Khi con quay trở lại trường, cha mẹ không chỉ cần chuẩn bị tâm lý, dụng cụ học tập mà cần đặc biệt chú ý đến dinh dưỡng để bé không thiếu hụt năng lượng.
Thành phố thức dậy bằng tiếng còi xe, tiếng rao vặt, tiếng trò chuyện khắp các ngõ ngách. Từ 6h sáng, dạo một vòng xung quanh khu phố bạn ở cũng thấy vô số hàng quán đông đúc. Nhiều phụ huynh tranh thủ dừng đỗ để mua cho con gói xôi, chiếc bánh mì buổi sáng.
Đây là thói quen của phần đông cha mẹ khi đưa trẻ đến trường. Nhưng chính chọn lựa này lại vô tình khiến con có thể bị thiếu hụt năng lượng, vi chất dinh dưỡng.
Chị Đỗ Thu Hiền (44 tuổi, Quảng Ninh) cho biết cách đây hơn 20 năm, bữa sáng trong gia đình không có nhiều lựa chọn. Bởi vậy, cha mẹ thường chuẩn bị bữa sáng như một khẩu phần chính trong ngày, cả nhà quây quần cùng nhau.
Qua thời gian, bữa sáng dần trở nên nhanh gọn và đa dạng hơn với rất nhiều lựa chọn như bún, phở, xôi, sữa, bánh mì. Mẹ có thể dễ dàng chuẩn bị hoặc mua ở ngoài hàng cho con. “Cháu gái tôi đang học lớp 2, bữa sáng trước khi đến trường thường là sữa hoặc bánh mì. Để chuẩn bị món ăn sáng cũng không còn cầu kỳ và mất thời gian như trước”, chị Hiền cho biết.
Có thể thấy, ngày nay, nhiều gia đình Việt ý thức được tầm quan trọng của bữa sáng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, không phải lúc nào phụ huynh cũng cung cấp cho con bữa sáng đầy đủ năng lượng. Tháng 3/2013, Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (gọi tắt là SEANUTS). Các con số cho thấy cứ 2 trẻ em Việt Nam thì có một bé bị thiếu hụt những dưỡng chất thiết yếu. Nghĩa là 50% trẻ em Việt không được bổ sung dưỡng chất đầy đủ.
Theo bà Susan Kevork, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tập đoàn Nestlé, hiện nay có hơn 2 tỷ người (hơn 30% dân số thế giới) bị thiếu hụt các vitamin và khoáng chất thiết yếu như sắt, vitamin A, i-ốt và kẽm. Ít nhất một nửa số trẻ em trên toàn thế giới từ 6 tháng đến 5 tuổi bị thiếu một hoặc nhiều vi chất dinh dưỡng.
Tại Trung tâm Tư vấn Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia - mỗi ngày PGS.TS.BS Lê Bạch Mai tiếp nhận trên 20 trường hợp trẻ em đến khám suy dinh dưỡng, nhẹ cân, lười ăn mà nguyên nhân chủ yếu là những sai lầm phổ biến của bố mẹ trong cách chăm con.
Dinh dưỡng nạp vào cơ thể quyết định 37% sự phát triển thể chất, chiều cao của trẻ hơn cả tính di truyền. Đặc biệt, trong những năm đầu đời, ở độ tuổi đến trường, trẻ cần được cung cấp đủ dinh dưỡng để phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Các dưỡng chất thiết yếu cần được bổ sung đầy đủ trong các khẩu phần ăn bao gồm protein, calcium, cholin, các vitamin và khoáng chất...
Theo Bộ Y tế, trẻ nam 6-7 tuổi cần 1.570 calo/ngày, ở độ tuổi 8-9 là 1.820 calo và 2.150 calo với trẻ 9-11 tuổi. Tương tự, nhu cầu dinh dưỡng với trẻ nữ ở 3 nhóm tuổi trên là 1.460 calo, 1.730 calo và 1.980 calo/ngày. Dù vậy, bữa sáng của trẻ em Việt chỉ cung cấp đủ 23% năng lượng cả ngày, theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Điều này có thể dễ dàng nhận thấy thông qua thói quen cho con ăn sáng nhanh gọn nhẹ của phụ huynh Việt Nam. Cuộc sống bận rộn thường khiến các bà mẹ có rất ít thời gian để chuẩn bị bữa ăn sáng chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Nếu lựa chọn đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán, bánh ngọt nhiều tinh bột, trẻ rất dễ no bụng nhưng không đủ chất, thậm chí gây béo phì.
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, bữa ăn gia đình mới chỉ cung cấp 84% năng lượng và 87% protein cho những hoạt động hàng ngày của trẻ. Đặc biệt tại vùng nông thôn, chất béo chỉ chiếm 6-8% khẩu phần ăn trên số chuẩn 20-50% .
