Nhà tuyển dụng gửi lời mời làm việc với ứng viên, nhưng bất ngờ hủy vào phút chót không còn là sự cố hiếm gặp. Nhiều người chia sẻ tình huống tương tự của mình lên mạng xã hội, bày tỏ thái độ bất bình.
Ứng xử này của doanh nghiệp tác động tiêu cực đến người lao động, khiến họ cảm thấy lo lắng, căng thẳng và bất an về khả năng tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Fast Company đưa ra một số dấu hiệu về một nhà tuyển dụng có khả năng "bùng kèo", hủy bỏ lời mời làm việc một cách kém chuyên nghiệp.
Thời gian phỏng vấn không phù hợp
Nhiều ứng viên gặp phải trường hợp nhà tuyển dụng hẹn phỏng vấn ngoài giờ hành chính, hoặc yêu cầu họ phải có mặt ngay mà không có thời gian chuẩn bị trước.
Nếu ứng viên không thể sắp xếp, những nhà tuyển dụng này có thể "ngó lơ" và sau đó thông báo rằng không thể hợp tác ở thời điểm hiện tại.
Theo các nhà cố vấn nghề nghiệp, những "red flag" kể trên cho thấy công ty này có tỷ lệ nghỉ việc cao hoặc có văn hóa làm việc ngoài giờ bất chấp. Điều này cũng có nghĩa là họ ít quan tâm đến việc tìm được ứng viên phù hợp mà chỉ mong nhận ai đó vào làm càng sớm càng tốt.
Quy trình ứng tuyển mập mờ
Ứng viên cần được biết rõ về số lượng các vòng phỏng vấn cũng như quá trình tuyển dụng sẽ kéo dài trong bao lâu. Tuy nhiên, nhiều trường hợp ứng viên được hứa hẹn rằng họ sắp hoàn thành thì sau đó đột nhiên bị công ty "bùng" với các lý do nội bộ.
Vì vậy, nếu nhà tuyển dụng không rõ ràng từ đầu về vấn đề này, có thể họ đang không nghiêm túc về việc tìm kiếm ứng viên.
Đến muộn và không chuẩn bị chỉn chu
Không đến trễ vào ngày thi tuyển hoặc phỏng vấn, đó là kỳ vọng đối với cả ứng viên và nhà tuyển dụng.
Nếu nhà tuyển dụng xuất hiện trễ, nhưng chân thành nói lời xin lỗi và cung cấp lời giải thích thỏa đáng, đó có thể không phải là vấn đề lớn.
Tuy nhiên, nếu họ đến trễ, không có sự chuẩn bị nghiêm túc, thậm chí không xem qua trước CV ứng viên hay nhầm lẫn hồ sơ, tên gọi, đó lại là những dấu hiệu cho thấy sự thiếu tôn trọng, chuyên nghiệp. Thậm chí, khả năng cao họ không thực sự tìm kiếm nhân sự mới.
Ứng viên nên đặt thêm câu hỏi để đánh giá được những người quản lý tiềm năng. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels |
EQ hạn chế
Bà Annie Rosencrans, Giám đốc văn hóa doanh nghiệp tại nền tảng quản trị nhân sự HiBob (Mỹ), cho rằng khi trao đổi về vị trí công việc, ứng viên cần tìm hiểu chỉ số EQ (trí tuệ cảm xúc) của cấp quản lý công ty.
Đây là yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ chắc chắn của lời mời làm việc, nhưng thường bị mọi người bỏ qua.
Theo đó, bạn hãy trò chuyện với nhân viên tuyển dụng. Thông qua chia sẻ của họ, bạn sẽ phần nào biết được các ứng xử của cấp lãnh đạo. Một đội ngũ quản lý có EQ hạn chế là khi họ thiếu tương tác, chủ động trao quyền cho nhân viên một cách hợp lý.
Để nhận biết điều này, ứng viên có thể đặt một số câu hỏi như:
- Anh/chị đã làm ở công ty được bao lâu?
- Những chủ đề nào được thảo luận tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo công ty và nhân viên gần đây nhất?
- Anh/chị cảm thấy thế nào về trải nghiệm của nhân viên tại công ty?
Những thông tin mà nhân viên tuyển dụng chia sẻ có thể giúp bạn đánh giá về tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên hiện tại. Ngoài ra, câu trả lời xung quanh văn hóa công ty như chính sách nghỉ phép có lương và các đãi ngộ khác cũng sẽ cung cấp những hiểu biết quan trọng.