Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm nhà làm

Thực phẩm nhà làm như chả bò, chả lụa, nem chua… là những món ăn phổ biến dịp Tết nhưng mọi người nên cẩn trọng khi tiêu thụ chúng.

Nhiều người chọn mua thực phẩm nhà làm vì nó tiện lợi, an toàn và hợp khẩu vị. Ảnh: Pexels.

Giáp Tết là thời điểm rất nhộn nhịp khi nhà nhà đều tất bật mua sắm đồ ăn thức uống. Đây cũng là lúc mà thực phẩm nhà làm nhận được nhiều sự quan tâm và thu hút của khách hàng.

Thực phẩm nhà làm được nhiều người ưa chuộng vì có các mặt hàng đa dạng như chả bò, chả lụa, khô bò, giò bê, lạp xưởng… và có thể được giao đến tận nhà, giúp tiết kiệm thời gian cho khách hàng vào dịp Tết bận rộn.

Hợp khẩu vị, không chất bảo quản

Dường như Tết năm nào, gia đình chị Thuỳ Linh (40 tuổi, sống tại TP Bến Tre) cũng đặt mua các loại thực phẩm nhà làm như chả lụa, chả bò hay pate thịt nguội. Ngày thường, chị chỉ cần đặt trước 2-3 ngày là có hàng. Tuy nhiên, dịp giáp Tết, nhu cầu thực phẩm và giá thịt có thể tăng cao, chị phải đặt sớm tận nửa tháng.

“Gia đình tôi rất thích ăn các loại chả và pate thịt nguội. Trước đây, tôi từng mua thử chả bò đóng gói trong siêu thị, nhưng cảm thấy không hợp khẩu vị. Do đó, mấy năm gần đây, tôi chỉ đặt chả nhà làm từ người quen trong xóm”, chị Linh chia sẻ.

Chị Linh cho hay vì mua từ người quen, chị rất an tâm về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc thịt và đặc biệt, thực phẩm nhà làm sẽ không có chất bảo quản.

"Người bán sẽ giao hàng đến tận nhà, lúc này tôi kiểm tra kỹ số lượng, quan sát màu sắc, bao bì và ngửi thử mùi thực phẩm. Nếu cảm thấy chất lượng sản phẩm tốt, tôi mới thanh toán tiền. Năm nay, chả lụa có giá khoảng 150.000 đồng/kg, còn pate thịt nguội khoảng 180.000-200.000 đồng/kg", chị Linh nói thêm.

Cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm nhà làm

Trao đổi với Zing, bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Kim Hải, Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng, cho biết nhiều người thích mua thực phẩm nhà làm vì nghĩ rằng nó không chứa chất bảo quản nên sẽ an toàn hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên, mọi người có thể hiểu sai về vai trò của chất bảo quản trong thực phẩm.

Đúng như tên gọi, chất bảo quản giúp bảo quản thực phẩm được tốt hơn và kéo dài thời gian sử dụng lâu hơn. Để làm được điều này, nó sẽ hạn chế sự phát triển của vi sinh vật (vi khuẩn, nấm mốc…) trong sản phẩm và làm chậm quá trình oxy hóa của thực phẩm.

Vì thế, sử dụng chất bảo quản theo ngưỡng cho phép của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì không gây hại đến sức khỏe. Trong khi các công ty thực phẩm được đào tạo kiến thức về vấn đề này trước khi cho ra mắt sản phẩm, người tự làm thực phẩm ít được đào tạo hoặc không có kiến thức chuẩn.

Điều này dẫn đến việc không lường hết nguy cơ đối với các thực phẩm không sử dụng chất bảo quản hay nếu có sử dụng thì có thể sử dụng quá liều lượng cho phép.

thuc pham nha lam anh 3

Bác sĩ Kim Hải chia sẻ người có bệnh lý liên quan đái tháo đường, thận hay cao huyết áp cần cẩn trọng khi ăn thực phẩm nhà làm. Ảnh: BSCC.

Theo bác sĩ Kim Hải, thực phẩm nhà làm có khả năng trở thành mối nguy hại cho sức khỏe vì những lý do sau:

- Quá trình chế biến thủ công tại nhà có thể không đảm bảo được các yếu tố như vệ sinh an toàn thực phẩm, thành phần dinh dưỡng, các yếu tố môi trường như nhiệt độ và ánh sáng.

- Việc sơ chế không đúng cách không chỉ làm mất đi hàm lượng chất dinh dưỡng của thực phẩm mà còn tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, từ đó có thể gây bệnh hoặc ngộ độc cho người dùng.

- Thực phẩm nhà làm không chứa chất bảo quản nên người dùng không biết hạn sử dụng chính xác mà chỉ có thể dựa cảm quan như độ tươi mới, màu sắc và hương vị để phán đoán.

Ngoài ra, bác sĩ Kim Hải cho biết việc bảo quản lạnh các thực phẩm nhà làm trong thời gian dài cũng có thể gây ra những nguy hại cho người dùng.

Trên thực tế, bảo quản lạnh không giết chết vi khuẩn mà chỉ ức chế sự phát triển của nó. Tất cả thực phẩm đều vẫn diễn ra quá trình phân hủy bên trong, ngay cả khi bảo quản lạnh cũng chỉ làm chậm đi quá trình phân hủy này. Điều đó lý giải tại sao một số rau củ quả dù đã được bảo quản lạnh vẫn có hiện tượng hư, dập nát, thối rữa.

Do đó, khi một số thực phẩm được bảo quản lạnh trong thời gian quá dài, quá trình phân hủy diễn ra ở một mức độ nhất định và có thể sinh ra các chất gây độc như nitrit, amoniac. Việc hấp thụ nitrit quá nhiều tại một thời điểm có thể gây ngộ độc cấp tính cho người dùng.

Bên cạnh đó, tủ lạnh thường bảo quản cả thực phẩm chín lẫn thực phẩm sống, từ đó cũng gây ra sự lây nhiễm chéo từ thực phẩm sống qua thực phẩm chín.

Hơn hết, vị chuyên gia cho hay người có các bệnh lý nền hay có chế độ dinh dưỡng riêng biệt nên cẩn trọng khi tiêu thụ thực phẩm nhà làm.

Thực phẩm làm thủ công tại nhà không có bảng thành phần dinh dưỡng cụ thể nên người dùng khó biết được hàm lượng đường, muối và đạm trong sản phẩm có phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân hay không. Vì thế, người có bệnh lý như đái tháo đường, bệnh thận hay tăng huyết áp nên hạn chế sử dụng các thực phẩm này.

Bạn có hiểu đúng về thảo dược

Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.

Nhìn móng tay chẩn đoán bệnh

Một số bệnh liên quan tới tim phổi, viêm khớp có thể bộc lộ qua các triệu chứng kéo dài trên móng tay.

Nam Giao

Bạn có thể quan tâm