Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Chỉ dùng kính chắn giọt bắn không đủ để phòng lây nhiễm nCoV

Các chuyên gia cho rằng chỉ dùng kính chống giọt bắn khi tham gia chương trình truyền hình vẫn có nguy cơ lây nhiễm nCoV dù đã tiêm 2 mũi vaccine Covid-19.

Sau khi khởi động trạng thái bình thường mới, nhiều đơn vị đã bắt đầu ghi hình các chương trình, game show để đáp ứng việc phát sóng. Đại diện của một đơn vị sản xuất game show tại TP.HCM cho biết để chuẩn bị cho các buổi quay hình, nhân sự phải tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, xét nghiệm âm tính, thực hiện 5K. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, ê-kíp sản xuất phải giảm nhân sự đáng kể.

Tuy nhiên, qua quan sát ở đa số chương trình truyền hình, người tham gia chỉ đeo kính chắn giọt bắn, không sử dụng khẩu trang. Trong khi đó, các nghiên cứu mới nhất cho thấy chủng Delta của virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua không khí. Các chuyên gia y tế cho rằng đây là cách phòng dịch chưa đúng, có thể khiến dịch bệnh lây lan.

Không đủ để phòng ngừa lây nhiễm nCoV

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ở các chương trình truyền hình, người tham gia phải biểu hiện rõ biểu cảm, có thể vì vậy họ cần cởi bỏ khẩu trang. Khi có tấm màn kính, tỷ lệ giọt bắn đi vào đường hô hấp sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, những sản phẩm này không thể thay thế hoàn toàn các biện pháp phòng hộ khác. Khẩu trang y tế vẫn là phương tiện phòng hộ cá nhân hàng đầu giúp phòng tránh lây bệnh Covid-19.

Phong ngua lay nhiem nCoV truyen hinh anh 1

Thí sinh tham gia chương trình Rap Việt chỉ sử dụng kính chắn giọt bắn. Ảnh: BTC.

"Kính chắn chỉ phục vụ việc phòng tránh giọt bắn vào mắt, còn phần mũi và miệng không có gì bảo vệ. Đồng thời, chúng cũng không giúp giảm phát tán virus từ mũi, miệng bắn ra", bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cho biết.

Đồng quan điểm, TS.DS Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Cincinnati, Ohio, Mỹ, cho rằng người tham gia các chương trình trên truyền hình không dùng khẩu trang sẽ có nguy cơ lây nhiễm khá cao dù họ có dùng kính chắn giọt bắn. Bên cạnh đó, việc sử dụng kính chắn ở đây cũng không đúng mục đích.

"Mục đích của khẩu trang thứ nhất là ngăn ngừa dính virus (trong không khí) hoặc giọt bắn. Thứ hai là ngăn ngừa người bị bệnh hắt hơi, nói làm phát tán virus ra dưới dạng giọt bắn. Cuối cùng, khẩu trang giúp ngăn ngừa người bệnh làm bắn virus trên các bề mặt. Như vậy, kính chắn giọt bắn không đáp ứng tốt được cả 3 mục đích trên", TS Đức Hùng cho hay.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng có khuyến cáo mọi người không nên chỉ dựa vào tấm chắn giọt bắn vì chúng không đủ khả năng để bảo vệ. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra tấm che mặt bằng nhựa có khả năng bảo vệ kém hơn so với khẩu trang. Việc sử sụng kính chắn này chỉ giúp bạn bảo vệ đôi mắt và không chạm vào mặt.

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Mỹ, khẩu trang vẫn là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, sau đó mới tới kính chống giọt bắn vì virus chủ yếu lây qua đường hô hấp. Kính chắn giọt bắn chỉ giúp phòng ngừa như chính tên gọi của nó.

Bên cạnh đó, những người tham gia đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác. Dù ở họ, nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm đã giảm. Ý nghĩa của 2 mũi vaccine Covid-19 là giúp bản thân người được tiêm. Nếu không may nhiễm SARS-CoV-2, họ có thể gặp triệu chứng nhẹ và bệnh ít trở nặng. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Thái cũng cho rằng trên truyền hình nhưng việc phòng dịch còn thiếu sót sẽ ảnh hưởng đến công tác truyền thông trong chống dịch. "Các chương trình truyền hình chưa sáng tạo trong việc thích nghi với tình hình dịch. Trên truyền hình vẫn phải sử dụng các phương thức thể hiện cũ nên mới cần bỏ khẩu trang để lộ mặt.

"Giải pháp là cần xây dựng chương trình và cách thể hiện cho phù hợp tình hình dịch. Bên cạnh đó, bộ phận sản xuất cần sàng lọc người tham gia chương trình như tiêm đủ liều vaccine, test nhanh âm tính", vị chuyên gia này nói.

Kính chắn kết hợp khẩu trang là biện pháp tốt nhất

Các chuyên gia đều đồng tình sử dụng khẩu trang kết hợp kính chắn giọt bắn là biện pháp phòng ngừa lây nhiễm nCoV tốt nhất. Đơn vị sản xuất các chương trình truyền hình cần hướng dẫn người tham gia phòng dịch đúng cách và đầy đủ.

Việc này không chỉ bảo vệ an toàn cho người tham gia, chúng còn ảnh hưởng đến truyền thông trong phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước. Người dân có thể theo đó lạm dụng kính chắn, lơ là việc sử dụng khẩu trang và các biện pháp phòng ngừa khác.

Phong ngua lay nhiem nCoV truyen hinh anh 2

Sử dụng khẩu trang kết hợp kính chắn giọt bắn là biện pháp phòng ngừa lây nhiễm nCoV tốt nhất. Ảnh minh họa: Mylondon.

Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Đến, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, cũng cho hay trong y tế, các bác sĩ có sử dụng sản phẩm kính với màng chắn nhựa ở phía trước để ngăn dịch tiết từ bệnh nhân bắn lên khi phẫu thuật. Tuy nhiên, đây là những chiếc mũ được sản xuất với tiêu chuẩn riêng của ngành y. Những loại được bán tràn lan trên thị trường không rõ về tiêu chuẩn sản xuất cũng như nguồn gốc.

Bên cạnh đó, lạm dụng kính giọt bắn sẽ tạo ra cảm giác an toàn ảo khiến người dân chủ quan mà bỏ qua các bước phòng ngừa cơ bản. Do đó, chúng ta chỉ nên coi kính chắn giọt bắn là sản phẩm hỗ trợ thêm nếu được Bộ Y tế cấp giấy phép chứng nhận chất lượng. Người sử dụng cũng cần có các biện pháp khử khuẩn đúng cách khi tái sử dụng.

Ngoài ra, SARS-CoV-2 không chỉ lây qua giọt bắn trực tiếp từ nước bọt, bay trong không khí mà còn từ đường tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, gián tiếp chạm vào các đồ vật có nCoV. Do đó, người dân nên hạn chế tụ tập nơi đông người, khi có việc cần thiết phải ra ngoài cần đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dùng dung dịch sát khuẩn,...

Khỏi Covid-19, F0 có cần khám sức khỏe định kỳ? F0 có thể đi khám nếu triệu chứng kéo dài. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe sau khi khỏi Covid-19 chủ yếu là chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và lối sống lành mạnh.

Phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly ở Hà Nội

Hà Nội có 1.960 F0 đang được theo dõi và điều trị. Trong đó, 11 trường hợp phải thở oxy và 4 ca thở máy.

Dịch Covid-19

Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm