
![]() |
Hội Mỹ thuật TP.HCM trở nên sôi động dịp cuối tuần vừa qua nhờ sự xuất hiện của triển lãm Nghệ Thuật Hoang Dã - Thiên Nhiên Qua Mắt Một Họa Sĩ. Đây là buổi trưng bày các tác phẩm về động vật hoang dã thông qua con mắt và nét vẽ của họa sĩ Đào Văn Hoàng. Tại đây, công chúng bước vào hành trình cảm nhận vẻ đẹp, ký ức và linh hồn của thế giới tự nhiên. Ánh nhìn đầy suy tư của các loài linh trưởng, sự uyển chuyển của một con báo đang ẩn mình hay vẻ đẹp rực rỡ của những loài chim quý hiếm đều xuất hiện trong triển lãm. |
![]() |
Tranh của Đào Văn Hoàng chủ yếu khai thác chất liệu acrylic trên bố hoặc màu nước trên giấy. Đặc biệt, thế giới động vật được thể hiện từ góc nhìn ngang tầm, như thể đến từ một loài vật khác trong rừng, hiếm khi từ ánh mắt con người. Họa sĩ cho biết luôn bị cuốn hút bởi lớp da của muôn loài, bao gồm lông, vảy, lông vũ. Đó là những kết cấu sống động được nhào nặn qua hàng triệu năm tiến hóa. “Tôi muốn hiểu cấu trúc ấy vận hành ra sao, chuyển động thế nào. Càng quan sát, tôi càng khám phá. Càng vẽ, tôi càng đắm chìm vào từng chi tiết, từng đường nét, từng điều kỳ diệu nhỏ bé”, Đào Văn Hoàng chia sẻ. |
![]() |
Triển lãm không chỉ tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật, mà còn là cánh cửa mở để thảo luận về môi trường và đa dạng sinh học. Họa sĩ cho biết đã đồng hành cùng nhiều chuyến đi thực địa khoa học đến khắp các cánh rừng, sa mạc, đồng bằng trên thế giới. Đào Văn Hoàng thấy cơ bắp nhào cuộn dưới lớp lông, ánh sáng mơn trớn trên từng phiến lông vũ, các cơn gió đổi thay dáng hình của sự sống. “Thiên nhiên là một nghệ sĩ bậc thầy. Tôi chỉ là người lần theo nét cọ của nó”, nghệ sĩ nói. |
![]() |
Mỗi sinh vật trong tranh Đào Văn Hoàng đều được khắc họa với sự chính xác về mặt giải phẫu. Từ độ cong của một chiếc sừng, cấu trúc của bộ lông, cho đến đôi mắt của một loài linh trưởng, tất cả đều được nghiên cứu tỉ mỉ. Anh không chỉ vẽ con vật đang đứng yên, mà còn nắm bắt những khoảnh khắc đặc trưng trong hành vi của chúng. Đó là một con chim đang rỉa lông, một con vượn đang chuyền cành hay một con báo đang ẩn mình săn mồi. Chính những chi tiết này thổi sự sống vào các tác phẩm, khiến người xem cảm giác như đang thực sự đối diện với sinh vật đó trong môi trường tự nhiên. |
![]() |
Khi nhiều người nhận định tranh của Đào Văn Hoàng là hiện thực, họa sĩ cho biết điều này không sai. Tuy nhiên, tác phẩm của anh cũng không giống tranh minh họa khoa học với độ chính xác tuyệt đối. Điều nghệ sĩ tìm kiếm là sự thật trong cảm xúc, mong muốn truyền tải nỗi sợ, niềm vui và cảm giác của một sinh vật trong không gian sống của nó. |
![]() |
“Triển lãm này không nhằm mục đích thuyết phục ai đó bảo vệ thiên nhiên. Tôi đã có những cách khác để làm điều đó, qua sách tranh thiếu nhi, tranh tường, các chương trình giáo dục. Ở đây, tôi chỉ đơn giản chia sẻ những hình ảnh. Nhưng nếu ai đó nhìn, rồi cảm, rồi yêu, thì biết đâu, họ sẽ yêu luôn cả sinh vật được khắc họa trong tranh. Và khi ta yêu một điều gì, ta sẽ muốn giữ gìn nó”, Đào Văn Hoàng nói. |
![]() |
Là một nghệ sĩ tự học, Đào Văn Hoàng không ngừng trau dồi kỹ năng của mình. Họa sĩ dành nhiều thời gian để nghiên cứu giải phẫu, phối cảnh và minh họa khoa học qua sách vở. Ngoài ra, anh cũng coi việc điền dã, lặn lội vào những cánh rừng sâu hay các khu bảo tồn là một phần không thể thiếu của quá trình sáng tạo. Anh đồng hành cùng các nhà khoa học, nghiên cứu kỹ lưỡng về giải phẫu, hành vi và môi trường sống đặc thù của từng loài. Triển lãm Nghệ Thuật Hoang Dã - Thiên Nhiên Qua Mắt Một Họa Sĩ mở cửa từ 14-19/7 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (phường Xuân Hòa, TP.HCM). |
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.