Theo Bloomberg, các nhà sản xuất ôtô hàng đầu Nhật Bản đang phải vật lộn tìm cách tồn tại ở thị trường Trung Quốc và ở chiều hướng ngược lại, các hãng xe Trung Quốc cũng không thật sự phát triển quá mạnh mẽ tại Nhật Bản.
Nhật Bản từ lâu đã luôn được xem như một thị trường khó nhằn với các thương hiệu nước ngoài, chủ yếu bởi sự thống trị của 3 hãng xe nội địa bao gồm Toyota, Honda và Nissan.
Sự phổ biến của xe hybrid cũng đẩy nhóm xe thuần điện vào thế phải vật lộn để có được chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản, bất chấp sự chuyển dịch khỏi nhóm xe động cơ đốt trong đang diễn ra trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu.
Chuyên trang Bloomberg đánh giá đây là một trở ngại lớn mà BYD cần phải vượt qua nếu muốn đạt được tham vọng trở thành một hãng xe toàn cầu.
Trên thực tế, các số liệu cho thấy BYD đang đạt được những tiến triển ở mảng xe điện tại Nhật Bản, nhưng với tốc độ rất chậm.
Hồi tuần trước, BYD thông báo BYD Seal là dòng xe điện nhập khẩu bán chạy nhất Nhật Bản trong tháng 8. Cột mốc này là đáng để ăn mừng, nhưng số liệu chi tiết có thể gây ra những cơn đau đầu cho giới lãnh đạo BYD.
Tổng doanh số BYD Seal tại Nhật Bản trong tháng 8 là 196 xe. Con số này chỉ xấp xỉ số xe mà Toyota bán ra mỗi giờ cho khách hàng Nhật Bản. Hồi tháng 7, doanh số Toyota tại quê nhà đạt 140.000 xe, chỉ 166 trong số đó là ôtô thuần điện.
Tương tự ở Việt Nam hay nhiều thị trường toàn cầu khác, BYD đã trình làng 3 mẫu xe thuần điện đến khách hàng Nhật Bản kể từ khi đặt chân đến đảo quốc này cách đây hơn 2 năm.
BYD có kế hoạch giới thiệu các mẫu xe mới vào năm 2025 và 2026, đồng thời sẽ mở thêm 100 đại lý tại Nhật Bản vào năm sau.
Dù vậy, ông Tatsuo Yoshida - chuyên viên phân tích ôtô cao cấp của Bloomberg Intelligence - đánh giá rằng BYD đang không có đủ dữ liệu để khách hàng Nhật Bản tham khảo. Vị này giải thích khách hàng Nhật không biết đến thương hiệu, chất lượng, độ tin cậy hay giá trị thương hiệu BYD trên thị trường xe cũ.
Khách hàng tại Nhật Ban cũng không rõ liệu BYD có thể tồn tại đủ lâu để cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa dài hạn hay không, điều này sẽ khiến BYD khó đạt được mục tiêu kinh doanh ở đất nước mặt trời mọc.
“Nhưng nếu BYD thành công trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở Nhật Bản, nơi nổi tiếng với những khách hàng kén chọn, BYD sẽ có được uy tín đáng kể”, ông Tatsuo Yoshida nhấn mạnh.
Năm ngoái, BYD bán được hơn 3 triệu xe cho khách hàng toàn cầu, đang nhắm đến mục tiêu 4 triệu xe trong năm nay. Toyota ghi nhận doanh số 11,2 triệu xe trong năm 2023, bao gồm khoảng 104.000 ôtô thuần điện.
Xe điện bán chạy nhất Nhật Bản đang là Nissan Sakura, một mẫu kei-car thuần điện đã ghi nhận doanh số 34.000 xe trong năm tài chính 2023.
Tiến trình chấp nhận xe điện ở Nhật Bản là chậm hơn nhiều so với Trung Quốc, châu Âu hay Bắc Mỹ, một phần do tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc bên cạnh sự chậm trễ điện hóa của các nhà sản xuất ôtô lớn, đặc biệt là Toyota.
Điều này cũng là một phần nguyên nhân khiến các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản gặp khó ở Trung Quốc, nơi ôtô điện đang chiếm khoảng một phần ba doanh số xe mới.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.