Một số phụ huynh cho con ăn sáng theo sở thích mà không quan tâm nhiều đến khẩu phần dinh dưỡng trong những thực phẩm nạp vào cơ thể. Chị Vũ Thị Ngọc Khuyên (27 tuổi, quận Hà Đông) chia sẻ con gái thường không muốn ăn đồ mẹ chuẩn bị ở nhà hoặc thời gian buổi sáng không có nhiều nên chị thường để con tự mua đồ ăn trên đường đi học. Bỏ bữa sáng hoặc mất cân bằng dinh dưỡng khiến trẻ chậm phát triển, dễ mệt mỏi, khó tập trung khi học tập tại trường.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, thiếu Vitamin A ở giai đoạn sớm có thể bị quáng gà. Trong khi đó, không đủ sắt, da trẻ xanh xao, niêm mạc mắt mờ. Thiếu máu còn gây mệt mỏi, hay đau đầu và ngủ gật trong giờ học.
TS Lâm cũng tiết lộ khoảng 70% trẻ đến khám tư vấn ở Viện Dinh dưỡng thiếu vitamin D cấp hoặc mạn tính. Đặc biệt, thời gian gần đây, thiếu vitamin D ở trẻ còn liên quan đến một số bệnh ung thư, gia tăng mắc tiểu đường type 2.
Ngoài bữa sáng, thời điểm sau giờ ra chơi là lúc con cần được bổ sung năng lượng để duy trì trạng thái tỉnh táo, khỏe mạnh cho những giờ học tiếp theo.Tuy nhiên, theo TS.BS Lê Nguyễn Bảo Khanh (Viện Dinh dưỡng quốc gia), nhiều cha mẹ ý thức được việc con có thể không đủ dinh dưỡng với các bữa ăn tại lớp bán trú nhưng bổ sung chất bằng cách sai lầm. Đó chính là bù đắp quá mức khi trẻ về nhà. Các bà mẹ ép con ăn nhiều, tập trung vào các thức ăn giàu đạm hoặc cho con ăn theo sở thích như đồ ăn nhanh, thức uống có ga…Chính điều này đã khiến vấn đề thiếu cân bằng chất dinh dưỡng và béo phì ở trẻ trong độ tuổi đến trường gia tăng.
Thay vì cho con ăn thả ga theo sở thích không lành mạnh, cha mẹ nên bổ sung bữa ăn nhẹ sau giờ ra chơi cho con bằng những thức uống giàu năng lượng. Tạp chí Parents khuyến cáo phụ huynh nên bổ sung 2 bữa ăn nhẹ tối đa 200 calo/ngày để tránh hiện tượng trẻ mệt, đói sau khi vui chơi, học tập.
Hiện nay, các chuyên gia y tế, chính phủ đang cố gắng đưa ra nhiều chính sách, chương trình dinh dưỡng nhằm phát triển tiềm năng của trẻ nhỏ. Các bà mẹ cũng đang tìm cách đảm bảo con được cung cấp đủ chất mỗi ngày.
Tại các quốc gia trên thế giới, sau giờ ra chơi ở nhiều trường học, trẻ em thường bổ sung bữa ăn nhẹ bằng một ly sữa hoặc trái cây nhằm tăng cường vitamin, khoáng chất. Vì vậy, cha mẹ nên duy trì thói quen chuẩn bị bữa ăn nhẹ sau giờ ra chơi cho con bằng những thức uống giàu năng lượng.
![]() ![]() |
Ngoài ra, các gia đình cần trang bị kiến thức để tránh những sai lầm trong việc chăm sóc chế độ ăn cho bé. Đặc biệt, mẹ cần lưu ý bổ sung chất béo, rau xanh và vitamin trong khẩu phần ăn để con phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, trẻ em cần được rèn luyện thói quen luyện tập thể thao, ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc để tinh thần luôn sảng khoái, trạng thái cơ thể khỏe mạnh khi đến trường.
Bữa sáng và bữa ăn sau giờ ra chơi chính là hai thời điểm quan trọng mẹ cần lưu ý để bổ sung dưỡng chất cho con. Chế độ dinh dưỡng toàn diện và đầy đủ, phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của cơ thể sẽ giúp trẻ khai phá tối đa tiềm năng về thể chất lẫn trí tuệ. Hành trang đến trường cho con trong năm học mới không chỉ là tâm lý, kiến thức mà còn là những bữa ăn đủ chất. Đây chính là yếu tố giúp mẹ an tâm con sẽ phát triển toàn diện, khỏe mạnh.