Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Người trẻ TP.HCM ăn chay để chữa lành, 'giải nghiệp'

Sau khi được một người bạn xem chỉ tay và khuyên ăn chay để tránh vận xui, Phạm Nga (27 tuổi, TP.HCM) bắt đầu hành trình ăn chay từ đầu năm, mong "giải nghiệp".

Suốt nhiều năm qua, Phạm Nga (quận Tân Phú, TP.HCM) gặp nhiều trục trặc trong cuộc sống, gia đình và công việc. Cô cũng thường xuyên gặp ác mộng.

"Khi kể với một người bạn, người đó đã ngỏ lời xem chỉ tay cho tôi và khuyên tôi nên ăn chay để hóa giải phần nào nghiệp quả", cô chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Niềm tin đã thôi thúc Phạm Nga thay đổi thói quen ăn uống. Tuy nhiên, cô không theo đuổi lối sống chay trường hoàn toàn do cảm thấy mệt mỏi.

Thay vào đó, mỗi tháng, nhân viên văn phòng chia ra 10 ngày chay trường và 20 ngày chay "thường". Trong ngày chay thường, cô vẫn ăn hải sản và trứng để đảm bảo dinh dưỡng.

Ngày càng nhiều người trẻ tìm đến chế độ ăn chay như cách "thanh lọc" cơ thể và tâm trí, tìm về những giá trị sống thuần khiết và bình yên. Dù vậy, không phải ai cũng duy trì chế độ ăn này, do bị ảnh hưởng thói quen ăn uống trước đó và thiếu kiến thức về dinh dưỡng chay.

Muôn lý do chọn lối sống chay

Trước đây, Trần Châu (29 tuổi, quận 4, TP.HCM), chủ của tiệm spa làm đẹp, không bao giờ "có rau trong khẩu phần ăn". Nhưng cô cân nhắc ăn chay sau khi tiếp xúc với Phật pháp năm 2021.

Nguoi tre TP.HCM,  an chay chua lanh,  an chay giai nghiep,  an chay truong,  chay luoi giau dam,  an chay,  znews anh 1

Phạm Nga hy vọng việc ăn chay có thể giúp cô thấy được bình an trong tâm hồn. Ảnh: NVCC.

Cô cho biết giáo lý nhà Phật nhấn mạnh vào lòng từ bi và không làm hại chúng sinh. Việc ăn thịt động vật bị giết hại được xem là tiếp tay cho sự sát sinh.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang chế độ ăn chay không hề dễ dàng. Cô từng thử ăn chay vào buổi sáng, nhưng đến chiều, cô cảm thấy cơ thể run rẩy do không đủ năng lượng. Cô đành ăn chay xen kẽ với ăn mặn.

Một lần, Trần Châu hạ quyết tâm ăn chay trường trong 2-3 tháng đầu. Cô vẫn ăn những món mình thích như bún, phở, bánh canh... nhưng chỉ khi thực sự thèm, với tần suất 1-2 lần/tháng.

Suốt 3 năm qua, chủ tiệm spa đã duy trì thói quen ăn chay này. Từ chỗ phản đối bởi lo lắng cho sức khỏe của của Trần Châu, hiện gia đình và người thân bày tỏ sự ủng hộ tới cô. Những dịp tụ tập, mọi người chủ động đề xuất tới nhà hàng chay.

Cô cho biết lợi thế của việc ăn chay tại Việt Nam là nguồn rau củ phong phú, giá cả phải chăng và chất lượng món chay bình dân cũng hấp dẫn. Mặt khác, chủ tiệm spa nhận thấy việc ăn chay mang lại nhiều lợi ích cho làn da.

"Việc ăn chay nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng giúp da sáng, sạch, ít gặp tình trạng lên mụn, làn da trẻ hoá và hạn chế lượng dầu thừa", cô chia sẻ.

Nguoi tre TP.HCM,  an chay chua lanh,  an chay giai nghiep,  an chay truong,  chay luoi giau dam,  an chay,  znews anh 2

Thói quen ăn uống cũ và thiếu kiến thức về dinh dưỡng chay là những rào cản mà nhiều người trẻ gặp phải khi chuyển sang chế độ ăn này. Ảnh minh họa: @salatauae/IG.

Tương tự, Anh Thiên (29 tuổi, quận 1, TP.HCM) cũng tìm thấy những lợi ích bất ngờ từ việc ăn chay.

Tháng 6 năm ngoái, anh tham gia một khóa thiền Vipassana, trải nghiệm 12 ngày ăn chay trường, với 2 bữa sáng và trưa mỗi ngày. Những ngày đầu, anh thấy khó thích nghi. Trước giờ, anh chỉ ăn chay vào ngày rằm và mùng 1 Âm lịch do được đồng nghiệp rủ rê.

Nhưng khi kết thúc khóa thiền, Anh Thiên nhận thấy cơ thể mình có nhiều thay đổi tích cực như khỏe mạnh hơn, nhiều năng lượng, làn da sáng và tâm lý ổn định hơn. Một tháng tiếp theo, anh duy trì thói quen ăn chay. Để đảm bảo đủ năng lượng, Anh Thiên, người thường xuyên chơi cầu lông, chủ động bổ sung protein qua sữa, bơ đậu phộng, ngũ cốc và đậu.

"Việc ăn chay giúp tôi dễ dàng dậy sớm hơn, không còn bị uể oải, khó tiêu và ợ chua", chuyên viên bán hàng chia sẻ.

Duy trì lối sống chay không dễ dàng

Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng, Anh Thiên đã quay trở lại chế độ ăn mặn thông thường.

"Người thân ở quê thường xuyên gửi đồ ăn lên, chủ yếu là thịt các loại. Tôi phải chế biến những nguyên liệu tươi ngay trước khi chúng hỏng", anh nói. Chàng trai cũng chưa chia sẻ về lối sống chay với người thân vì sợ gia đình lo lắng.

Dẫu vậy, chuyên viên bán hàng vẫn nhận thức được lợi ích của việc ăn chay và không loại trừ khả năng sẽ quay trở lại chế độ ăn này trong tương lai. Việc nấu đồ chay giúp anh tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể so với việc nấu đồ mặn.

Về phần mình, Trần Châu từng có giai đoạn thường xuyên cảm thấy uể oải, buồn ngủ do không tìm hiểu kỹ về chế độ dinh dưỡng.

Để cải thiện tình trạng này, cô đã chủ động bổ sung các loại ngũ cốc, hạt vào thực đơn hàng ngày. Cô cũng đặc biệt lưu ý đến việc bổ sung sắt thông qua rong biển, củ dền... để tránh tình trạng thiếu máu, chóng mặt thường gặp ở phụ nữ ăn chay.

Dù vậy, cô vẫn hài lòng với lựa chọn ăn chay của mình.

Quán nhậu TP.HCM, Hà Nội đua nhau bán món chay

Nhiều nhà hàng đồ Tây, quán nhậu tại TP.HCM, Hà Nội bổ sung món chay vào menu để chiều thực khách, song không dễ dàng tăng doanh thu nhờ quyết định này.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức - ZNews, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm