Cũng như khi sử dụng ôtô chạy xăng hay dầu, người lái có thể rơi vào tình huống “cạn bình” đối với xe điện vì nhiều lý do, chẳng hạn quên sạc pin hay đi nhầm lộ trình không có trạm sạc.
Khác với khả năng tiếp nhiên liệu tạm thời để có thể tiếp tục di chuyển như xe hơi dùng động cơ đốt trong, có 2 giải pháp chính để xử lý tình huống ôtô điện hết pin trên đường.
Gọi dịch vụ sạc di động
Khi dung lượng pin không còn đủ để vận hành và chưa thể đến được trạm sạc, người lái có thể yêu cầu hỗ trợ từ các dịch vụ sạc xe điện di động.
Tại Mỹ và châu Âu, có nhiều công ty cung cấp dịch vụ sạc cho ôtô điện ở bất kỳ đâu bằng các xe kỹ thuật mang theo máy phát điện, cho tính cơ động cao và khả năng sạc nạp lại pin theo nhu cầu của người lái.
Tuy vậy, giải pháp dùng máy phát điện chạy bằng dầu để nạp năng lượng cho xe điện không được đánh giá cao khi thải ra môi trường khí CO2 và dòng sạc cũng không quá nhanh, khoảng 10 kW, khiến thời gian chờ đợi lâu.
Xe điện khi hết pin trên đường có thể được "giải cứu" bởi bộ sạc di động. Ảnh: RAC, SparkCharge. |
Cao cấp hơn, có những thiết bị sạc di động của xe điện được thiết kế giống như pin dự phòng dành cho điện thoại hay laptop. Đó là những bộ pin dung lượng cao có thể cung cấp dòng điện cường độ cao để hỗ trợ sạc nhanh.
Chẳng hạn, mỗi bộ sạc của công ty SparkCharge hoạt động ở Mỹ có công suất tối đa 20 kW và cho dung lượng hữu dụng 3.5 kWh. Với một cụm 4 bộ sạc này, một chiếc SUV điện như VinFast VF e34 với bộ pin 42 kWh có thể được nạp 1/3 điện năng và tiếp tục di chuyển được quãng đường khoảng 100 km.
Các bộ sạc di động cỡ nhỏ cũng có thể được sử dụng như một giải pháp để mở rộng phạm vi hoạt động của xe điện, hoặc dự phòng tình huống hết pin khi di chuyển đến nơi chưa có hệ thống trạm sạc.
Sử dụng xe cứu hộ
Nếu không thể tìm được dịch vụ sạc di động, phương án tiếp theo người lái phải cân nhắc là gọi xe cứu hộ để đưa ôtô đến nơi có trạm sạc, hoặc mang về sạc tại nhà và tiếp tục sử dụng sau đó.
Điểm cần lưu ý là việc dùng xe cứu hộ để vận chuyển xe điện so với ôtô truyền thống có sự khác biệt đáng kể.
Cần sử dụng các xe cứu hộ có sàn nâng để vận chuyển ôtô điện. Ảnh: Caranddriver. |
Với cấu tạo động cơ điện được bố trí trực tiếp ở bánh xe và hệ thống phanh được thiết kế có chức năng thu hồi năng lượng khi giảm tốc, các nhà sản xuất khuyến cáo không kéo xe điện bằng phương tiện khác để tránh gây hư hỏng.
Vì vậy, cách tốt nhất là gọi sự hỗ trợ của “xe thớt”, tức loại xe cứu hộ sàn phẳng có thể nâng hạ linh hoạt và mang cả chiếc ôtô điện đến nơi sạc mà không gây hư hỏng cho hệ thống điện.
Giải pháp thứ 2 là nâng hoàn toàn 4 bánh xe khỏi mặt đường bằng các con lăn và kéo, tương tự cách cứu hộ thường thấy với những mẫu ôtô có hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian.
Những lưu ý để hạn chế xe điện hết pin
Để tránh rơi vào tình cảnh “cạn bình” khi sử dụng ôtô điện, người lái có thể thực hiện một vài lưu ý sau.
Lên kế hoạch sạc điện phù hợp với nhu cầu di chuyển, chẳng hạn cắm sạc đầy pin qua đêm trước khi đi xa, hoặc sử dụng các trạm sạc ở bãi đỗ xe công cộng khi đi mua sắm, làm việc để luôn có đủ pin sử dụng.
Tính toán và lựa chọn lộ trình có trạm sạc nhanh hoặc siêu nhanh khi cần đi xa thông qua tính năng hệ thống hỗ trợ định vị, dẫn đường tích hợp tìm trạm sạc của xe.
VinFast VF e34 có chức năng hỗ trợ lên kế hoạch hành trình và định vị dẫn đường, tìm trạm sạc. Ảnh: VinFast. |
Sử dụng năng lượng của ôtô điện hợp lý để tối ưu phạm vi di chuyển, ví dụ mở điều hòa vừa đủ mát, tránh đỗ xe dưới trời nắng nóng làm hao hụt dung lượng pin...
Ngoài ra, các nhà sản xuất khuyến cáo nên hạn chế sử dụng đến dưới 10% dung lượng pin, góp phần tăng độ bền và hạn chế rủi ro khi đi trên đường.