1. Đặc sản đu đủ đâm xuất xứ từ đâu?
Món đu đủ đâm có nguồn gốc từ Campuchia, do người Khmer tạo ra. Đặc sản này được bán nhiều ở vùng Bảy Núi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Thành phần chính gồm đu đủ bào sợi, mắm ruốc, các loại rau, đậu đũa, cà rốt, ớt, đậu phộng. Thịt nướng, trứng vịt dữa, ba khía cũng thường được kết hợp. Người chế biến cho lần lượt các thành phần vào cối rồi đâm (dầm hoặc giã) đều tay sao cho không nát. Khách khi ăn dễ dàng cảm nhận sợi đu đủ giòn giòn, chút mằn mặn, thơm đặc trưng của mắm và hương vị chua cay lạ miệng. Ảnh: Dung_btb. |
2. Gỏi sầu đâu thường được kết hợp gì?
Sầu đâu là loại cây hoang dã, thường mọc nhiều ở vùng Bảy Núi, An Giang. Người địa phương thường sử dụng bông, lá non của cây sầu đâu cùng thịt ba chỉ, dưa leo, xoài, các loại rau... tạo món gỏi thanh mát, giải nhiệt ngày hè. Nước mắm me là linh hồn giúp hương vị món ăn thêm hài hòa, đậm đà. Gỏi sầu đâu ngon nhất khi ăn kèm với khô cá lóc bởi có độ ngọt tự nhiên, giúp vị đắng từ lá sầu đâu giảm rõ rệt. Ảnh: Hutaxuta.foodie. |
3. Cơm tấm nhuyễn gắn liền với địa danh nào ở An Giang?
Cơm tấm nhuyễn là món ăn nổi tiếng tại Long Xuyên. Hạt cơm nhỏ bằng một nửa loại bình thường, vì vậy cách thức nấu cũng phức tạp hơn để cơm không nhão. Cơm tấm Long Xuyên không ăn kèm sườn miếng mà kết hợp với thịt thái sợi, thêm bì, trứng kho được cắt mỏng, đồ chua, mỡ hành. Thực khách thưởng thức cơm cùng nước mắm chua ngọt, có nơi dùng nước kho thịt. Ảnh: Babanbanh. |
4. Món gà đốt lá chúc được bán nhiều ở khu vực nào?
Gà đốt lá chúc là hương vị cuốn hút thực khách ở hồ Ô Thum, huyện Tri Tôn (An Giang). Thịt gà sau khi sơ chế được tẩm ướp sả, ớt, tỏi, đường, muối, lá chúc. Lá chúc có vị the như lá chanh nhưng thơm nồng hơn, không bị đắng. Sau khi đốt chín, gà có mùi thơm đặc trưng của lá chúc và sả. Con gà được dọn ra có màu vàng đẹp mắt, ăn kèm rau sống, dưa leo, nước chấm. Ảnh: Foody.angiang. |
5. Món xôi nào nổi tiếng ở An Giang?
Chợ Mới là một huyện thuộc tỉnh An Giang. Địa điểm này thu hút thực khách với món xôi chiên phồng lạ mắt, lạ miệng. Nguyên liệu chính là hạt nếp dẻo thơm cùng đậu xanh. Xôi phồng chợ Mới có thể được chấm với tương ớt, xì dầu hoặc ăn không vẫn hấp dẫn, nhưng ngon hơn cả là thưởng thức cùng gà quay. Ảnh: V.i.d.a.k.a. |
6. Loại khô cá nào nổi tiếng ở Châu Đốc (An Giang)?
Nghề làm khô cá tra phồng ở Châu Đốc có từ lâu. Con cá tra được phơi khô, khi đem chiên lớp da cá phồng lên vừa ngon vừa giòn, vị béo, mùi thơm đặc biệt. Khô cá tra phồng ngon nhất khi ăn với cơm nóng hoặc cơm cháy mỡ hành. Đặc sản cũng được nhiều du khách mua về làm quà. Ảnh: Vuakhoquocdungag. |
7. Thương hiệu bún nào nổi danh ở An Giang?
Bún cá Châu Đốc là món ăn nổi tiếng tại miền Tây. Nước lèo được hòa cùng mắm ruốc cho dậy mùi. Cá lóc, thịt lợn quay, bông điên điển là các nguyên liệu góp phần tạo vị ngon đặc trưng cho món bún thanh mát này. Ảnh: Langthang.angiang. |