Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

84% ca tử vong ở Việt Nam do các bệnh không lây nhiễm

Việt Nam đối mặt với mô hình bệnh tật kép, bên cạnh ứng phó với bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, COPD... ngày càng gia tăng.

Ngày 23/10, Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp Bộ Y tế tổ chức Hội nghị khoa học năm 2024 với chủ đề "Nghiên cứu và ứng dụng trong y học". GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại hội nghị.

benh khong lay nhiem anh 1

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ y tế tiếp tục cập nhật kiến thức y khoa, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ nghiên cứu y học đến thực hành ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh.

Y học dựa vào bằng chứng là phương pháp tiếp cận sử dụng kết quả từ các nghiên cứu lâm sàng, chia sẻ các mô hình thực hành, đánh giá kinh tế y tế trong việc đưa ra các quyết định nhằm nâng cao chất lượng điều trị, dự phòng chăm sóc sức khoẻ và nâng cao hiệu quả quản lý bệnh nhân.

Các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng cả về số lượng ca mắc cũng như mức độ nghiêm trọng

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Việt Nam đối mặt với mô hình bệnh tật kép, bên cạnh phải ứng phó với bệnh truyền nhiễm, mới nổi tăng, các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, COPD, rối loạn sức khoẻ tâm thần... cũng ngày càng gia tăng.

Theo các báo cáo mới nhất, tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm gây ra chiếm 84% tổng số ca tử vong tại Việt Nam.

"Đây là một con số đáng lo ngại, cho thấy gánh nặng mà các bệnh mạn tính này đang gây ra đối với hệ thống y tế và xã hội", GS.TS Trần Văn Thuấn nói và cho biết thêm, các bệnh không lây nhiễm cũng là những thách thức không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.

Trên phương diện y tế công cộng, các bệnh này đang gia tăng cả về số lượng ca mắc cũng như mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng.

Hội nghị khoa học của Tổng hội Y học tổ chức năm nay tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn, đó là bệnh hô hấp, bệnh khớp, sản phụ khoa và ung thư.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, tình trạng ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và lối sống hiện đại đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, và viêm phổi do virus.

Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, càng nhận ra rõ hơn sự mong manh của hệ thống y tế trước các bệnh lý đường hô hấp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa và điều trị sớm.

Song song với đó, các bệnh khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp, đang trở thành gánh nặng không chỉ đối với người cao tuổi mà cả người trẻ trong xã hội hiện đại. "Với xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh, việc điều trị và quản lý các bệnh lý về khớp càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết", GS.TS Trần Văn Thuấn nói.

Trong lĩnh vực sản phụ khoa, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật như giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, nhờ sự cải thiện trong chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết như chăm sóc tiền sản, hậu sản và phòng ngừa các bệnh lý sản phụ khoa, điển hình là ung thư cổ tử cung.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, có sự gia tăng đáng lo ngại của bệnh ung thư. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 182.000 ca mắc mới và khoảng trên 122.000 ca tử vong do ung thư.

Cộng với số ca mắc ung thư còn sống và mắc mới, lúc nào Việt Nam cũng có khoảng 360.000 trường hợp mắc bệnh ung thư, trên tổng số hơn 19,3 triệu ca ung thư toàn cầu.

benh khong lay nhiem anh 2

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam và các đại biểu tại hội nghị.

Làm gì để giảm tử vong do bệnh không lây nhiễm gây ra?

Để đối phó với những thách thức trên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay Bộ Y tế đã xây dựng và đang triển khai các chiến lược, kế hoạch, hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe toàn dân.

Một trong những ưu tiên hàng đầu là tiếp tục hoàn thiện thể chế. Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung và Luật Dược sửa đổi, bổ sung dự kiến sẽ được xem xét thông qua.

Đối với Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế tập trung trước mắt sửa đổi một số vấn đề cấp thiết, cấp bách, đặc biệt phù hợp với Luật Khám chữa bệnh sửa đổi và các vấn đề liên quan khác.

Sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện Luật BHYT hơn nữa theo hướng đề xuất việc chi trả cho khám, phát hiện sớm một số bệnh phổ biến, dễ phát hiện, ví như có thể đề nghị BHYT chi trả cho khám sàng lọc, phát hiện ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở tuyến cơ sở để góp phần phát triển y tế cơ sở và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm.

Thứ hai, tiếp tục kiện toàn hệ thống y học dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có việc thành lập CDC trung ương.

Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bởi nhân lực là yếu tố then chốt trong mọi vấn đề. Cần chú trọng đến việc đào tạo về nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu lâm sàng, và ứng dụng công nghệ mới...

Thứ tư, tăng cường nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. "Hội nghị khoa học hôm nay cũng là một hoạt động để chúng ta hiện thực hoá các giải pháp của Bộ Y tế hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe toàn dân", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Ngoài phiên toàn thể, hội nghị có các phiên chuyên đề về các bệnh: ung thư, hô hấp, khớp, sản phụ khoa, da liễu... Tổng số có 26 bài trình bày của các báo cáo viên là các chuyên gia đến từ Tổng hội Y học Việt Nam, Trường đại học Y Hà Nội, Trường đại học Dược Hà Nội, Viện Chiến lược và chính sách y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… và các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy; Trung ương Quân đội 108; Phổi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế nói chung và y dược học nói riêng đã đóng góp rất lớn đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc ở nhiều lĩnh vực...

Trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế, đến nay Việt Nam đã và đang trở thành một trong các điểm nghiên cứu quan trọng, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới, tham gia vào chương trình phát triển lâm sàng toàn cầu trên nhiều lĩnh vực với sự đóng góp nhiều đối tượng cho các nghiên cứu bản lề, đặc biệt là các nghiên cứu và ứng dụng trong y học thực hành.

Bệnh của thời thức ăn tiện lợi

Qua 400 trang sách, bác sĩ Robert H.Lustig đã chỉ ra nguy cơ các bệnh con người có thể mắc phải trong bối cảnh thực ăn nhanh, đồ đóng hộp lên ngôi. Trong đó, Lustig nhấn mạnh rằng, thực phẩm tiện lợi được sản xuất hàng loạt chính là sát thủ âm thầm.

Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.

Khối u quái chứa đầy lông trong bụng người phụ nữ

Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã thực hiện ca phẫu thuật nội soi cắt khối chửa ngoài tử cung và u quái buồng trứng cho nữ bệnh nhân 36 tuổi.

https://suckhoedoisong.vn/thu-truong-bo-y-te-tai-viet-nam-tu-vong-do-benh-khong-lay-nhiem-gay-ra-chiem-den-84-169241023111820334.htm

Bài và ảnh Thái Bình / Sức Khỏe & Đời Sống

Bạn có thể quan tâm