Nhiếp ảnh gia người Italy Federico Borella đã làm việc với nhóm kiểm lâm viên Sri Lanka - những người chịu trách nhiệm xua đuổi voi khi chúng đến gần nơi định cư của con người - vào mùa hè năm ngoái. Buổi sáng nọ, họ được gọi đến hiện trường một ca tử vong do voi tấn công.
Nạn nhân xấu số là ông Sarath Wijesinghe (51 tuổi, thuộc lực lượng dân phòng). Trong lúc tắt điện hàng rao bao quanh ngôi làng - vật hoạt động ban đêm nhằm ngăn chặn voi "đột kích" vào nhà kiếm thức ăn, ông đã bị một con voi tấn công và giết chết.
Giữa hàng trăm người kéo đến từ những ngôi làng xung quanh để chứng kiến hậu quả tang thương của vụ tấn công vào buổi sáng, Borella đã chụp ảnh thi thể Wijesinghe được quấn bằng vải lanh.
“Đây có lẽ là điều buồn nhất mà tôi chứng kiến. Tôi đã tận mắt nhìn thấy vấn đề thông qua cái chết của ông Wijesinghe”, Borella chia sẻ với CNN về thời gian ở Sri Lanka.
Wijesinghe chỉ là một trong số nhiều người thiệt mạng vì voi vào năm ngoái. Cụ thể, voi ở Sri Lanka đã giết chết ít nhất 169 người trong năm 2023, theo Hiệp hội bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã nước này. Cùng lúc đó, con người đã giết chết 476 con voi.
Cuộc xung đột chết người được thúc đẩy bởi hành vi lấn chiếm đất đai của con người. Khi di chuyển đến những khu vực đã có voi từ trước, con người dựng nhà và trang trại liền kề môi trường sống của chúng, nói cách khác là ngay sát những con đường có tuổi đời hàng thế kỷ được voi sử dụng để đi tìm thức ăn, nước uống.
Đây là vấn đề không mới hay của riêng quốc gia nào. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng kể từ năm 1700 - khi việc mở rộng thuộc địa của người châu Âu dẫn đến gia tăng khai thác gỗ, mở đường và xây dựng trang trại - thì loài voi trên khắp châu Á đã mất gần 2/3 môi trường sống. Song, vấn đề này đặc biệt rõ ràng ở Sri Lanka, nơi có số lượng voi gấp đôi so với những gì chuyên gia ước tính cho môi trường sống hiện tại.
Borella bắt đầu ghi lại cảnh xung đột người - voi như một mảnh ghép trong bức tranh bành trướng đất đai, phá rừng và đô thị hóa của con người. Những việc làm này khiến con người chẳng khác nào "hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống hoang dã".
"Vì chúng ta là loài mạnh nhất trên thế giới nên cứ nghĩ mình có quyền chinh phục hay làm bất cứ điều gì, đặc biệt là chống lại động vật", Borella bày tỏ.
Suốt hai chuyến đi tới Sri Lanka, Borella dồn sự chú ý vào hậu quả của cuộc xung đột. Chẳng hạn, ông J.M. Muthubanda (67 tuổi) bị voi tấn công vào năm 2022 khi đang làm việc gần nhà. Ông ở trong viện suốt năm tháng và giờ đây mất hoàn toàn khả năng lao động.
Ngồi trên hiên nhà, giao tiếp với dân bản địa thông qua phiên dịch viên, Borella nghe bà Mallika Herath khóc nấc lên và mô tả vụ voi tấn công khiến bà tàn tật, đồng thời giết chết đứa cháu gái 5 tuổi - Nirupama Lakshani - khi cả hai đang đi bộ đến trường.
Borella nhớ rằng mình đã dành nhiều giờ để nghe bà tâm sự trước khi ngỏ ý chụp một tấm ảnh của Nirupama. Hiện tại, hình ảnh của cô bé vẫn sống động trong tâm trí Borella. Hầu hết nạn nhân bị voi tấn công là nông dân đã trưởng thành nên trường hợp của Nirupama có thể xem là hy hữu.
