![]() |
Ăn tiết canh là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh liên cầu lợn. Ảnh: OK Con Dê / Youtube. |
Bát tiết canh đỏ au, đĩa lòng lợn nóng hổi, vốn là những món khoái khẩu quen thuộc trong các bữa ăn, đã trở thành "cửa tử" với không ít người. Chỉ vài giờ sau bữa ăn tưởng chừng vô hại, họ lại rơi vào hôn mê sâu, toàn thân thâm tím vì xuất huyết dưới da, đối mặt với lằn ranh sinh tử. Với các bác sĩ hồi sức và truyền nhiễm, đây là những ca bệnh khiến họ ám ảnh, bởi diễn biến bệnh quá nhanh.
Tại xã Quỳnh An (huyện Quỳnh Phụ, Hưng Yên), 17 người cùng ăn sáng tại 3 quán có món tiết canh và lòng lợn. Chỉ vài tiếng sau, sáu người phải nhập viện với các triệu chứng nặng: sốt cao, tiêu chảy, chóng mặt, nôn mửa. Hai người trong số đó là ông T.V.D. (51 tuổi) và ông N.D.T. (55 tuổi), đã không qua khỏi, dù được cấp cứu tích cực.
Các bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân là sốc nhiễm khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis). Những bệnh nhân còn lại được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có trường hợp viêm màng não, xuất huyết dưới da.
Không chỉ miền Bắc, TP Huế cũng đang trở thành điểm nóng của bệnh này với ít nhất 33 ca liên cầu khuẩn lợn từ đầu năm đến nay. Riêng tháng 6 và đầu tháng 7, số ca tăng vọt, trong đó có bệnh nhân phát bệnh sau một bữa tiệc lòng lợn tại nhà.
Trước tình tình này, ngày 17/7, Bộ Y tế đã phát công văn khẩn yêu cầu tăng cường kiểm soát, ngăn chặn bệnh bùng phát.
Tỷ lệ không qua khỏi lên đến 20%
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết liên cầu khuẩn lợn ở người là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây từ lợn mang mầm bệnh sang người thông qua việc giết mổ, ăn tiết canh, thịt lợn tái hoặc sống.
Thậm chí, ở một số nhà hàng hiện nay, tiết lợn còn bị pha vào tiết dê, tiết vịt hay ngan để tạo màu và độ đặc. Vì thế, không ít người khẳng định họ chỉ ăn tiết canh dê hoặc tiết ngan, nhưng khi xét nghiệm thì vẫn cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn.
"Một số trường hợp khác dù không ăn tiết canh, không tham gia giết mổ vẫn bị mắc bệnh, nguyên nhân có thể đến từ việc chế biến thịt lợn nhiễm bệnh chưa được nấu chín kỹ hoặc tiếp xúc trực tiếp với thịt sống khi có vết xước, tổn thương ngoài da", PGS Cường nói.
Ông cho hay liên cầu lợn có thể gây 3 thể bệnh lâm sàng: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy theo cơ địa, thời gian ủ bệnh có thể chỉ vài giờ đến 4-5 ngày. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt cao, rét run, buồn nôn, nôn, tiêu chảy... rất dễ bị nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa hay ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, ở những ca nặng, người bệnh có thể rơi vào trạng thái lơ mơ, mê sảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da, cứng gáy, ù tai, điếc đột ngột, rối loạn đông máu, suy đa tạng, sốc nhiễm trùng và không qua khỏi nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
![]() |
Bệnh nhân ngưng tim vì liên cầu lợn. Ảnh: BVCC. |
Hiện nay, liên cầu khuẩn lợn vẫn còn nhạy với một số loại kháng sinh như ceftriaxone và vancomycin. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây tại Việt Nam ghi nhận hiện tượng tăng chỉ số MIC (nồng độ ức chế tối thiểu) với penicillin - loại kháng sinh điều trị phổ biến. Điều này cho thấy vi khuẩn có dấu hiệu kháng thuốc, gây khó khăn hơn trong phác đồ điều trị.
Tỷ lệ không qua khỏi trung bình do liên cầu khuẩn lợn tại Việt Nam dao động 5-20% tùy theo mức độ tổn thương, phản ứng sớm của người bệnh và năng lực xử trí tại tuyến bệnh viện.
Vị chuyên gia nhấn mạnh với những trường hợp được cứu sống, nguy cơ di chứng nặng vẫn rất cao, phổ biến nhất là điếc vĩnh viễn.
Tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hình ảnh những bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong tình trạng hôn mê, toàn thân thâm tím vì xuất huyết cũng vẫn còn là nỗi ám ảnh với các y bác sĩ.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết ông từng điều trị nhiều trường hợp mắc bệnh chỉ vì một bữa tiết canh. Có bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, lọc máu liên tục, dùng kháng sinh liều cao với chi phí điều trị lên đến hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Không ít gia đình vì vậy lâm vào cảnh kiệt quệ kinh tế.
"Thậm chí, sau khi vượt qua cửa tử, bệnh nhân vẫn phải sống với những di chứng nghiêm trọng như điếc, rối loạn thần kinh kéo dài, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội", bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
![]() ![]() |
Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong tình trạng hôn mê, toàn thân thâm tím vì xuất huyết. Ảnh: BVCC. |
Không có khái niệm "tiết canh, lòng lợn an toàn"
Điều đáng buồn là nhiều người dù biết nguy cơ nhưng vẫn giữ thói quen ăn uống nguy hiểm. Họ cho rằng tiết canh "lợn sạch", "lợn rừng" hoặc "nhà làm" sẽ an toàn, vô hại. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phúc, vi khuẩn liên cầu lợn có thể tồn tại ngay cả trong những con lợn khỏe mạnh về mặt biểu hiện, không có dấu hiệu bệnh lý.
Vi khuẩn này không gây hại cho lợn nhưng lại có thể gây bệnh nghiêm trọng ở người, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc đang mang bệnh nền.
Hiện tại, vẫn chưa có vaccine phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn và cũng chưa có bằng chứng cho thấy bệnh có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, vi khuẩn này có thể lây qua giọt bắn đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp qua vết thương hở hoặc qua đường tiêu hóa nếu ăn phải thịt nhiễm bệnh chưa được nấu chín kỹ.
Bác sĩ Phúc nhấn mạnh điều quan trọng nhất để phòng bệnh là thay đổi thói quen ăn uống và lựa chọn thực phẩm an toàn.
Người dân nên mua thịt lợn có kiểm định thú y rõ ràng, tránh thịt có màu sắc bất thường hoặc dấu hiệu phù nề, cần nấu chín kỹ trước khi ăn. Những người có vết thương ngoài da cần đeo găng tay khi chế biến thịt sống, giữ vệ sinh tay và dụng cụ bếp để tránh lây nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và chín.
Từ những chùm ca bệnh thực tế cho thấy, chúng ta không có khái niệm "tiết canh, lòng lợn an toàn". "Một bữa ăn không an toàn có thể đánh đổi bằng cả cuộc đời. Trong bối cảnh chưa có vaccine phòng bệnh, việc thay đổi thói quen ăn uống là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để ngăn ngừa hậu họa từ loại vi khuẩn nguy hiểm này", vị chuyên gia khuyến cáo.