![]() |
TS.BS Nguyễn Văn Lâm thăm khám cho trẻ mắc tay chân miệng. Ảnh: BVCC. |
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do các virus thuộc nhóm enterovirus gây ra. Trong đó, coxsackievirus A16 là tác nhân phổ biến nhất, thường gây bệnh nhẹ và tự khỏi sau 7 đến 10 ngày mà không để lại biến chứng.
Tuy nhiên, một chủng khác là enterovirus 71 (EV71) lại nguy hiểm hơn nhiều. Virus EV71 có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, viêm não, thậm chí không qua khỏi, đặc biệt trong đợt bùng phát dịch lớn.
Thời gian ủ bệnh, tức khoảng thời gian từ khi trẻ tiếp xúc với virus cho đến khi có triệu chứng thường kéo dài 3-7 ngày. Triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, kéo dài khoảng 24-48 giờ. Sau đó, trẻ có thể trở nên biếng ăn, đau họng, khó chịu.
Từ ngày thứ hai sau sốt, trong miệng trẻ bắt đầu xuất hiện những nốt mụn nước nhỏ, đỏ, chủ yếu ở lưỡi, lợi và mặt trong má, gây đau rát, có thể tiến triển thành vết loét. Cùng thời điểm đó, trẻ có thể nổi phát ban không ngứa, các nốt đỏ hoặc phồng rộp, tập trung nhiều nhất ở lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi ở mông hoặc vùng sinh dục.
"Điều đáng lưu ý là không phải trường hợp nào cũng có đầy đủ các triệu chứng. Một số trẻ chỉ có loét miệng hoặc chỉ nổi ban, thậm chí không có biểu hiện rõ ràng nhưng vẫn có thể lây bệnh", bác sĩ Lâm cho hay.
Theo bác sĩ Lâm, nguy cơ lây lan cao nhất trong tuần đầu tiên sau khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên, thời gian trẻ có khả năng lây nhiễm có thể kéo dài vài tuần, do virus tồn tại lâu trong phân.
Phụ huynh cần theo dõi sát triệu chứng của trẻ, đặc biệt khi có dấu hiệu sốt cao liên tục, nôn nhiều, giật mình, quấy khóc bất thường hoặc thở mệt, cần đưa bé đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Đồng thời, gia đình cũng cần nâng cao các biện pháp phòng bệnh: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.