Xu hướng dùng ứng dụng hẹn hò tìm kiếm cơ hội việc làm phản ánh thực trạng thị trường lao động khó khăn, buộc giới trẻ phải tìm đến những phương thức độc đáo để ứng phó hoàn cảnh. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Ứng dụng hẹn hò Tinder vốn quen thuộc với nhiều người trẻ bất ngờ trở thành một trong những nền tảng tìm việc được các cử nhân thất nghiệp ở Trung Quốc ưa chuộng.
Trong tình hình thị trường lao động khó khăn, giới trẻ buộc phải tìm đến những phương thức độc đáo để ứng phó hoàn cảnh, NBC News đưa tin.
Giới trẻ Trung Quốc "bẻ lái" Tinder thành ứng dụng tìm kiếm việc làm. Ảnh minh họa: Kelly/Pexels. |
"Quẹt phải" để tìm kiếm cơ hội
Sau khi nộp hơn 400 đơn xin việc trực tuyến nhưng không thành công, Jade Liang (26 tuổi), sinh viên cao học ở Thượng Hải, quyết định kích hoạt lại tài khoản Tinder của mình.
Trước đây, cô sử dụng ứng dụng này để tìm kiếm bạn đời, nhưng mục đích hiện tại đã chuyển sang kết nối và sắp xếp các buổi cà phê nói chuyện với những mối quan hệ liên quan đến công việc.
Liang cho biết cô luôn thẳng thắn về mục đích của mình khi bắt đầu trò chuyện trên ứng dụng và phản hồi từ "đầu dây" bên kia nhìn chung là tích cực.
Liang là một trong số nhiều người lao động ở Trung Quốc đang "lắt léo" trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm, do các phương thức truyền thống có mức cạnh tranh rất cao và việc tuyển nhân sự đang khan hiếm.
Thậm chí, một số người trưởng thành thất nghiệp chấp nhận làm "full-time children" (tạm dịch: làm con toàn thời gian) cho bố mẹ. Họ làm các công việc vặt trong nhà để đổi lấy hỗ trợ tài chính từ gia đình.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, đang phải vật lộn với vấn nạn thất nghiệp của thanh niên, tỷ lệ này đã đạt mức kỷ lục 21,3% vào tháng 6 năm ngoái.
Vào tháng 12, các quan chức Trung Quốc cho biết tỷ lệ thất nghiệp của những người 16-24 tuổi, không bao gồm sinh viên, là 14,9%.
Mức này cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp 8% trong cùng thời điểm của người Mỹ 15-24 tuổi, dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang.
Tinder là một trong số nhiều ứng dụng bị chặn ở Trung Quốc, nhưng mọi người vẫn có thể "lách luật" bằng cách sử dụng các mạng ảo (VPN) để truy cập. Ảnh minh họa: Donaukurier. |
Thị trường bão hoà vì suy thoái kinh tế
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở các quốc gia như Trung Quốc hay những quốc gia cũng đang phải đối mặt với các thách thức kinh tế khác, không phải là bất thường.
Tuy nhiên, theo Su Yue, chuyên gia kinh tế tại Đơn vị Tình báo Kinh tế (Economist Intelligence Unit) ở Thượng Hải, nhấn mạnh vấn đề nghiêm trọng của Trung Quốc vào thời điểm này, đó là áp lực của thế hệ lao động trẻ.
"Cùng một lúc, thanh niên phải đối mặt với tác động từ suy thoái kinh tế, ảnh hưởng của đại dịch và tình trạng đang dần phục hồi của nhiều ngành công nghiệp", bà nói.
Ý tưởng sử dụng Tinder lần đầu tiên đến với Liang khi cô nhìn thấy một bài đăng lan truyền trên app Xiaohongshu. Người dùng nói rằng cô ấy đã tìm được việc thành công bằng cách sử dụng một ứng dụng hẹn hò của Trung Quốc.
"Thông qua các ứng dụng hẹn hò, chúng tôi có thể tiếp cận nhiều người hơn. Thông thường, chúng tôi cần một khoảng thời gian để làm thân. Nhưng với các ứng dụng hẹn hò, chỉ trong vài giờ đi chơi cùng người lạ, bạn đã biết thêm được 'hàng tấn' thông tin cá nhân của họ", Liang chia sẻ.
Joy Geng, sinh viên mới tốt nghiệp tại một trường đại học ở Anh và hiện đang sống ở Bắc Kinh, cho biết mọi người "đổ xô" sang Tinder vì họ không còn quyền truy cập vào LinkedIn. Nền tảng tìm việc này đã bị chặn ở Trung Quốc vào năm 2021.
Mặc dù có thể truy cập LinkedIn bằng cách sử dụng VPN, Liang vẫn thử Tinder vì cô đã mất niềm tin với các nền tảng tìm việc truyền thống.
Bản thân ứng dụng Tinder không khuyến khích xu hướng này, bởi nền tảng được xây dựng nhằm mục đích thúc đẩy các mối quan hệ cá nhân, không phải mối quan hệ kinh doanh.
Tinder không được thiết kế như một nền tảng tìm việc chuyên nghiệp và nhà tuyển dụng có thể có cái nhìn không thiện cảm với những ứng viên tìm việc trên ứng dụng hẹn hò. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Góc nhìn tuyển dụng
Từ góc độ nhà tuyển dụng, Romy Liu, người từng làm việc cho công ty tuyển dụng cấp cao ở thành phố Hàng Châu (Trung Quốc), cho biết việc tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua Tinder thể hiện kỹ năng xã hội của ứng viên, đồng thời tạo được ấn tượng mạnh với người tuyển dụng.
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý đây là phương pháp kém hiệu quả hơn so với các hình thức tìm việc truyền thống, chỉ khả thi nếu ứng tuyển vào các công ty quốc tế hoặc công ty công nghệ lớn.
Ngoài ra, không phải tất cả các nhà tuyển dụng đều có thể nhìn nhận tích cực về cách tiếp cận của Tinder. Liu cho rằng đội ngũ tuyển dụng tại các doanh nghiệp nhà nước có thể có cái nhìn không thiện cảm với những ứng viên tìm việc qua ứng dụng hẹn hò.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.