Những phần quà tặng không bán của nhà mốt danh giá tạo ra trào lưu trao đổi hàng giả. Ảnh minh hoạ: @linhtruong.ld. |
Ingrid Chua, phóng viên và blogger của Bag Hag Diaries, nhận thấy sự bất thường khi những món quà tặng dành cho VIP của các thương hiệu thời trang xa xỉ lại được bày bán tràn lan trên mạng xã hội.
Túi tote, khăn tắm, túi đựng mỹ phẩm vốn là những item không bán, chỉ dành riêng cho ngôi sao, người có sức ảnh hưởng hợp tác với nhãn hàng.
Sự nghi ngờ của Ingrid Chua dấy lên khi cô tìm thấy một tài khoản đăng bán hơn 20 item như vậy. Theo Chua, mỗi khách hàng thân thiết chỉ có thể nhận từ 1-2 món từ thương hiệu, khó sưu tầm đến 20 sản phẩm trong thời gian ngắn.
Hoạt động buôn bán, trao đổi quà tặng VIP do những người có sức ảnh hưởng (influencer) khởi xướng không chỉ "ngầm" thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng hàng hóa xa xỉ, mà còn mở đường cho hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường thứ cấp, theo Robb Report.
Những món quà VIP của các thương hiệu xa xỉ được nhiều cá nhân, đơn vị làm giả. Ảnh: Ingrid Chua. |
Khao khát nhận đãi ngộ đặc biệt
Bất bình với sự tràn lan của hàng hóa xa xỉ giả mạo, Ingrid Chua đóng giả khách hàng, nhắn tin hỏi mua những món quà VIP từ các tài khoản đáng ngờ.
Cô đặt những câu hỏi chi tiết nhằm “bóc trần” chiêu trò lừa đảo của nhóm đối tượng này, và nhận về hàng loạt lời đe doạ, cảnh cáo.
Tuy nhiên, cô không nản chí, tiếp tục thuê 3 nhiếp ảnh gia để phân tích hình ảnh sản phẩm được các tài khoản này đăng tải. Cả 3 đều khẳng định một số tấm hình là giả, được cắt ghép tinh vi.
Cuộc điều tra của Chua diễn ra trong bối cảnh các thương hiệu xa xỉ tập trung xây dựng, phát triển mối quan hệ với VIC (viết tắt của “Very Important Clients”) và dành sự đãi ngộ đặc biệt cho những người có sức ảnh hưởng.
Khách hàng thân thiết và ngôi sao là những người có cơ hội nhận được những món quà không bày bán tại cửa hàng hay website. Prada gửi tặng VIC những mẫu áo sơ mi phiên bản giới hạn như một món quà Giáng sinh. Trong khi đó, Chanel tặng khách hàng thân thiết những chiếc gối êm ái thay cho lời chúc mừng sinh nhật.
Chính sách đãi ngộ đặc biệt này tạo ra khao khát sở hữu những món hàng tặng không bán ở một bộ phận người tiêu dùng. Theo Gab Waller (California, Mỹ), một tín đồ của hàng hóa xa xỉ, cô mong muốn sở hữu chiếc áo phông dành tặng riêng cho khách hàng tham dự show thời trang tại Los Angeles (Mỹ) của nhà mốt Chanel.
Gab Waller may mắn khi có bạn thân nhận được món quà này và đồng ý bán lại. Người bạn cho biết đây là lần hiếm hoi cô đồng ý trao đổi quà tặng. Việc đưa ra một mức giá cho món hàng miễn phí khiến cô trăn trở.
Như vậy, Waller nhận thấy giá thành cho những phần quà VIP đều do người bán lại tự đặt ra, có thể đạt mức cao. Trong khi đó, người mua lại khó kiểm tra nguồn gốc rõ ràng.
Theo Delphine Sarfati-Sobreira, Giám đốc điều hành tổ chức chống hàng giả Union des Fabricants, 52% người tiêu dùng châu Âu ở độ tuổi từ 15-24 mua hàng hiệu nhái vào năm 2023.
“15 năm trước, những ngôi sao, khách hàng thân thiết nhận quà tặng VIP từ phía nhãn hàng thường giữ lại để sử dụng hoặc làm kỷ niệm. Tuy nhiên hiện nay, những người có sức ảnh hưởng thường bán lại các sản phẩm này, thúc đẩy nhu cầu của giới mộ điệu”, Delphine Sarfati-Sobreira chia sẻ.
Những phần quà tặng nhái được bày bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Ingrid Chua. |
Làm giả quà tặng dễ dàng hơn
Theo giáo sư Susan Scafidi, Viện trưởng Viện Thời trang phi lợi nhuận (Đại học Fordham, New York, Mỹ), sự xa xỉ hiện nay được thể hiện thông qua những đãi ngộ đặc biệt. Vì thế, một nhóm khách hàng bày tỏ sự khao khát đối với những món quà tặng mà họ không có được.
Susan Scafidi đánh giá việc làm giả những phần quà VIP này dễ dàng hơn nhiều so với các mặt hàng được bày bán. Cụ thể, logo được khắc tạc và chất liệu da là những đặc điểm phân biệt hàng thật - hàng nhái phổ biến. Tuy nhiên những món quà như áo phông, túi tote, ví nhựa chỉ sở hữu logo in ấn đơn giản, giúp hoạt động làm giả trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra, các website thúc đẩy hoạt động bán lại như TheRealReal hay Vinted cũng góp phần đẩy mạnh thị trường quà tặng VIP giả mạo. Nếu các cửa hàng truyền thống chỉ có thể bán cho một bộ phận nhỏ khách hàng, những nền tảng mua sắm trực tuyến nhân rộng phạm vi tiếp cận.
“Trên sàn thương mại điện tử, tất cả người dùng đều có quyền đăng tải hình ảnh sản phẩm và bán công khai. Việc mua sắm online đem lại rủi ro cao hơn”, Ingrid Chua nói.
Gần đây, đơn vị chuyên bán lại hàng thời trang xa xỉ What Goes Around Comes Around (New York, Mỹ) phải bồi thường thiệt hại 4 triệu USD cho Chanel sau khi bị kiện bán hàng giả. Đơn vị này chuyên phân phối những món quà VIP nhái trên các nền tảng mua sắm trực tuyến, trục lợi từ hoạt động kinh doanh này.
Phần lớn các nền tảng mua sắm trực tuyến từ chối trả lời về vấn đề này. Tuy nhiên, một số sàn thương mại đã ngừng bán quà tặng VIP của các thương hiệu xa xỉ. Vestiaire Collective tiên phong trong việc kiểm soát hàng giả, từ chối đăng tải hình ảnh về những món quà tặng không bán.
Theo Harriet Quick, nhà sáng lập đại lý cung cấp hàng xa xỉ Luminaire, các phần quà tặng VIP có ít giá trị sử dụng. Những người mua lại chỉ chụp hình, đăng tải lên trang cá nhân nhằm khoe khoang với những người theo dõi. Vì vậy, kiểm soát khao khát sở hữu những món đồ này là phương pháp chống hàng giả hiệu quả nhất.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.