1. Ở Việt Nam, loại bánh nào không thể thiếu trong ngày Tết?
Những chiếc bánh chưng, bánh tét là hương vị ẩm thực đặc trưng của người Việt mỗi dịp năm mới. Hai món bánh truyền thống này đều có phần dây lạt buộc bên ngoài thể hiện sự đoàn kết và gắn bó của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, nó còn tượng trưng cho sự gắn kết dân tộc. Ảnh: Phuongvan.pham. |
2. Người Singapore có món gỏi nào mang ý nghĩa may mắn, tốt lành?
Mâm cơm đầu năm của người Singapore không thể thiếu gỏi cá Yusheng. Trong tiếng Trung, "Yusheng" có nghĩa là dồi dào, dư dả. Sự hài hòa màu sắc của đĩa gỏi cá này tượng trưng cho sự khởi đầu may mắn, thịnh vượng với gia chủ. Đây cũng là món ăn quen thuộc với người Malaysia vào dịp Tết. Ảnh: Asian Inspirations. |
3. Nguyên liệu chính của món gỏi cá Yusheng là gì?
Kiểu gỏi này bao gồm cá hồi sống thái lát mỏng, các loại rau củ thái sợi như đu đủ, khoai môn, cà rốt, bưởi, lạc rang, vừng, nước sốt từ quả mận... Khi thưởng thức, bạn trộn đều các nguyên liệu trên và rưới một chút dầu olive để món ăn thêm hấp dẫn. Cá hồi tượng trưng cho sự sung túc. Bưởi và cà rốt đại diện cho may mắn. Dầu olive mang ý nghĩa công việc thuận lợi. Đậu phộng thể hiện sự giàu có, trường thọ… Ảnh: Pinterest. |
4. Canh bánh gạo là món ăn đặc trưng của nước nào trong dịp Tết?
Vào ngày đầu năm, người Hàn Quốc thưởng thức canh bánh gạo (hay Tteokguk) như một nghi thức trang trọng để mừng bản thân bước qua tuổi mới. Nguyên liệu chính của món ăn gồm bột gạo, nước xương bò hầm, thịt bò, hành hoa... Hình dạng bánh gạo giống như đồng tiền kiểu Hàn Quốc cũ, vì vậy món súp còn tượng trưng về sự giàu có và thịnh vượng. Ảnh: Pinterest. |
5. Trung Quốc có món sợi nào mang ý nghĩa may mắn?
Mì trường thọ là món ăn đại diện cho lời chúc về sức khỏe và sống thọ nhân dịp đầu năm. Người Trung Quốc quan niệm khi dùng loại mì này phải ăn nguyên sợi, không cắn đứt đoạn. Trứng gà có hình tròn, tượng trưng cho sự viên mãn cũng được thêm vào bát mì trường thọ. Ảnh: Pinterest. |
6. Món nào thường được người Campuchia dùng trong dịp lễ, Tết?
Chol Chnam Thmay là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của người Campuchia. Theo phong tục, mỗi gia đình sẽ có ít nhất một người mang thức ăn lên chùa nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên vào dịp Tết. Sau đó, cả nhà quây quần thưởng thức món cà ri cay nồng. Ảnh: Cambodia Travel. |
7. Lạp là món truyền thống trong năm mới của quốc gia nào?
So với các quốc gia khác, người Lào đón năm mới khá muộn, từ 14-16/4 hàng năm. Trong tiếng Lào, "lạp" đọc gần giống như "lộc", nên món Lạp tượng trưng cho sự may mắn và là quà biếu ngày Tết của người dân đất nước Triệu Voi. Món này được làm từ thịt gà hoặc thịt bò băm nhỏ, trộn với các loại rau mùi, nước cốt chanh và thính gạo nếp rang vàng. Thực khách thưởng thức Lạp kèm cơm nếp dẻo. Ảnh: Wikipedia. |