Từ trải nghiệm của bản thân
Sang Úc du học từ năm đang học lớp 11, tốt nghiệp ngành marketing tại Đại học Monash, Hà Ngọc Anh trở về nước. Nhưng sau một thời gian làm việc, nhận thấy mình gặp một số trở ngại, anh nghỉ việc và quay trở lại Úc để học thêm.
Dù đã có nhiều kinh nghiệm ở xứ người nhưng lần trở lại này Ngọc Anh vẫn có chút băn khoăn khi vừa học, vừa phải lo kiếm việc làm để trang trải cuộc sống.
Ngọc Anh kể: "Khác với những lần trước, tôi quyết định chỉ cầm theo 500 USD. Dù hoàn toàn có khả năng mang nhiều tiền hơn nhưng tôi muốn làm vậy nhằm tự buộc mình vào hoàn cảnh khó khăn để trải nghiệm và kích hoạt năng lượng của bản thân".
Trong một lần đến cửa hàng điện thoại của Vodafone để đăng ký sử dụng dịch vụ trả góp của hãng này, rất tình cờ, vị giám đốc bắt chuyện với anh. Cuộc nói chuyện hợp ý đã đưa đến lời mời làm việc cho Vodafone, và anh nhận lời.
Trong suốt 2 năm vừa học vừa làm, anh là một trong 20 nhân viên kinh doanh làm việc hiệu quả nhất của Vodafone Úc, trở thành trợ lý giám đốc tại một chi nhánh lớn.
Quãng thời gian làm việc tại đây, Ngọc Anh đã tiếp xúc với nhiều du học sinh Việt Nam. Với trải nghiệm của bản thân, anh không khó nhận ra những khó khăn của họ khi mới sang xứ người. Mặc dù có sự hỗ trợ của nhà trường hoặc người thân đang định cư tại đây, nhưng không phải ai cũng có được khởi đầu trọn vẹn.
Ngọc Anh phân tích: "Từ khi chuẩn bị đến lúc lên đường du học, du học sinh vẫn chưa được hỗ trợ tối đa để hòa nhập với cuộc sống mới. Vai trò của các trung tâm tư vấn chỉ dừng lại ở hỗ trợ xin visa, đặt vé máy bay, làm thủ tục nhập trường và mọi thứ sẽ kết thúc khi du học sinh sang đến xứ người.
Đi từ sân bay về chỗ ở bằng phương tiện gì, chọn nơi ở, tìm hiểu đường sá nơi sinh sống, thủ tục ngân hàng, thiết bị liên lạc... đều do du học sinh tự giải quyết, nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Những công việc này tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập nên đôi khi phải tốn thêm không ít chi phí để thuê dịch vụ”.
Từng trải nghiệm những khó khăn đó, anh và một số bạn đã mở dịch vụ đón du học sinh mới sang từ sân bay về chỗ ở, hỗ trợ thuê nhà, mở tài khoản ngân hàng... Những việc này đã hình thành ý tưởng khởi nghiệp nơi chàng trai sinh năm 1991.
Muốn là "5% thành công"
Sau khi học xong, dù đang có công việc và mức lương rất tốt tại Vodafone, nhưng Ngọc Anh vẫn quyết định trở về Việt Nam, mang theo ý tưởng khởi nghiệp đang ấp ủ.
Với số tiền tích cóp được trong 2 năm đi làm, Ngọc Anh lập ra Công ty SLC (Student Life Care) chuyên cung cấp các dịch vụ chăm sóc tân du học sinh: mở tài khoản ngân hàng, tài khoản điện thoại, đưa đón tại sân bay, tìm nơi ở...
Khi du học sinh đặt chân đến sân bay, các tài khoản này sẽ được kích hoạt ngay lập tức với sự giúp đỡ của nhân viên SLC, tiện lợi và không mất nhiều thời gian. Với mối quan hệ khi làm việc tại Vodafone, Ngọc Anh đàm phán và SLC được thương hiệu này chọn làm đối tác.
Ngọc Anh cho biết, SLC muốn biến ngày đầu tiên của du học sinh tại xứ người trở thành một ngày du lịch để các bạn có được sự thoải mái, hứng khởi nhất trước khi bước vào học tập. Du học sinh được đón tiếp, đưa đi tham quan thành phố và dùng bữa trưa miễn phí trước khi đến chỗ ở.
Với mô hình khởi nghiệp mới mẻ, Ngọc Anh gặp khá nhiều thách thức, trong đó việc tạo dựng uy tín và thương hiệu là khó nhất. Làm sao để phụ huynh tin tưởng giao phó con em cho mình chăm sóc là điều không đơn giản.
Ngọc Anh nói: "Một số trường cũng có dịch vụ đưa đón sinh viên nhưng lại không có dịch vụ mở tài khoản, giá thuê trọ cao nên một thời gian sau hầu hết sinh viên phải chuyển chỗ ở. Du học sinh có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của bà con họ hàng định cư tại đây.
Tuy nhiên, nhiều người dù rất muốn giúp nhưng lại không có thời gian, chi phí phải bỏ ra cũng tương đương dịch vụ tôi cung cấp nên họ thuê luôn SLC cho tiện.
Tất cả nhân viên của SLC tại Úc đều đã và đang là sinh viên, họ hiểu rất rõ nhu cầu và đường đi nước bước khi du học nên rất đồng cảm và biết cách giúp đỡ đàn em đi sau, giá dịch vụ cũng rất "sinh viên". Mục đích của chúng tôi là để các trung tâm tư vấn trong nước, phụ huynh hiểu được SLC thật sự quan tâm đến du học sinh".
Qua nhiều năm, Úc nằm trong số 3 quốc gia có lượng du học sinh Việt Nam đông nhất, Ngọc Anh tin rằng đây sẽ là thị trường tiềm năng của SLC.
Không dừng lại ở việc hỗ trợ, Ngọc Anh từng bước hiện thực hóa tham vọng tổ chức chương trình Study Abroad Forum (SAF) - diễn đàn mở trực tiếp và thực tế giữa học sinh, sinh viên tại Việt Nam và du học sinh đã và đang du học tại các nước trên thế giới.
Sau hơn một năm hoạt động, SLC đã có 20 nhân viên, trong đó chỉ có 3 người ở Việt Nam làm nhiệm vụ tư vấn, số còn lại làm việc tại hai chi nhánh ở Melbourne và Sidney.
Ngọc Anh cho biết, với các doanh nghiệp khởi nghiệp, theo thống kê chỉ có 5% thành công ngay từ đầu. Chưa dám khẳng định mình đã thành công nhưng sau một năm hoạt động với nhiều tín hiệu tốt, chàng trai trẻ tin rằng sau hai, ba năm nữa, SLC sẽ nằm trong số 5% đó.