Một buổi sáng đầu năm, căn nhà cấp 4 của chị Đỗ Thị Ẩn (Bình Thuận) râm ran tiếng nói cười. Chị đón đoàn khách của GREENFEED Việt Nam đến thăm hỏi, trò chuyện để hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình. Trước đó, chị được hỗ trợ 20 triệu đồng qua chương trình Tiếp sức nhà nông để vực dậy kinh tế, có thêm thu nhập chăm sóc gia đình nhỏ.
Thiếu thốn sau đợt dịch kéo dài, chị Ẩn đắn đo mãi về dự định cải tạo, mở rộng chuồng trại, đầu tư hơn cho chăn nuôi. Vậy mà hôm ấy, đôi mắt người phụ nữ sáng ngời, ánh lên niềm hy vọng về cuộc sống mới. Chị Ẩn hào hứng chia sẻ, với số tiền được hỗ trợ, chị dự định sửa sang lại chuồng gà cho khang trang hơn, mua thêm vài chục con giống. Số còn lại, chị cân nhắc đầu tư thêm một con bò nhỏ. Cứ thế, bức tranh làm kinh tế dần hiện rõ trước mắt chị, gương mặt ngập tràn sự tự tin.
Chung niềm vui với chị Ẩn, gia đình chị Lê Thị Ngọc Thanh (Đồng Tháp) cũng nhận vốn hỗ trợ trong chương trình Tiếp sức nhà nông của GREENFEED. Chị Thanh cùng chồng sau đó đã quyết định cải thiện sinh kế bằng nghề nuôi ếch. May mắn, Đồng Tháp là địa phương đầu tiên được GREENFEED triển khai chương trình theo mô hình hỗ trợ nuôi trồng thuỷ hải sản nên vợ chồng chị lại có thêm động lực, nền tảng để bắt tay vào hành trình thay đổi mô hình kinh doanh.
Vốn là người không ngừng học hỏi, chị bắt đầu lên kế hoạch tìm hiểu và bổ sung kiến thức từ sách vở, Hội Nông dân xã cũng như các hộ có kinh nghiệm xung quanh. Chỉ về miếng đất đánh sẵn các ô để nuôi ếch, chị Thanh không giấu nổi niềm vui. Nghe cách người phụ nữ này chia sẻ, ai nấy đều cảm nhận được hy vọng về một tương lai tươi đẹp.
Cũng chọn nuôi ếch từ số vốn hỗ trợ của GREENFEED, chị Lê Thị Thắm (Đồng Tháp) cho biết bản thân chưa hề có kinh nghiệm trước đây. Thế nhưng chị quan niệm, mọi thứ đều có thể thực hiện, chỉ cần chịu khó học hỏi. Chị tự tin: “Điều quan trọng là phải dám làm, cố gắng, không biết ở đâu thì hỏi ở đó”.
Chị Thắm cũng tâm sự từng thử công việc ở nhiều nơi nhưng luôn muốn có cơ hội làm kinh tế tại nhà vì vừa mang lại cảm giác yên tâm, vừa có thể ở cạnh lo cho con cái, chăm sóc gia đình. Có lẽ vì vậy, số vốn hỗ trợ của GREEFEED lại càng ý nghĩa hơn với gia đình chị.
Chị Ẩn, chị Thanh, chị Thắm đều mang trong mình những câu chuyện và ước mong riêng về cuộc sống. Hai năm trước, chồng chị Ẩn mắc bệnh và qua đời, gánh nặng kinh tế gia đình từ ngày ấy đè lên vai người phụ nữ. Chị loay hoay làm đủ nghề nhằm đảm bảo cho các con được ăn học đầy đủ, dù khó khăn nhưng nhất định không để chúng đi làm thuê. Từ khi dịch ập đến, nguồn thu nhập trước đây không còn bởi chẳng ai thuê làm, gà cũng thiếu thức ăn mà mãi còi cọc.
Trong khi đó, chị Thanh cùng chồng phải gồng gánh nuôi hai con, đứa lớn đã vào đại học, đứa nhỏ vừa tốt nghiệp cấp 3. Còn chị Thắm gắn với nghề bán trái cây ven quốc lộ, thu nhập khá bấp bênh.
Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều có chung niềm lạc quan, quyết tâm vượt mọi khó khăn. Dù vất vả, những người phụ nữ ấy vẫn hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục, ai cũng gắng sức lo cho con ăn học, khuyến khích chúng vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Những mảng tường cũ dán kín giấy khen của con chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự quyết tâm và sức mạnh của họ, cũng là niềm tự hào, động lực lớn để hướng về tương lai.
Chưa dừng lại ở đó, trong giai đoạn thử thách của đại dịch, các chị còn chẳng ngần ngại san sẻ với cộng đồng. Vào thời điểm mọi người thiếu thực phẩm vì Covid-19, chị Thanh góp sức nấu từng bữa ăn nóng hổi cho đội ngũ chống dịch. Chị cùng nhân dân tỉnh và mặt trận huyện gom góp rau củ cho người dân. “Mình và gia đình còn khỏe mạnh là điều đáng quý nhất, ngoài kia còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn. Thấy mình giúp được gì, tôi đều sẵn sàng”, chị Thanh bộc bạch.
Hiểu được giá trị của sự sẻ chia nên chị Thanh trân trọng hơn khoản vốn GREENFEED hỗ trợ. Nhận sự kỳ vọng từ đội ngũ triển khai chương trình, chị khảng khái rằng: “Nhiều người hỏi sao không dùng tiền đó xây nhà, sắm sửa tươm tất. Thế nhưng, vợ chồng tôi nghĩ muốn ổn định cuộc sống về lâu về dài thì phải tự tìm tòi, học hỏi kiến thức. Tiền vốn quý lại càng phải đầu tư tốt để vừa phát triển kinh tế, vừa lo cho con học hành”.
Trong năm 2021, Tiếp sức nhà nông đã đến với 7 tỉnh thành gồm: Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Bình Thuận, Thanh Hóa, Ninh Bình. Qua đó, chương trình đã tổ chức 7 chương trình tập huấn kỹ năng chăn nuôi chuyên sâu và trao tặng vốn cho 280 hộ gia đình có hoàn khó khăn.
Đồng thời, Tiếp sức nhà nông cũng trở lại với Bến Tre, Bình Định, Hưng Yên và Hải Dương để tiến hành trao thưởng cho các chị em và gia đình làm ăn hiệu quả sau hỗ trợ. Theo thống kê, tỷ lệ hoàn vốn ở các tỉnh này đạt 95%, 88 hộ trong số đó đã thoát nghèo thành công. Tổng kinh phí cho các hoạt động lên đến 8,3 tỷ đồng.
12 năm, một chặng đường, hành trình Tiếp sức nhà nông trở nên thật ý nghĩa khi phần nào giúp gánh nặng trên vai hộ nông dân bớt nhọc nhằn, để niềm vui thường trực hơn và trẻ em hiếu học có thêm cơ hội đến trường. GREENFEED khẳng định hành trình này chắc chắn sẽ nối dài và tiếp tục gắn bó, đồng hành cùng người nông dân làm kinh tế, cải thiện cuộc sống cũng như góp phần lan toả niềm tin, năng lượng tích cực đến cộng đồng.
Được khởi xướng từ năm 2010, chương trình Tiếp Sức Nhà Nông do GREENFEED Việt Nam phối hợp thực hiện với mục tiêu cải thiện sinh kế cho các gia đình tại khu vực nông thôn, thông qua các hoạt động như trao vốn vay không lãi suất, hỗ trợ chi phí thức ăn chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trao học bổng cho con em các hộ gia đình tham gia có thành tích học tập tốt, trao thưởng cho hộ chăn nuôi hiệu quả.
Trải qua hành trình 12 năm, chương trình đã đồng hành cùng 2.420 hộ nông dân tại 21 tỉnh thành trên cả nước, với tổng kinh phí đến 68 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình hoàn vốn thành công sau hai năm đạt 93,96%.
Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ số vốn ban đầu, chương trình giúp chị em cập nhật, ứng dụng kiến thức chăn nuôi khoa học, bài bản để làm kinh tế hiệu quả, có lời, qua đó cải thiện kinh tế và đời sống gia đình.