Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Year end party dài 3 tiếng giờ chỉ gói trong bữa trưa 30 phút

Nhằm cắt giảm triệt để chi phí tổ chức tiệc tất niên, nhiều doanh nghiệp chỉ tổ chức buổi ăn uống nhỏ gọn với khẩu phần như cơm nhà.

Nhân sự không còn tiệc tất niên hoành tráng khi công ty cắt giảm ngân sách triệt để. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Năm 2022, Ngọc Uyên (26 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM), trưởng bộ phận PR - Event, tổ chức tiệc tất niên (YEP) hoành tráng cho công ty tại một nhà hàng 5 sao.

Năm nay, do tình hình kinh doanh khó khăn, cô và các đồng nghiệp tưởng rằng sẽ không có buổi tiệc tất niên nào. Thế nhưng, ban lãnh đạo vẫn quyết định vẫn làm buổi tiệc nhỏ, ấm cúng ở nhà hàng tiệc cưới.

Nghe từ những câu chuyện của bạn bè, Ngọc Uyên nhận thấy đây là tình hình chung ở nhiều công ty.

“Tiệc nhỏ, loại bỏ những hạng mục không cần thiết, để nhân sự tham gia nhiều hơn vào khâu tổ chức nhằm cắt giảm chi phí có vẻ như là xu hướng YEP năm nay”, Uyên nói với Tri Thức - ZNews.

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thể tổ chức tiệc cuối năm cho nhân viên để tiết kiệm chi phí vận hành. Một số khác thay đổi cách tổ chức gần gũi hơn nhằm đảm bảo nhân sự vẫn có quyền lợi, đồng thời có không gian để chia sẻ những khó khăn của công ty.

Cùng với đó, một số đơn vị tổ chức event và các nhà hàng cũng gặp khó trong bài toán cân đối chi phí nhưng vẫn cần đảm bảo chất lượng buổi tiệc.

xu huong YEP anh 1

Các doanh nghiệp cắt giảm chi phí tổ chức liên hoan tổng kết cuối năm trong giai đoạn khó khăn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Từ 3 tiếng gala dinner thành 30 phút ăn trưa

Gần đến ngày diễn ra sự kiện, Ngọc Uyên cùng toàn bộ các thành viên trong nhóm đang ra sức hoàn thành các hạng mục từ kịch bản, truyền thông, kiểm soát ngân sách, sắp xếp nhân sự…

Để giảm tối đa chi phí đầu tư, công ty cô chỉ thuê địa điểm, không thuê thêm các dịch vụ setup hay thiết kế backdrop. Công ty tận dụng tối đa những nhân viên có thể làm các đầu việc này để hỗ trợ.

“Mọi người đều vui vẻ, chung tay cùng nhau làm YEP. Tôi vẫn nghĩ đây là buổi tiệc đáng nhớ”, Uyên nói.

Tầm này năm ngoái, Minh Trí (quận Tây Hồ, Hà Nội), trưởng phòng nhân sự, bắt đầu kêu gọi nhân sự tập văn nghệ cho tiệc tất niên.

xu huong YEP anh 2

Công ty Ngọc Uyên tận dụng nhân sự nội bộ tổ chức YEP để tiết kiệm chi phí. Ảnh: NVCC.

Công ty anh có thông lệ tổ chức 2 buổi liên hoan cuối năm, bao gồm lễ trao thưởng cho cá nhân, nhóm làm việc xuất sắc tại văn phòng và gala dinner ở trung tâm tổ chức sự kiện.

Đối với tiệc tối, phòng HR của anh phải chuẩn bị đầy đủ các tiết mục văn nghệ, tiệc mặn, ngọt, khu vực check-in. Công tác này tốn hơn một tháng, khiến Minh Trí luôn trong tình trạng bận bịu dịp cuối năm.

Tuy nhiên, năm nay công ty anh tiến hành cắt giảm ngân sách liên hoan tổng kết cuối năm còn 50%.

Biết chắc không thể tổ chức gala dinner hoành tráng như các năm trước, trưởng phòng nhân sự này đau đầu tìm phương án thay thế.

xu huong YEP anh 3

Doanh nghiệp của Minh Trí chuyển gala dinner thành buffet trưa với ngân sách giảm 50%. Ảnh: NVCC.

Không thể tự mình quyết định, anh phát phiếu khảo sát cho nhân sự các phòng ban để chọn ra hình thức tổ chức YEP được lòng số đông nhất. Hiểu rằng tình hình kinh doanh của công ty gặp khó, 63% nhân viên chọn buffet trưa tại một nhà hàng gần văn phòng.

Minh Trí cho rằng nhân sự lựa chọn phương án này để tiết kiệm thời gian và chi phí chuẩn bị cá nhân, bao gồm trang phục dự tiệc, makeup, làm tóc.

Không chỉ ngân sách cho các hoạt động chung như YEP và team building khoản thưởng Tết dành cho nhân viên công ty Trí cũng bị giảm so với năm ngoái. Mục đích tiết kiệm được đặt lên hàng đầu.

“Cuối năm nào tôi cũng chạy đôn chạy đáo lo tiệc tất niên. Năm nay, tôi chỉ cần gọi một cuộc điện thoại đặt bàn bữa trưa, thật kỳ lạ", trưởng phòng HR chia sẻ.

Nhà hàng vắng khách doanh nghiệp

Trong khi các doanh nghiệp tìm cách cắt giảm ngân sách YEP, các nhà hàng, đơn vị tổ chức event cũng “căng não” để đưa ra chương trình khuyến mãi, các gói hỗ trợ nhằm lôi kéo khách dịp cuối năm.

Ngọc Phương, chủ của một đơn vị tổ chức event ngoài trời có 5 chi nhánh ở TP.HCM, cho biết đến thời điểm hiện tại, số ngày trống ở các địa điểm vẫn khoảng 40%.

“Năm nay các công ty có xu hướng làm tiệc như một buổi giao lưu ăn uống. Nhiều hạng mục đều bị cắt giảm, từ màn hình LED, máy chiếu, thuê band nhạc, cho đến yêu cầu giảm giá tiền trên đầu người”, anh Phương nói.

Dù các doanh nghiệp chi ít tiền hơn cho YEP, anh Phương vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Anh thiết kế nhiều chương trình ưu đãi nhằm thu hút khách hàng đặt tiệc, như tặng miễn phí trang trí hoa tươi, backdrop, hay chuẩn bị thực đơn đa dạng với nhiều mức giá hơn.

Bên cạnh đó, anh còn đào tạo đội ngũ nhân sự tổ chức tiệc linh động ở mọi nơi khách hàng yêu cầu.

“Nếu tôi làm dịch vụ tệ đi, năm sau khách hàng sẽ không tìm đến nữa. Do đó, giai đoạn này chúng tôi cùng gồng gánh với doanh nghiệp, lấy công làm lời. Với mỗi tiệc nhỏ 100-150 khách, xem như chúng tôi hòa vốn”, anh nói.

xu huong YEP anh 4

Các nhà hàng chứng kiến số lượng khách doanh nghiệp tổ chức YEP sụt giảm đáng kể. Ảnh: NVCC.

Trong khi đó, Lưu Ly, quản lý một nhà hàng tại quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết số lượng khách doanh nghiệp giảm đến 70%.

Với sức chứa lên đến 500 người, nhà hàng này là sự lựa chọn của nhiều công ty trong mùa tiệc tùng cuối năm. Quản lý thường phải thuê thêm nhân viên phục vụ bàn, đầu bếp thời vụ để phục vụ hàng trăm nhân sự trong buổi liên hoan tổng kết của các doanh nghiệp.

Song, đó chỉ là tình huống của các năm trước. Đến đầu tháng 1 năm nay, số khách đặt YEP tại đơn vị tổ chức sự kiện, ăn uống này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Không chỉ giảm thiểu đáng kể về số lượng, hình thức YEP năm nay cũng thay đổi. Cụ thể, Lưu Ly cho biết các công ty chỉ đặt tiệc ăn uống, hoàn toàn loại bỏ chương trình văn nghệ, trao thưởng.

Đơn vị kinh doanh của cô không thể bán combo tổ chức sự kiện, bao gồm địa điểm, sân khấu, âm thanh và ánh sáng, MC, văn nghệ như mọi năm. Đây là khoản thất thu nhất do giá thành các gói này có thể lên đến 500 triệu đồng.

Theo Lưu Ly, một số đơn vị còn tối ưu hoá chi phí bằng cách tự mua nước giải khát hoặc tận dụng đồ uống khách hàng tặng, không sử dụng bia, rượu, nước ngọt của nhà hàng.

Khẩu phần ăn của mỗi người cũng được bộ phận nhân sự của doanh nghiệp tính toán, quyết định để giảm thiểu triệt để chi phí, không còn thoải mái uỷ quyền cho nhà hàng như trước.

“Bữa ăn được tối giản hoá hết mức, không khác cơm nhà là mấy”, Lưu Ly nói.

Năm ngoái công ty đi du lịch thay YEP, năm nay nhân viên tự nấu lẩu

Từng đưa nhân sự đi du lịch, bar-hopping thay YEP cuối năm 2022, hiện những công ty này chỉ có thể làm một buổi liên hoan nhỏ, hoặc thậm chí cắt hẳn hoạt động đó.

Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới

Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.

Linh Vũ - Mỹ Trinh

Bạn có thể quan tâm