô xát, là điều không thể tránh khỏi.
Đây cũng chính là rủi ro lớn nhất đối với Hồng Hạnh. Dù nỗ lực tránh mọi tình huống va chạm, cô vẫn phải đối mặt với một số hoàn cảnh khó xử khi 2 người cùng chạm tay vào một món hàng.
“May mắn, tôi chưa chịu thiệt hại gì về thể chất, song cũng đôi co vài lần”, Hạnh chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.