Tôi là Trần Uyên Như (33 tuổi), người vận hành Trung tâm Cứu hộ Chó mèo Sài Gòn Time (SGT) ở TP.HCM. Sau gần 10 năm cứu hộ chó mèo, tôi và chồng là Nguyễn Quốc Khánh (34 tuổi) đã cứu được hơn 2.500 bé. Chúng tôi quyết định không sinh con để dành thời gian và tình thương cho gần 600 bé vật nuôi ở trung tâm. |
Vốn dĩ, tôi không phải người sáng lập ra SGT mà chỉ là một tình nguyện viên. Năm 2014, SGT đăng một bài viết về bé chó bị cắt nửa hàm dưới, nhổ sạch răng và xẻ tai thành hình cánh dơi. Quá thương bé, tôi và chồng qua nhận về nuôi. |
Khi đến nơi, khi nhìn thấy những bé chó mèo bị bỏ rơi, bạo hành, vợ chồng tôi quyết định tham gia vào công cuộc giải cứu chó mèo của SGT. Một thời gian, từng thành viên của trung tâm rời đi, chỉ còn tôi và chồng là những người duy trì hoạt động. |
Tính đến nay, SGT đã hoạt động được gần 10 năm. Chúng tôi đã cứu được hơn 1.000 bé chó và 1.500 bé mèo. Hiện giờ, SGT có hai trụ sở, một ở nhà hai vợ chồng và một ở Bình Chánh. Mỗi nơi có hơn 200 bé vật nuôi các loại. |
Một ngày của trung tâm sẽ bắt đầu bằng việc thả các bé chó ra ngoài chơi. Số lượng hơn 100 bé, chúng tôi phải thả luân phiên để dễ quản lý. Nếu bé này đã ra chơi buổi sáng thì phải ở trong chuồng buổi chiều và ngược lại. |
Trong thời gian đó, chúng tôi sẽ tranh thủ dọn dẹp chuồng của các bé. Việc dọn dẹp phải diễn ra liên tục, cả trong chuồng lẫn ngoài sân, vì các bé đi vệ sinh rất nhiều. |
Chủ nhật hàng tuần, vợ chồng tôi và các tình nguyện viên sẽ đến tắm cho các bé. Có thể nói, đây là ngày cực nhất tuần. Vợ chồng tôi sẽ tắm cho hơn 200 bé ở nhà riêng còn các bạn tình nguyện viên sẽ tắm cho các bé ở Bình Chánh. |
Sau khi chơi đùa và tắm rửa sạch sẽ, chúng tôi sẽ chuẩn bị cơm cho chó mèo. Cơm sẽ được trộn với thịt gà xay và rau củ để đảm bảo dinh dưỡng. Dịp lễ Tết, vợ chồng tôi cũng ráng xoay tiền để mua thêm giò heo, ức gà, snack chó mèo để phần ăn phong phú hơn. |
Mỗi tháng, trung tâm cần khoảng 150 triệu để mua thức ăn, cát cho mèo, thú y, thuê nhà… Số tiền này đến từ cửa hàng thú cưng của hai vợ chồng, sự hỗ trợ của cộng đồng. Những khi túng ngặt, chúng tôi còn phải nhờ cha mẹ giúp đỡ. |
Có những lúc vợ chồng tôi gặp nguy hiểm khi cứu hộ chó mèo. Trong một lần đi cứu bé chó bị lạc, anh Khánh suýt bị người ta lấy chai bia đập vào đầu vì họ nghĩ anh đi trộm chó. |
Còn tôi từng phải may 36 mũi vì bị chó cắn ngay mặt. Khi đã lành, vết sẹo đó giờ nhìn như một chiếc lúm đồng tiền nhỏ. Đó là lỗi của tôi vì ôm bé trong lúc bé đang hoảng sợ. Sau tai nạn đó, bé đã bỏ ăn 3 ngày vì hối hận. |
Để duy trì trung tâm, tôi và anh Khánh phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức. Nhiều người nói đó là một sự hy sinh. Tuy nhiên, tôi và chồng đều thấy không phải như vậy. Chúng tôi thấy mình cần các bé còn nhiều hơn các bé cần chúng tôi. |
Những khi có chuyện không dám nói cùng ai, tôi sẽ ra ngồi tâm sự các bé chó ở trung tâm. Những lúc như vậy, các bé sẽ hôn và ôm như thể thấu hiểu cho tôi. |
Với tôi, các bé chó mèo ở trung tâm không chỉ là vật nuôi, các bé là bạn, là đứa con mà tôi luôn yêu quý. Cả hai vợ chồng đều nhất trí rằng sẽ không để các bé chịu tổn thương vì bị bỏ rơi, bạo hành thêm một lần nào nữa. |
Do đó, vợ chồng tôi quyết định không sinh con để các bé không bị chia sẻ tình cảm và bỏ rơi như trước khi về với chúng tôi. |
Tháng 4 này, Trung tâm Cứu hộ Chó mèo Sài Gòn Time sẽ dời lên Di Linh (Lâm Đồng). Tôi và chồng đã chuẩn bị một khu đất 2.700 m2 để các bé có chỗ ở, vui chơi rộng rãi, không bị gò bó như hiện nay. |
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.