Tuổi chạm ngưỡng ngũ tuần, nhưng thay vì làm nội trợ hay ở nhà chăm sóc con cháu, cô Nguyễn Thị Tuấn đã có một quyết định táo bạo: Khởi nghiệp để gìn giữ nghề truyền thống của địa phương.
Mảnh đất Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) vốn nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống. Tại đây, câu chuyện khởi nghiệp cùng quạt giấy ở tuổi 50 của cô Nguyễn Thị Tuấn đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ địa phương tự tin vươn lên làm kinh tế.
Trước năm 2009, quạt giấy được bày bán nhiều ở các khu du lịch để làm quà lưu niệm cho du khách nhưng hầu hết đều nhập từ Trung Quốc với giá thành cao. Trong khi, những chiếc quạt giấy được sản xuất ở làng nghề thủ công rất đẹp, mang yếu tố truyền thống lại không đủ sức cạnh tranh. Ý tưởng đưa quạt giấy quê hương đến với nhiều du khách quốc tế nhen nhóm trong cô Tuấn từ đây, đơn giản, vì người phụ nữ 50 tuổi tin quạt làng Chàng tinh, đẹp và có thể làm sáng tạo hơn thế.
Cô Tuấn dành tình yêu đặc biệt cho những chiếc quạt. Không ít lần, cô chia sẻ ước mơ cùng con cháu mở cơ sở làm quạt giấy nhưng đều bị từ chối vì nếu làm vậy, các con cô sẽ phải gác lại việc làm nơi thành phố để trở về làng.
Ước mơ trì hoãn sau nhiều lần tỏ bày rồi tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ, bởi trong sâu thẳm, người phụ nữ ấy chưa bao giờ từ bỏ đam mê. “Sau khi các con lập gia đình riêng, tôi không muốn trở thành gánh nặng nên quyết tâm khởi nghiệp để được làm điều mình thích, lại có thể tự lo kinh tế cho gia đình. Gợi ý mà con cháu không làm nên ‘tức đời’ tôi tự khởi nghiệp luôn”, cô Tuấn vừa cười vừa nói.
Năm 2010, người phụ nữ Chàng Sơn quyết định mang những chiếc quạt do chính tay cô sản xuất đến gần hơn với nhiều người, bằng cách trưng bày tại phố đi bộ nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Cô Tuấn chia sẻ: “Tôi không nghĩ quạt nhà mình được nhiều khách trong và ngoài nước yêu thích đến thế. Họ trả giá cao, thậm chí sẵn sàng chờ cả tuần để có thể mua được quạt giấy làm quà tặng. Thế là tôi càng thêm tự tin vào con đường mình đã chọn”.
Một năm sau, thương hiệu Quạt Chàng Sơn cô ấp ủ bấy lâu chính thức ra đời. Cô Tuấn đặt mục tiêu hàng đầu là giữ nghề, sau đó tạo công ăn việc làm cho những phụ nữ khác ở địa phương, rồi cuối cùng mới quan tâm đến thu nhập.
Khởi nghiệp với số vốn chỉ 5-7 triệu đồng cùng một website do con trai lập cho, cô Tuấn tự tìm hiểu thị trường, khách hàng, đối tác tiềm năng và cải tiến sản phẩm. Người phụ nữ ấy không biết tiếng Anh, không thành thạo máy tính, nhưng sự tự tin và lòng nhiệt huyết thì có thừa.
“Người ta nói tôi là phụ nữ lớn tuổi, sức khỏe hạn chế, tiếng Anh hay máy tính đều không rành, không ở nhà giữ cháu cho các con lại còn bày đặt khởi nghiệp. Lúc đầu, tôi cũng hơi chạnh lòng, nhụt chí, cũng từng nghĩ hay thôi không làm nữa. Nhưng may mắn, tôi có các con động viên trong suốt quá trình khởi nghiệp. Khởi nghiệp muộn còn hơn không, nhỉ?”, cô Tuấn trải lòng.
Lấy sản phẩm chính là quạt giấy, nhưng cô Tuấn không theo cách làm truyền thống mà tìm cho mình hướng đi mới, đầu tư nhiều vào cải tiến sản phẩm. Những chiếc quạt thông thường vốn chỉ được biết đến với công dụng làm mát hay đôi khi là trang trí, qua bàn tay và ý tưởng sáng tạo của người phụ nữ 50 tuổi đã trở thành thiệp cưới, quà lưu niệm tại các sự kiện, tờ rơi giới thiệu hay thậm chí một phụ kiện thời trang…
Cải tiến một sản phẩm truyền thống, đã quen thuộc với nhiều người là cách làm sáng tạo nhưng cũng không kém phần liều lĩnh. Nhưng cũng nhờ sự táo bạo ấy mà những chiếc quạt đơn sơ được nâng lên một tầm cao mới.
“Quạt ngày xưa chỉ có vài nghìn đồng, nhưng quạt ngày nay đầu tư thiết kế và nâng cao chất lượng khung thì có thể lên đến vài chục nghìn đồng”, cô nở nụ cười, đáy mắt lấp lánh niềm tự hào. Mong muốn khởi nghiệp để được làm điều mình thích và tự lo kinh tế cho gia đình giờ hóa thành ước mơ vực dậy nghề truyền thống của địa phương. Hơn lúc nào hết, ước mơ ấy, niềm tin ấy càng trở nên mạnh mẽ.
Thế nhưng, quá trình khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng, với người phụ nữ tuổi toan về già, trước giờ công việc chỉ gắn liền với bảng đen, phấn trắng cùng chuyện đồng áng, khó khăn càng nhân lên gấp bội.
Lấy niềm tin làm động lực, lấy tình yêu với làng nghề để cản bước khó khăn, cô Tuấn lần lượt bước qua nhiều thử thách, khi là thành phẩm chưa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, lúc là những đơn hàng lớn nhưng không dám nhận do thiếu thốn nhân lực sản xuất… Với cô, tất cả đều là những bài học đáng giá để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và bước đường dài trên con đường đã chọn.
Suốt chặng đường kinh doanh, cô Tuấn mày mò, đầu tư máy móc để tự làm những việc nặng như chặt, chẻ nan tre,… nghiên cứu cách xử lý mùi, mốc và màu sắc cho nan tre, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất mới; hay tìm hiểu các chất liệu mới giúp rút ngắn thời gian phơi phóng… Những việc này tưởng như đơn giản với giới trẻ lại không mấy dễ dàng với một người lớn tuổi.
Khi hỏi về một kỷ niệm trong quá trình tự làm kinh tế, cô Tuấn vui vẻ kể về đơn hàng của mình được xuất khẩu đi Hàn Quốc. Khách hàng của cô là một phụ nữ Việt kiều, qua thông tin và ảnh trên mạng xã hội mà biết tới và đặt quạt của cô để mang sang Hàn Quốc bán. Những chiếc quạt Việt Nam được in thông tin, hình ảnh danh lam thắng cảnh trở thành món đồ lưu niệm được nhiều người đón nhận ở xứ sở kim chi.
Để một chiếc quạt được đưa ra nước ngoài, thông tin chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, thuế và các thủ tục giấy tờ khác cũng phức tạp hơn nhiều so với bán trong nước. Trong nụ cười của cô vẫn còn chút ái ngại: “Giá mà nhà cô có thể tự phân phối được ra nước ngoài thì còn tuyệt nữa”. Các đơn hàng xuất khẩu quạt giấy cũng có nhiều, nhưng làm sao để chủ động phân phối và bán lẻ thì vẫn là câu hỏi cô Tuấn đang tìm đáp án.
Ngoài sở hữu một doanh nghiệp quạt giấy, cô Tuấn còn tích cực tham gia các hoạt động địa phương, đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch Hội Thanh niên xung phong xã Chàng Sơn và Phó trưởng ban nữ công xã Chàng Sơn.
Bằng mô hình khởi nghiệp quạt giấy, cô đã giúp được 8-10 chị em trong địa phương tham gia học nghề. “Giúp được các chị em khác là thành công lớn nhất rồi. Phụ nữ nông thôn làm kinh tế khó khăn nhiều lắm, vì họ thiếu cả vốn và kiến thức. Tôi mới chỉ là người truyền cảm hứng, giúp họ biết những bước làm quạt cơ bản, chứ chưa thể đi cùng họ một con đường dài. Cùng xuất phát điểm như vậy nên tôi hiểu hơn ai hết, rằng họ cần sự đồng hành, hỗ trợ từ các tổ chức để tự tin làm kinh tế”, cô Tuấn đau đáu.
Theo cô Tuấn, thời gian khởi nghiệp của phụ nữ không phụ thuộc vào tuổi tác, nghề nghiệp hay địa bàn sinh sống, mà là khi họ cảm thấy sẵn sàng, có ý tưởng, đủ tự tin, lòng nhiệt huyết. Và nếu nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức doanh nghiệp, giống như chương trình Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế đã làm ở nhiều tỉnh thành trên cả nước thì khả năng thành công của họ còn lớn hơn nhiều.
“Dẫu biết phụ nữ làm kinh tế sẽ khó khăn hơn nam giới, thế nhưng nếu đã có đam mê và tự tin thì nhất định sẽ làm được. Tôi không nghĩ mình là một tấm gương, nhưng tôi 50 tuổi còn làm được thì các cháu trẻ có gì mà không làm được?”, cô Tuấn nói.
Cô Tuấn đã khởi nghiệp thành công ở tuổi 50. Sau 10 năm kiên trì, hành trình theo đuổi đam mê ấy vẫn chưa dừng lại, thành quả lớn nhất cô nhận được đó chính là sự thay đổi của bản thân, khi dám bước ra khỏi vùng an toàn, tin tưởng vào năng lực của chính mình để theo đuổi đam mê, tự chủ kinh tế và giúp đỡ thêm nhiều phụ nữ khác.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu Quạt Chàng Sơn ở tuổi 50 của cô cũng chính là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để những phụ nữ ở vùng nông thôn khác thêm tin tưởng vào sức mạnh bản thân, dũng cảm vượt qua mọi rào cản để làm kinh tế, tái khẳng định vị trí và vai trò của mình trong gia đình và xã hội.
Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Sunlight phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai, nhằm khuyến khích phụ nữ phát huy tiềm năng và mang đến cơ hội làm kinh tế cho phụ nữ nông thôn. Trong năm nay, chương trình có mặt tại 10 tỉnh - thành, hướng đến mục tiêu 2.000 phụ nữ được truyền cảm hứng, đào tạo kỹ năng kinh doanh và hỗ trợ vốn cho các dự án tiềm năng.