Những biến động chính trị - xã hội trên thế giới tác động lớn đến sự ổn định tâm lý của nhiều Gen Z - những người đang mông lung tìm kiếm mục đích sống. Câu hỏi đặt ra là làm sao để chuẩn bị cho Gen Z hành trang bước vào tương lai từ khi còn trên ghế nhà trường?
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Gen Z dự kiến đóng góp 1/3 lực lượng lao động của Việt Nam trong năm 2025. Quan trọng như vậy, song đây lại là thế hệ thường xuyên đứng giữa “ngã 3 đường” trong bối cảnh thế giới VUCA (Volatility - biến động, Uncertainty - bất định, Complexity - phức tạp, Ambiguity - mơ hồ). Một trong những yếu tố dẫn đến điều này là việc thế giới của Gen Z ngày càng bé lại với nguồn thông tin, tri thức khổng lồ được tiếp cận dễ dàng, nhưng vô hình trung khiến họ choáng ngợp.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại khi hằng số duy nhất là “sự thay đổi”, tìm kiếm mục đích trở thành yếu tố quan trọng để Gen Z tiến vào tương lai. Thấu hiểu điều này và bám sát triết lý từ những ngày đầu thành lập, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) vẫn đang từng bước kiến tạo những “người tiên phong” mang trong mình “trái tim sư tử bản lĩnh”, thông qua việc trao cho sinh viên hành trang để tìm kiếm ước mơ, mục đích của riêng mình.
Không có khuôn mẫu cụ thể nào cho thành công của hàng nghìn sinh viên đã cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp của BUV. Thứ BUV trao đi hay trang bị cho mỗi người học là nền tảng được cấu thành từ phương pháp học tập tạo ảnh hưởng thực tiễn (Purpose-based Impact Learning - PIL). Đó là cơ sở để từng cá nhân tìm ra con đường riêng trước khi viết tiếp những ước mơ của đời mình.
Giáo sư Raymond Gordon - Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch BUV - chia sẻ: “Chúng tôi không áp đặt định nghĩa về mục đích, mà khuyến khích mỗi sinh viên tự xác định mục đích của mình, từ đó cùng hợp tác để tạo ra giá trị thực sự”.
Không rào cản và không giới hạn, sinh viên BUV tự tin đặt chân vào cả những vấn đề vĩ mô của xã hội đầy rẫy thách thức, để cùng trả lời các câu hỏi lớn của thời đại nhưng đồng thời cũng “đi tìm mình” với nỗi trăn trở: “Tôi có thể trở thành ai?”.
![]() ![]() |
Chị Trần Bích Phương - cựu sinh viên chương trình Quản trị Kinh doanh Quốc tế (IBM) tại BUV - là một người như vậy. Xuất phát điểm là sinh viên kinh tế với cơ hội gây dựng sự nghiệp tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp lớn tại Hà Nội, song chị vẫn quyết tâm rẽ ngang sang ngành y tế công cộng để theo đuổi đam mê theo cách đầy bản lĩnh.
Ngay từ những bước đi đầu tiên, chị Bích Phương đã nhận ra con đường mới bản thân chọn không và sẽ không trải đầy hoa hồng. Không biết bao nhiêu lần chị thất bại khi xin học bổng, phải đi làm thêm ở nhà hàng trong lúc thực tập không lương để trang trải cuộc sống. Đó là từng ấy lần chị cảm thấy nghi hoặc, mông lung.
Tuy nhiên, sau bao năm tháng ròng rã, “trái ngọt” đã đến với cựu sinh viên. Ở tuổi 31, chị Bích Phương chạm tay vào ước mơ khi trở thành học giả nghiên cứu sau tiến sĩ (PostDoc) về Kinh tế Y tế, Khoa Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu - Khoa học Sức khỏe Nuffield của Đại học Oxford danh giá, với thành tích gồm 21 nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học hàng đầu.
![]() ![]() |
Cũng sở hữu hành trang là tấm bằng cử nhân IBM tại BUV, nhưng Nguyễn Minh Thắng lại lấy hạt cà phê “tuần hoàn” làm bệ phóng để vươn ra thế giới. Với “dòng máu cà phê chảy trong huyết quản”, 9X chọn BUV là nơi trau dồi kiến thức quản trị kinh doanh để từ đó phát triển thương hiệu Minh Tiến Berest của gia đình.
Nhận ra cà phê Việt thường chỉ được xuất thô, không chỉ dẫn thương hiệu, chất lượng không đồng đều và phương pháp canh tác chưa tối ưu, Minh Thắng càng thêm kiên định với mục tiêu đưa đặc sản của quê hương vươn ra thế giới bằng thương hiệu Coffilia hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thời điểm cách đây 6 năm, việc lựa chọn một hướng đi mới với kinh nghiệm hạn chế và giới hạn về cơ sở vật chất không phải dễ dàng. Tuy nhiên, trách nhiệm với cộng đồng và tình yêu dành cho cà phê là yếu tố giúp cựu sinh viên BUV kiên trì theo đuổi ước mơ, sẵn sàng gạt mục tiêu doanh thu sang một bên ở giai đoạn đầu. Đến nay, Coffilia có 3 cửa hàng cà phê tại Hà Nội và một cửa hàng tại Kuwait, trong khi Minh Tiến Berest cũng sở hữu 3 nhà máy cùng một vùng trồng cà phê tại Lào, giúp Minh Thắng tiếp tục viết giấc mơ về hạt cà phê Việt bền vững.
