Hàng năm, cứ đến dịp tổng kết năm học, mạng xã hội lại xuất hiện những bài viết thảo luận về thành tích, điểm số, chuyện nhận giấy khen của trẻ.
Một số người cho rằng thứ hạng, khen thưởng hay giấy khen là động lực để trẻ cố gắng hơn trong năm học tới, nhưng một số người nói thành tích, giấy khen chỉ để thỏa mãn tâm lý thi đua của phụ huynh, còn đứa trẻ chỉ thêm áp lực vì phải đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ.
Phụ huynh vẫn "mê” thành tích
Trao đổi với Tri thức - Znews, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục EdulightenUp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, khẳng định thông tư 22/2021 và thông tư 27/2020 là sự thay đổi lớn trong đánh giá học sinh bậc tiểu học và trung học.
“Trước đây, chúng ta đánh giá học sinh nặng về kiến thức môn học, phân ra các môn chính phụ. Hiện tại, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, điều này đã thay đổi, việc đánh giá coi trọng rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh với nhau, không có môn nào là môn chính hay phụ", bà Huyền nhận định.
Tuy nhiên, hiện tại, nhiều phụ huynh vẫn có quan niệm môn chính, môn phụ, như một số trường hợp trên mạng xã hội cho rằng chỉ cần học Toán, Tiếng Việt, còn các môn Nghệ thuật, Giáo dục thể chất là không quan trọng, tiếc gì mà không cho trẻ hoàn thành tốt.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi và coi trọng rèn luyện và học tập của học sinh nhiều hơn. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Bà Huyền cho rằng các phụ huynh này không hẳn mắc “bệnh thành tích" mà là chưa hiểu rõ về phương pháp đánh giá mới. Vì vậy, họ phản ứng là điều dễ hiểu bởi mong muốn con học tốt, được khen thưởng là chuyện bình thường trong văn hóa Á Đông. Tâm lý này khó có thể xóa bỏ, nhất là trong xã hội hiện đại, khi mỗi gia đình chỉ có 1-2 con và việc đầu tư cho giáo dục rất lớn.
Tuy nhiên, bà Huyền cho rằng quan điểm phân biệt môn chính, phụ, chỉ chăm chăm vào Toán, Tiếng Việt, quan tâm đến xếp hạng, điểm số là quan điểm sai lầm, dễ khiến trẻ em phát triển lệch lạc. Theo đó, học sinh không phải cứ giỏi Toán, Văn mới là giỏi, các em có thể giỏi các môn nghệ thuật, thể chất… Học sinh cần được phát triển toàn diện, nhất là những bậc học dưới.
“Chúng ta cũng cần phải hiểu đúng về toàn diện. Toàn diện không phải là cái gì cũng yêu cầu các em xuất sắc, phải trở thành hình mẫu, phải được khen mọi mặt. Điều đó không phản ánh thực chất việc phấn đấu rèn luyện của trẻ", bà Huyền nói.
Theo vị chuyên gia, phát triển toàn diện là trang bị cho các em năng lực cần thiết ở các lĩnh vực, tìm ra năng lực nổi trội của học sinh; từ đó gia tăng động lực, giúp các em phát huy thế mạnh của bản thân.
Ngoài chuyện phân biệt môn chính - môn phụ, cô Minh Anh, giáo viên tiểu học tại Hà Nội, nhận định tâm lý coi trọng thành tích học tập của một số phụ huynh còn thể hiện ở việc phụ huynh vẫn đặt nặng chuyện xếp loại và nhận giấy khen vào cuối năm học.
Ví dụ điển hình nhất là phụ huynh mỗi khi đón con tan học vẫn theo thói quen hỏi “hôm nay con được mấy điểm” thay vì hỏi “hôm nay con đi học thế nào”.
Đi dạy nhiều năm, cô giáo trẻ nhận thấy nhiều phụ huynh vẫn có quan niệm rằng con được giấy khen vào cuối năm học mới đáng tự hào, còn quá trình học của con có cải thiện, tiến bộ hay không thì lại không quan tâm.
“Tôi từng dạy một trường hợp lớp 1 học rất kém, suýt nữa không thể lên lớp, nhưng khi lên lớp 2 con học tiến bộ hơn, tiếp thu bài nhanh hơn. Cuối năm lớp 2 con đạt Hoàn thành, tôi cũng nhận xét con ‘tiến bộ rõ rệt’ và khen con trong buổi họp phụ huynh. Nhưng do không có giấy khen, con vẫn bị phụ huynh trách mắng”, cô Minh Anh kể lại.
Là một nhà giáo, cá nhân cô Minh Anh coi trọng quá trình học tập, sự tiến bộ của học sinh nhiều hơn. Trong khi đó, phụ huynh lại có tâm lý nhìn vào kết quả cuối cùng. Cô giáo nhận định tâm lý này có thể bắt nguồn từ trào lưu so sánh giữa các phụ huynh trong dòng họ, hàng xóm hoặc giữa các phụ huynh là bạn bè với nhau.
Cô giáo lấy ví dụ một số dòng họ có truyền thống khen thưởng cho con em đạt thành tích xuất sắc trong năm học, hoặc tổ dân phố cũng có hoạt động tặng quà cho học sinh giỏi. Chính những điều đó cũng có thể góp phần khiến phụ huynh muốn con giành được giấy khen để “có tên trong bảng vàng” của dòng họ hoặc tổ dân phố.
“Nhìn chung thì tôi không thấy khó hiểu khi phụ huynh muốn con có giấy khen. Bây giờ nuôi con cũng như chạy đua vậy, con ai giỏi, con ai nhiều giấy khen thì người đấy nở mày nở mặt với xã hội. Dù vậy, tôi cũng cho rằng những phụ huynh đó chỉ là thiểu số, nhiều phụ huynh hiện tại cũng đã thay đổi tư duy và cởi mở hơn”, cô Minh Anh nêu quan điểm.
Nhưng đừng làm tổn thương con
Dù hiểu được tâm lý mê thành tích của một số phụ huynh, cô Minh Anh vẫn thấy buồn vì điều đó làm tổn thương tâm lý đứa trẻ rất nhiều.
Bản thân cô Minh Anh cũng từng là một học sinh, cô hiểu rằng trẻ nhỏ sẽ rất sợ nếu đi học bị điểm kém. Vì ngay khi tan học, vừa gặp bố mẹ, trẻ sẽ ngay lập tức bị hỏi “hôm nay con được mấy điểm”.
Tương tự với chuyện giấy khen, nếu không được giấy khen vào ngày tổng kết năm học, trẻ cũng sẽ rất áp lực vì sợ bị bố mẹ trách mắng. Các con cũng sợ cảm giác bị bố mẹ so sánh với “con nhà người ta”.
“Cha mẹ châu Á nói chung và cha mẹ Việt Nam nói riêng lúc nào cũng muốn con hoàn hảo, tinh thông mọi thứ. Nhưng trên đời này làm gì có ai hoàn hảo, đến nhân vật ‘con nhà người ta’ cũng sẽ có khuyết điểm chứ không phải toàn diện 100%”, cô giáo nói.
Đứa trẻ chịu áp lực thành tích từ người lớn rất dễ bị tổn thương tâm lý. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Cuối năm học, khi mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những bài viết khoe con, phàn nàn chuyện con không được giấy khen, cô Minh Anh lại thấy buồn lòng vì đây chính là thời điểm đứa trẻ dễ bị áp lực nhất. Khi bị bố mẹ phàn nàn, trách mắng, các con rất dễ rơi vào tình trạng tủi thân, tự ti và thậm chí là hình thành tâm lý chối bỏ bản thân.
Theo cô Minh Anh, trẻ tiểu học vẫn còn non nớt, dễ bị ảnh hưởng trạng thái tiêu cực từ người lớn. Ở tuổi này, các con chỉ muốn đón nhận những lời khen có cánh từ cha mẹ và rất sợ bị mắng. Chỉ cần một lần bị mắng, các con cũng có thể bị ám ảnh.
Do đó, cô Minh Anh khuyên phụ huynh nên hạn chế thảo luận về chuyện thành tích trước mặt con, cũng nên tránh áp đặt vấn đề thành tích, giấy khen rồi ép con phải chạy theo “KPI” do người lớn đặt ra.
Giai đoạn này, phụ huynh chỉ nên quan tâm đến quá trình học tập của con, từ đó có những nhìn nhận, khen thưởng hoặc góp ý phù hợp để con tiếp tục cố gắng.
“Phụ huynh còn đặt nặng chuyện giấy khen thì trẻ sẽ còn áp lực. Trẻ tiểu học cũng bị áp lực đồng trang lứa, phụ huynh đừng nghĩ con còn nhỏ không biết gì, thực ra các con hiểu hết. Tổn thương tâm lý liên quan chuyện học hành rất lớn, rất dễ để lại ‘sẹo’. Cha mẹ nếu thương con thì đừng làm con tổn thương thêm nữa”, cô Minh Anh nhấn mạnh.
Đừng chỉ giao phó con cho nhà trường
Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, để phụ huynh thay đổi nhận thức, nhà trường cần chủ động đầu tiên. Ngay từ đầu năm học, phụ huynh cần được giáo viên giới thiệu chương trình, cách đánh giá để họ hiểu và thay đổi tư duy.
Thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào điểm số, xếp hạng, giấy khen của con, phụ huynh cần quan sát con trong suốt quá trình học để đánh giá được sự tiến bộ, ghi nhận quá trình con rèn luyện và hướng con phát triển đồng đều.
“Nhà trường cũng cần đề nghị phụ huynh phối hợp, đừng chỉ ‘giao phó' con cho nhà trường mà tự phụ huynh cũng phải đánh giá năng lực của con mình, nhìn nhận được điểm nổi trội của trẻ", bà Huyền nhấn mạnh.
Về phía giáo viên, bà Huyền gợi ý một số phương án để tránh việc phụ huynh thắc mắc, đồng thời vẫn khích lệ học sinh. Ví dụ, nếu trẻ không được học sinh xuất sắc, không nhận giấy khen từ trường, giáo viên có thể tìm ra điểm nổi trội nhất của trẻ để khen ngợi, động viên con.
Phụ huynh cũng nên nhìn vào điểm mạnh của trẻ để tạo động lực giúp các em phát triển. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên giải thích cho gia đình hiểu lý do con đạt mức đánh giá đó, phải có dẫn chứng khách quan để phụ huynh hiểu và đồng thuận.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.