Bất kỳ ai cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm, do đó, bạn cần chú ý các dấu hiệu bất thường sau khi ăn. Ảnh: Freepik. |
Ngộ độc thực phẩm, hay còn gọi là bệnh do thực phẩm, xảy ra khi bạn ăn phải thực phẩm bị nhiễm bẩn. Tác nhân gây ngộ độc có thể là một loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc chất độc khác.
Ai cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm, bất kể họ là ai và ăn ở đâu. Do vậy, điều quan trọng là phải tìm hiểu về các triệu chứng ngộ độc thực phẩm cũng như cách điều trị.
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Theo Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ (FSIS), các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm phổ biến bao gồm:
- Đau bụng
- Co thắt dạ dày
- Buồn nôn, nôn mửa
- Tiêu chảy
- Sốt
- Đau đầu
- Mệt, yếu lả.
Các triệu chứng chính xác cũng như thời điểm chúng xuất hiện và kéo dài bao lâu sẽ khác nhau, tùy thuộc vào bệnh do thực phẩm gây ra. Nói chung, các triệu chứng xuất hiện trong vòng 12 đến 48 giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm và kéo dài 1-7 ngày.
Phải làm gì nếu bạn bị ngộ độc thực phẩm?
Trong phần lớn các trường hợp, ngộ độc thực phẩm không cần điều trị y tế. Tiến sĩ Christine Lee, bác sĩ tiêu hóa tại Cleveland Clinic, cho biết: "Đối với hầu hết người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, ngộ độc thực phẩm thường có thể tự khỏi. Điều quan trọng duy trì thể trạng, ăn uống và cố gắng bù nước tại nhà và để quá trình này diễn ra bình thường".
Triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện trong khoảng 12 đến 48 giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Ảnh: Healthifyme. |
Nếu bạn bị mệt và mất nhiều nước do tiêu chảy, hoặc sốt và đổ mồ hôi, cách bổ sung tốt nhất nên là chất lỏng như nước lọc, đồ uống chứa muối, đường hoặc chất điện giải. Lưu ý, bạn nên bắt đầu với từng ngụm nhỏ. Uống ngụm lớn nhiều khả năng sẽ khiến bạn cảm thấy chóng mặt, bụng nôn nao trở lại ngay lập tức.
Ngoài ra, mọi người cần luôn giữ đồ uống ở nhiệt độ phòng. Đồ uống lạnh có thể gây áp lực lớn cho dạ dày đang khó chịu.
Bên cạnh đó, nếu cảm thấy khó chịu, bạn hãy thử nhấm nháp một số món ăn nhẹ, nhạt để xoa dịu dạ dày như chuối, cơm, nước sốt táo, bánh nướng. Bạn cần tránh xa những thực phẩm khó tiêu hóa hơn như đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên hoặc cay.
Khi nào cần tới bệnh viện?
Bạn nên gọi bác sĩ hoặc tới bệnh viện ngay nếu gặp bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào sau đây:
- Tiêu chảy có máu hoặc kéo dài hơn 3 ngày
- Sốt cao, dai dẳng trên 38,3 độ C
- Nôn ra máu
- Cơ thể khó giữ chất lỏng (do nôn mửa thường xuyên)
- Mất nước, đặc trưng bởi cảm giác chóng mặt khi bạn cố gắng đứng, miệng và cổ họng rất khô, ít hoặc không đi tiểu
- Bị mờ mắt
- Mê sảng hoặc nhầm lẫn
- Cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng.
Bạn cũng nên đi khám nếu:
- Đang mang thai hoặc đang cho con bú
- Mắc bệnh lý làm ức chế hệ thống miễn dịch
- Dùng thuốc điều hòa miễn dịch hoặc thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
Sách hay về sức khỏe con người
Giáo sư ngành miễn dịch học tại Đại học Manchester (Anh) Daniel M. Davis đã cung cấp góc nhìn khoa học về hệ miễn dịch trong cuốn sách Hệ miễn dịch: Khám phá cơ chế tự phòng, chữa bệnh của cơ thể người.
Để giúp bạn đọc dễ hiểu về hệ miễn dịch, tác giả lấy ví dụ về phản ứng của cơ thể với vết cắt hay nhiễm trùng. Khi đó, bên dưới da đã “diễn ra điều kỳ diệu”, các tế bào di chuyển đến để chống lại mầm bệnh, cũng như sửa chữa tổn thương và đối phó với các mảnh mô bị hư tổn. Những diễn tiến âm thầm này rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể.