Từng có thời gian làm bình luận viên "phủi" tại các trận cầu phong trào nhỏ lẻ, Minh Trí (40 tuổi, Bến Tre) nghe nói về lớp đào tạo bình luận viên chuyên nghiệp và đăng ký tham gia bất chấp khoảng cách hơn 100 km.
Một tuần ba lần, anh Trí dành 6 tiếng di chuyển từ quê nhà đến trung tâm ở TP.HCM học trực tiếp, rồi lại đi về lúc tối muộn.
"Lớp chỉ dạy trực tiếp, không dạy trực tuyến. Mình thích nên mình cứ theo thôi", anh nói.
Không như anh Trí, Minh Huyền (21 tuổi, TP.HCM) cho biết cô gặp không ít cái nhìn e dè từ gia đình và những người xung quanh với mong muốn trở thành bình luận viên bóng đá. Nhưng cô đã bị bất ngờ khi tham gia lớp học.
Mỗi người một khó
Khóa học của anh Trí kéo dài 3 tháng, chia ra 3 buổi/tuần. Mỗi buổi học bắt đầu vào lúc 17h30 và kết thúc lúc 20h30 tối, có hôm 21h mới xong.
Đều đặn hàng tuần, bất kể mưa nắng, khoảng 14h, anh Trí bắt xe từ Bến Tre lên TP.HCM để đi học. Sau khi học xong, anh bắt xe về lại Bến Tre. Hôm nào đi học, anh mất khoảng 6 tiếng di chuyển giữa nhà và địa điểm học. Cứ thế, anh Trí về đến nhà lúc gần nửa đêm.
"May mắn, gia đình không phản đối mình theo đuổi sở thích. Miễn là mình tự biết cách sắp xếp công việc, việc học đối với mình là chuyện nhỏ", anh cho biết.
Anh Minh Trí (ngoài cùng bên phải) đều đặn bắt xe từ Bến Tre lên TP.HCM để theo đuổi đam mê làm bình luận viên bóng đá. Ảnh: NVCC. |
Phản ứng từ trong lớp học của Minh Huyền trái ngược hoàn toàn với bên ngoài. Thầy và đồng môn của Huyền rất hào hứng với việc lớp học có các gương mặt nữ.
Minh Huyền gặp không ít cái nhìn e dè từ những người xung quanh khi theo đuổi đam mê làm bình luận viên bóng đá. Ảnh NVCC. |
"Hồi em mới vào lớp, mọi người khá ngạc nhiên vì lớp này 'nhiều nữ' quá...", Huyền cho hay.
Minh Huyền cho rằng cô học được nhiều điều sau hơn 2 tháng "ăn, ngủ, làm bài" cùng khóa học làm bình luận viên bóng đá. Theo cô, bình luận viên bên cạnh có hiểu biết rộng, kỹ năng nói linh hoạt, còn cần phải có đầu óc nhanh nhạy để vừa phải tập trung phân tích vừa phải duy trì không khí cho trận đấu. Người bình luận viên không chỉ phải làm tốt việc bình luận mà còn phải kiêm thêm vai trò của một cổ động viên cho cả 2 đội bóng.
"Bình luận viên vừa là cổ động viên của 2 đội, vừa là 'thánh soi' để phân tích tình huống bóng. Để đảm bảo sự công bằng khi bình luận, bình luận viên phải có sự chuẩn bị thông tin kỹ lưỡng, có hệ thống cho cả 2 đội bóng, đồng thời, tập trung quan sát để đọc đúng, phân tích khách quan và tinh thần thật 'nhiệt' để giúp khán giả giữ lửa trong những trận cầu 2-3 giờ sáng", Huyền cho hay.
Theo cô, tham gia lớp học ngoài việc rèn kiến thức và kỹ năng, cô còn có cơ hội được mở rộng mối quan hệ, gặp gỡ và thảo luận với các anh em có chung sở thích cũng như những gương mặt "cứng cựa" trong nghề.
Minh Huyền (áo đỏ) trong một chương trình bình luận bóng đá. Ảnh: NVCC. |
"Trong hơn mười tuần, mình đã được gặp những người trực tiếp tham gia vào chuyển động của bóng đá tại Việt Nam, quốc tế và rất nhiều bạn học là người đam mê với trái bóng tròn. Bên cạnh đó, mình cũng có cơ hội được thảo luận về bóng đá trên các chương trình truyền hình lớn", Huyền hào hứng kể.
Trăm hay không bằng miệng quen
Đồng quan điểm với Minh Huyền, anh Trần Duyên (31 tuổi, TP.HCM) cho rằng làm bình luận viên chuyên nghiệp khó hơn rất nhiều so với việc chỉ bình luận. Theo anh, để trở thành một bình luận viên chuyên nghiệp, một người cần rất nhiều thời gian và nỗ lực bên cạnh kiến thức và kỹ năng học được.
Chưa từng tiếp xúc với truyền hình, anh Trần Duyên giờ đây đã là bình luận viên bóng đá của một đài truyền hình cáp. Ảnh: NVCC. |
"Nghề này không quan trọng kiến thức bạn bao nhiêu mà quan trọng là bạn thực hành như thế nào, xử lý tình huống và bình luận ra sao để khiến khán giả thích thú với trận đấu", anh tâm sự.
Hàng ngày, vào mỗi lúc rảnh, anh sẽ mở các trận đấu được phát trên mạng, tắt âm thanh và tự bình luận bằng chất giọng của mình. Duy trì thói quen tự bình luận mỗi ngày không chỉ rèn khả năng bình luận mà còn giúp anh nâng cao khả năng phân tích, xử lý tình huống trên sân cỏ.
Sau khi tham gia khóa học, cả Minh Huyền và anh Trần Duyên đều đã xây dựng cho mình những mối quan hệ đáng quý và nhận được cơ hội việc làm phù hợp. Trong khi anh Duyên hiện là một bình luận viên chuyên nghiệp của một đài truyền hình cáp, Huyền cũng nhận được một số quan tâm và lời ngỏ cộng tác vị trí biên tập viên thể thao cho kênh truyền hình khi mới học năm 3 đại học.