V. được bố mẹ lập di chúc để lại cho mảnh đất ở quê nhưng anh đã từ chối nhận di sản, có lập thành văn bản. Khi di chúc được lập xong, anh nghĩ lại và muốn nhận mảnh đất đó từ bố mẹ.
Người đàn ông này thắc mắc mình có được đổi ý sau khi đã từ chối nhận tài sản thừa kế trong trường hợp này?
Luật sư Diệp Năng Bình. Ảnh: Hoàng Linh. |
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật) cho biết từ chối nhận di sản là một trong những quyền của người thừa kế.
Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản trong trường hợp việc từ chối không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác như nghĩa vụ trả nợ, bồi thường thiệt hại hay cấp dưỡng.
Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản. Bên cạnh đó, việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Luật sư Bình cho biết BLDS 2015 không có quy định cho phép người thừa kế thay đổi ý chí sau khi đã làm thủ tục từ chối nhận di sản. Do đó, khi văn bản từ chối nhận di sản đáp ứng các điều kiện có hiệu lực thì người thừa kế không có quyền thay đổi ý chí của mình.
Ông Bình nhận định điều này là phù hợp nhằm đảm bảo tính thống nhất, ổn định của việc phân chia di sản cũng như xác định nghĩa vụ của những người nhận thừa kế.
Việc từ chối nhận di sản chỉ không có hiệu lực khi rơi vào một trong các trường hợp như không được lập thành văn bản, không tự do ý chí, không gửi văn bản tới những người liên quan hoặc thời điểm từ chối nhận di sản sau thời điểm phân chia di sản.
Trong trường hợp này, anh V. không được đổi ý khi việc từ chối nhận di sản đã được lập thành văn bản. V. chỉ có thể được nhận mảnh đất nếu bố mẹ anh sửa đổi, bổ sung nội dung vào di chúc đã lập hoặc thay thế di chúc đã lập bằng di chúc mới.