Nền tảng giáo dục tại BUV nói chung và phương pháp PIL nói riêng đã nâng cao hiệu quả học tập bằng cách chạm đến giá trị cốt lõi của sinh viên. Câu chuyện của chị Bích Phương hay Minh Thắng là minh chứng rõ ràng cho lời khẳng định của GS. Raymond Gordon: “Sinh viên BUV không chỉ tập trung tiếp thu kiến thức, mà còn đặt câu hỏi ‘Làm thế nào để học được điều có ý nghĩa với mình?’, ‘Làm sao để biến kiến thức đó thành tác động thực tế và tạo giá trị cho cộng đồng?’. Quan trọng hơn, các em có thể tự hào về những gì mình đang làm, cảm nhận ý nghĩa thực sự từ chính hành trình học tập của bản thân”.
Điểm chung trong câu chuyện của những người trưởng thành từ cái nôi BUV, bên cạnh ý chí và bản lĩnh, là thành công của họ không mang tính cá nhân, mà phát triển song hành cùng xã hội, tạo giá trị cho cả cộng đồng. Điều này xuất phát từ chương trình Nâng cao Năng lực Cá nhân và Kỹ năng Xã hội (PSG) - một trong 3 mũi nhọn phát triển của trường, nền tảng tạo nên những “người tiên phong” mang trong mình kỹ năng lãnh đạo.
“Người tiên phong không đơn thuần là người dẫn đầu, mà phải có mục tiêu rõ ràng và tạo tác động thực tiễn. Thuật ngữ ‘người tiên phong’ (trailblazer) trong tiếng Anh đôi khi mang hàm ý rằng họ không ngừng tiến lên phía trước nhưng có thể vô tình làm tổn thương người khác trên hành trình của mình. Đó không phải cách tiếp cận của chúng tôi. BUV hướng tới việc phát triển những sinh viên không chỉ tiên phong trong tri thức, mà còn biết cách hợp tác để tạo giá trị thực sự, gắn kết mục tiêu và tác động tích cực đến xã hội”, GS. Raymond Gordon khẳng định.
![]() ![]() |
Chương trình PSG được thiết kế với 4 lĩnh vực cốt lõi: Hành trang công việc và sự nghiệp; kỹ năng lãnh đạo và kết nối; năng lực xã hội, văn hóa và cảm xúc; bổ trợ và nâng cao năng lực học tập.
Xuyên suốt hành trình phát triển tại BUV, sinh viên sẽ được cung cấp thông tin chi tiết và hướng dẫn, tư vấn để xây dựng lộ trình phát triển mang tính cá nhân hóa cao, điều chỉnh theo từng giai đoạn, bám sát với nhu cầu và định hướng riêng biệt; từ đó nhanh chóng tìm kiếm mục đích và kiên định với con đường phát triển của mình trong mọi hoàn cảnh.
Đó là câu chuyện của Nguyễn Thiện Quang - sinh viên năm 3 tại BUV, mắc khiếm khuyết hạn chế giao tiếp và vận động từ nhỏ do di chứng từ đẻ ngạt. Trong suốt hơn 20 năm cuộc đời, Thiện Quang chưa từng xem điều đó là bất lợi. Từ khi mới học lớp 8, chàng sinh viên Gen Z đã tự mày mò về lập trình với niềm tin công nghệ sẽ mở ra tiềm năng vô hạn, là cầu nối dẫn tới ước mơ. Chính khát khao ứng dụng công nghệ để hỗ trợ trẻ em Việt Nam gặp hoàn cảnh như mình đã giúp Thiện Quang thuyết phục ban giám khảo và trở thành quán quân học bổng toàn phần Đại sứ Vương quốc Anh của BUV 2022.
![]() ![]() |
Bản lĩnh của Thiện Quang được hun đúc để ngày càng kiên cường, vững vàng tại BUV với chuyên ngành Khoa học Máy tính. Ở tuổi 21, Gen Z sở hữu bảng thành tích đáng nể: Trưởng ban Học thuật Hội đồng Sinh viên BUV nhiệm kỳ 2023-2024; 4 lần nhận giải thưởng dành cho sinh viên có điểm số cao nhất theo từng kỳ học; giải Vàng cuộc thi “Global Startup Design Thinking Hackathon 2024” tại Hàn Quốc nhờ ý tưởng “SpeakEase” - ứng dụng sử dụng AI để hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp với phụ huynh.
Cũng hướng đến đối tượng trẻ em gặp khó khăn, nhưng Nguyễn Duyên Hà Vân - cựu sinh viên BUV đang theo học thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Sydney (Australia) - lại tạo giá trị cho cộng đồng thông qua lĩnh vực giáo dục. Lấy lời dặn của bố - “Học hành không bao giờ là con đường dễ dàng, nhưng chắc chắn là con đường ngắn nhất đến thành công” - làm kim chỉ nam, cô gái trẻ nuôi ước mơ cùng chị gái xây dựng một doanh nghiệp giáo dục tại quê nhà sau khi hoàn thành chương trình du học, đặt mục tiêu mang đến các sản phẩm, dịch vụ chất lượng và dễ tiếp cận với mọi người.
![]() ![]() |
“BUV không chỉ tồn tại vì chính mình, mà còn vì tương lai của Việt Nam” là lời khẳng định của GS. Raymond Gordon về sứ mệnh của ngôi trường được thành lập trong một dự án hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
“Ngôi trường của những trái tim sư tử bản lĩnh” (Home of the Lionhearted) đã vượt ra khỏi phạm vi một khẩu hiệu để trở thành giá trị cốt lõi BUV theo đuổi suốt nhiều năm qua. Từng thế hệ sinh viên tốt nghiệp là chừng đó cá nhân kiệt xuất mang tinh thần kiên cường cùng bản lĩnh vững vàng, hiện thực hóa năng lực và giá trị của bản thân thành những đóng góp cho cộng đồng, dựa trên nền tảng của sự quan tâm, thấu hiểu để hướng đến tương lai tươi sáng hơn.