"Tôi nghĩ đây là một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất", Borella nói thêm.
Nhiều vụ tấn con người là do voi đột nhập nhà dân tìm thức ăn, bởi hầu hết ngôi nhà ở Sri Lanka có một căn phòng riêng dùng để trữ gạo mà voi có thể đánh hơi cách đó hàng dặm. Với thân hình khổng lồ, loài vật này dễ dàng làm sập tường, phá hủy toàn bộ ngôi nhà trong khi các gia đình đang say giấc.
Đây là những gì đã xảy ra với Matushan (27 tuổi). Borella đã ghi lại cảnh Matushan đứng bên ngoài ngôi nhà của mình - bốn tháng sau khi nó bị phá hủy bởi một con voi. Con voi khi ấy tìm kiếm gạo và muối, đã làm bức tường nhà sụp đổ đến nỗi cả gia đình anh không thể tiếp tục ở lại.
Một trường hợp khác may mắn sống sót trong cuộc chiến với voi là ông WM Disananyake Wasala (61 tuổi). Tuy nhiên, chân của ông phải cắt cụt do bị thương nghiêm trọng khi bị voi tấn công ở sân sau.
Điều làm Borella bất ngờ là ông Wasala không giận dữ sau những chuyện đã xảy ra. "Ông ấy không tìm cách trả thù", anh nói.
Borella cũng tìm hiểu trường hợp voi trở thành nạn nhân của con người. Chẳng hạn, một con voi tên Raju có sẹo trên thân và tàn tật một chân do bị bắn. Raju qua đời không lâu sau khi được Borella chụp ảnh. Nó rơi xuống kênh và không thể thoát khỏi chỉ với ba chân lành lặn.
Một con voi khác có khuôn mặt biến dạng. Nó từng là nạn nhân của "bom quai hàm” - một chất nổ tự chế được bọc trái cây để dụ voi cắn trúng.
Số voi đã chết hoặc bị thương bởi con người chắc chắn chưa dừng lại. Đó là lý do mà nhiếp ảnh gia Borella dự định quay trở lại Sri Lanka trong năm nay để tập trung ống kính vào các con vật.
Thực tế là chưa có giải pháp nào hiệu quả để chấm dứt xung đột.
Ở một số ngôi làng, hàng rào điện đã thành công. Bằng chứng là khu vực mà Borella đến thăm đã không có thương vong trong ba năm kể từ khi lắp đặt hàng rào điện. Tuy nhiên, những hàng rào đôi khi không chỉ có tác dụng xua đuổi voi mà còn là "kẻ thù số một" giết chết chúng - chỉ cần người nông dân tức giận bật điện áp đủ cao.
Trong khi đó, các ngôi làng khác sử dụng chòi quan sát hoặc liên hệ với kiểm lâm bằng đạn không gây chết người để xua đuổi voi.
Trao đổi với Borella, một chuyên gia cho biết giải pháp duy nhất là dọn sạch môi trường sống của voi cho các hoạt động của con người.
"Nó được gọi là cuộc xung đột vì cả hai bên đều muốn sinh tồn. Rất khó để tìm ra giải pháp", Borella nói.
Sri Lanka có một nơi chăm sóc những chú voi bị bỏ rơi: trại voi Pinnawala. Được thành lập năm 1975, nơi đây nhận không ít lời chỉ trích của các nhà bảo tồn khi "cống hiến cho du lịch động vật hoang dã" - một loại hình du lịch đe dọa nghiêm trọng đến đặc tính tự nhiên của voi, biến chúng thành thú tiêu khiển mỗi ngày cho du khách.
Ngày nay, rừng bị chặt phá để mở rộng hoạt động canh tác ở Sri Lanka, khiến voi mất nguồn thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn. Điều này tiếp diễn sẽ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột vốn đã rất căng thẳng giữa loài vật và con người.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.