Để đảm bảo "mẹ tròn con vuông", trẻ cần được sinh đủ tháng, nghĩa là từ 39 tuần trở lên. Ảnh: BV. |
Bác sĩ cho tôi xin mổ chủ động sớm trước Tết. Nhà tôi đã xem ngày giờ là phải đẻ trong năm nay. Nếu để sang năm Tỵ (2025) mới sinh, con sẽ xung khắc với tuổi bố mẹ.
Lời "thỉnh cầu" của thai phụ đang mang thai 36 tuần khiến TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, không khỏi bất ngờ.
Lựa chọn giữa niềm tin truyền thống và an toàn sức khỏe chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vị bác sĩ từng gặp không ít tình huống khó xử, nhưng đề nghị của thai phụ trẻ khiến bác sĩ Thành bối rối.
Mổ đẻ sớm để tránh năm Tỵ
TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chia sẻ về trường hợp một cặp vợ chồng hiếm muộn, trải qua 5 lần thụ tinh trong ống nghiệm mới có con đầu lòng. Đến tuần thai thứ 36, gia đình họ khẩn cầu bác sĩ cho mổ đẻ sớm, vì tin rằng sinh con trong năm Giáp Thìn sẽ mang lại số mệnh tốt, tránh được vận xấu của "năm cùng, tháng tận".
Bác sĩ Thành đã giải thích việc sinh non khi mới 36 tuần có thể gây ra nhiều rủi ro cho em bé, từ suy hô hấp đến các vấn đề sức khỏe lâu dài. Tuy nhiên, cặp vợ chồng này vẫn kiên quyết với suy nghĩ: "36 tuần là đủ, không sao đâu, có người sinh 30 tuần vẫn nuôi được."
TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2, cũng gặp một trường hợp tương tự khác. Một gia đình cùng tuổi Tỵ mong muốn mổ đẻ trước Tết để đứa trẻ "hợp tuổi" với bố mẹ. Họ tin rằng ngày giờ sinh sẽ quyết định phần lớn tương lai và vận mệnh của con.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung trong ca phẫu thuật mổ sinh cho một sản phụ. Ảnh: BSCC. |
"Khi hỏi tuổi thai, gia đình thông báo em bé mới được 37 tuần. Tôi đã thẳng thắn từ chối vì sau thăm khám tất cả chỉ số đều ở ngưỡng an toàn, thai nhi phát triển tốt. Dù bị từ chối nhưng gia đình này vẫn tha thiết thuyết phục bác sĩ. May mắn sau khi nghe giải thích về các tác hại của mổ bắt con sớm, gia đình đã vui vẻ đồng ý chờ đến ngày con đủ tháng để sinh", tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung nói với Tri Thức -Znews.
Theo ông, tình trạng này không hiếm, đặc biệt trong tuần cuối cùng của năm âm lịch. Năm nay, nhiều gia đình lo lắng về tuổi Tỵ, trái ngược với tâm lý "chạy đua" sinh con vào năm Thìn - biểu tượng của sự thành công và quyền lực trong văn hóa Á Đông.
Các chuyên gia nhấn mạnh việc sinh con sớm để chọn ngày tháng đẹp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trẻ sinh non dù ở tuần 37 vẫn có nguy cơ gặp các vấn đề về hô hấp, miễn dịch và sức khỏe lâu dài. Việc tuân thủ hướng dẫn y khoa và chờ thai nhi đủ ngày đủ tháng không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe của bé mà còn giảm các biến chứng không đáng có cho người mẹ.
Đừng vì lo sợ trong tưởng tượng để nhận lấy hậu quả có thật
Theo TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2, để đảm bảo "mẹ tròn con vuông", trẻ cần được sinh đủ tháng, nghĩa là từ 39 tuần trở lên. Ông nhấn mạnh rằng sinh thường qua đường âm đạo vẫn là phương pháp tốt nhất, mang lại lợi ích tối ưu cho cả mẹ và con.
"Chỉ trong những trường hợp đặc biệt, khi sức khỏe của thai phụ hoặc thai nhi bị đe dọa nghiêm trọng như dọa sẩy thai, suy tim thai, chậm phát triển, cạn nước ối hay nguy cơ từ vết mổ cũ, các bác sĩ mới cân nhắc việc mổ lấy thai trước 39 tuần tuổi", bác sĩ Trung cho biết.
Ông cũng giải thích rằng việc mổ lấy thai theo yêu cầu của sản phụ chỉ được xem xét sau khi thai nhi đạt 39 tuần tuổi. Những trường hợp mổ sớm hơn thường chỉ được thực hiện khi có nguy cơ lớn đến tính mạng mẹ và bé, chẳng hạn như suy tim thai hoặc các bất thường khác trong thai kỳ.
Việc cố gắng sinh con sớm vì những lo lắng hoặc quan niệm chưa có cơ sở khoa học có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn, đặc biệt là cho sức khỏe của trẻ sơ sinh. Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên tin tưởng vào hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sự an toàn tốt nhất cho cả mẹ và bé.
TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: BSCC. |
Đồng quan điểm với TS.BS Nguyễn Hữu Trung, TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhấn mạnh rằng trẻ sinh mổ non tuần đối mặt với nguy cơ suy hô hấp rất cao, kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm.
"Tại bệnh viện, không ít trường hợp trẻ sinh non bị suy hô hấp, phải thở máy, nhiễm trùng, thậm chí không qua khỏi. Ngay cả khi được cứu sống, những trẻ này thường yếu hơn so với trẻ được nuôi dưỡng đủ tháng trong cơ thể mẹ", bác sĩ Thành cho biết.
Ông phân tích thêm trẻ sinh non không chỉ có nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính, mà còn đối mặt với rủi ro phát triển tâm thần và vận động kém hơn sau này. Việc trẻ thường xuyên ốm đau cũng tạo ra áp lực lớn về kinh tế và tinh thần cho gia đình, khi phải liên tục thăm khám, điều trị tại các cơ sở y tế.
Không chỉ vậy, khoa học đã chứng minh trẻ sinh non khi trưởng thành nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, suy gan, thận cao hơn nhiều lần so với trẻ sinh đủ tháng.
"Việc có được con đã khó, có được đứa bé khôn lớn khỏe mạnh còn khó hơn. Do đó, các gia đình phải hiểu được những nguy cơ tiềm ẩn về lâu về dài khi lựa chọn mổ đẻ sớm cho con, từ đó cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định", bác sĩ Thành khuyến cáo.
Những điều bất ngờ của trẻ hai tháng tuổi
Bạn đã bao giờ nghe thấy bé nói “u”, “a” thật dễ thương chưa? Nếu chưa, bạn không cần quá lo lắng vì giai đoạn này sẽ sớm xuất hiện. Ở tháng thứ nhất, bé yêu của bạn đã học được rằng khóc là một phương thức hiệu quả để cha mẹ biết bé đang đói hoặc bày tỏ sự khó chịu khi tã ướt.
Hành vi thể hiện cảm xúc, mong muốn được thấu hiểu, chấp nhận và đáp lại là nhu cầu cơ bản của con người. Bé yêu của bạn đang trong quá trình xây dựng các mối quan hệ thân mật, cho đi và nhận lại.
Mỗi khi ôm ấp để xoa dịu hoặc mỉm cười để thể hiện tình yêu và niềm vui khi được ở bên con, bạn đang dạy các kỹ năng xã hội sẽ theo con suốt cuộc đời, từ đó giúp con kết nối giữa cảm xúc và hành động.