Trong năm 2021, Việt Nam có bước tiến lớn trên bản đồ ôtô nói chung và xe điện nói riêng ở khu vực Đông Nam Á khi VinFast VF e34 xuất xưởng và bán ra thị thị trường. Dù vậy, so với các thị trường khác như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển dành cho ôtô điện ở nước ta còn khá hạn chế.
Mới đây, Chính phủ vừa có bước đi đầu tiên khi ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP về lộ trình ưu đãi lệ phí trước bạ cho ôtô điện chạy pin trong 5 năm. Ngoài ra, ngày 12/1 vừa qua Quốc hội thông qua dự thảo giảm mức thuế thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ôtô điện chạy pin, cùng bắt đầu áp dụng từ ngày 1/3 tới đây.
Tác động đến người dùng và thị trường
Theo Nghị định 10/2022/NĐ-CP, ôtô điện chạy pin có mức nộp lệ phí trước bạ lần đầu là 0%, thời hạn áp dụng trong vòng 3 năm, bắt đầu từ tháng 3. Trong vòng 2 năm tiếp theo, tức từ ngày 1/3/2025, mức nộp lệ phí trước bạ lần đầu của xe điện được điều chỉnh thành 50% mức thu đối với ôtô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Những chính sách hỗ trợ dành cho xe điện nói chung cần được tiếp tục mở rộng và áp dụng ưu đãi mạnh mẽ hơn vì đây là xu hướng chung của thế giới.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Trước thời hạn quy định mới có hiệu lực, ôtô điện có mức thu lệ phí trước bạ 10-12% giá niêm yết, tương tự các dòng xe du lịch dùng động cơ đốt trong. Trong thời gian tới, chính sách ưu đãi mới giúp ôtô điện phần nào trở nên hấp dẫn hơn với người tiêu dùng khi chi phí đăng ký được giảm thiểu đáng kể.
Lấy ví dụ, dòng xe điện đầu tiên được bán chính hãng tại Việt Nam là Porsche Taycan có giá khởi điểm 4,76 tỷ đồng cho bản tiêu chuẩn khi ra biển số có thể tiết kiệm ít nhất 470-570 triệu đồng nhờ vào ưu đãi miễn phí trước bạ. Còn với model Taycan Turbo S có giá đề xuất từ 9,55 tỷ đồng, mức chênh lệch giữa giá lăn bánh trước và sau ngày 1/3 có thể lên đến cả tỷ đồng.
Người mua xe điện Porsche Taycan được hưởng lợi khá nhiều từ chính sách phí trước bạ 0%. Ảnh: Bối Hạ. |
Trong khi đó, như dòng xe điện vừa mở bán và dự kiến giao xe trong năm nay là VinFast VF 8 (1,057-1,237 tỷ đồng), số tiền người dùng được giảm trong chi phí đăng ký dao động 105-148 triệu đồng tùy theo địa phương. Từ đó, VF 8 ít nhiều tăng được khả năng cạnh tranh với 2 mẫu SUV 5 chỗ chạy xăng, dầu là Mazda CX-5 (839 triệu - 1,059 tỷ đồng) và Hyundai Tucson (825 triệu - 1,03 tỷ đồng).
Nhận xét về Nghị định mới vừa được ban hành, anh Thành Lê (Hà Nội), chủ nhân VinFast VF e34 nói: “Việc miễn lệ phí trước bạ sẽ làm giảm chi phí ra biển của một chiếc ôtô ở mức khoảng từ hơn 8% đến gần 11% so với trước đây, tùy vào cách tính của từng địa phương. Mức giảm này là một ưu đãi rất hấp dẫn đối với người tiêu dùng, nhất là khi giá xe phải gánh nhiều loại thuế phí như hiện nay”.
Xe điện VinFast VF e34 mới tới tay những khách hàng đầu tiên. Ảnh: Bối Hạ. |
Đồng ý kiến, anh Lê Tùng Anh (Hà Nội), một trong những khách hàng nhận mẫu xe điện VF e34 đợt đầu tiên cuối năm 2021 cho rằng chính sách ưu đãi mới cho xe điện quá tốt, phản ánh đúng quyết tâm thực hiện cam kết của Chính phủ ở Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu COP26 về hành động thúc đẩy phát triển tiêu dùng năng lượng xanh, sạch.
So sánh giữa giá xe xăng và xe điện, rõ ràng hiện tại xe điện đang nắm ưu thế đủ lớn để người tiêu dùng quyết tâm thay đổi thói quen, chuyển sang sử dụng một loại phương tiện giao thông mới, anh Tùng Anh nói thêm về tiềm năng của ôtô chạy pin tại Việt Nam.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ xe điện, nhiều người sử dụng ôtô vẫn gặp nhiều vướng mắc dù muốn thử nghiệm phương tiện này. Chị Thu Trang (TP.HCM) cho biết khu chung cư chị ở không có trạm sạc xe điện, vì vậy nếu mua xe chị sẽ phải phụ thuộc vào các trạm sạc công cộng và không chủ động trong việc di chuyển bằng phương tiện này. "Khu chung cư tôi ở chỉ có 20 slot đỗ ôtô, rất khó để có chỗ đỗ một chiếc xe điện", chị Trang nói.
Hệ thống pin trên xe điện Porsche Taycan. Ảnh: Phong Vân. |
Trong khi đó, dù giảm được đáng kể chi phí mua xe Porsche Taycan, chủ nhân của những chiếc xe này vẫn gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn di chuyển ra ngoài thành phố.
Trạm sạc ở nhà có thể cho phép sạc đầy pin nhanh nhất trong vòng 4 tiếng, tuy nhiên nếu đi tới nơi không có trạm sạc của Porsche và cần sử dụng hệ thống sạc mini, thời gian sạc lên tới vài chục tiếng, vì vậy việc di chuyển từ TP.HCM tới Vũng Tàu hay Đà Lạt cũng đã là rất khó khăn.
Porsche Việt Nam đang trong quá trình đàm phán để đặt các trạm sạc ở một số địa điểm ngoài TP.HCM, còn ở thời điểm hiện tại chủ xe phần lớn sẽ sử dụng Taycan loanh quanh trong thành phố.
Hạ tầng sử dụng xe điện được quan tâm
Bên cạnh các chính sách, quy định ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm vẫn còn đó những yếu tố khác được người dùng Việt Nam quan tâm, cân nhắc khi lựa chọn giữ xe điện và ôtô truyền thống.
Khi được hỏi về chính sách ưu đãi phí trước bạ cho ôtô điện, anh Mạnh Được (TP.HCM), người đang sở hữu một dòng xe hạng A cho rằng quy định này thực tế không quá hấp dẫn lắm trong bối cảnh vài năm qua nhiều hãng xe đã thường xuyên áp dụng chính sách khuyến mại tặng 100% phí trước bạ cho khách hàng mua ôtô dùng động cơ, xăng dầu.
“Nếu xe điện được hỗ trợ phí trước bạ, các hãng xe truyền thống cũng sẽ chủ động ưu đãi phần phí này cho người mua”, anh Được nhận xét.
Chia sẻ về khả năng chuyển đổi sang sử dụng ôtô chạy pin trong tương lai, anh Được nói chỉ lựa chọn xe điện khi hệ thống trạm sạc cũng như công nghệ pin đủ tốt, từ đó để xe điện có thể di chuyển tương đương hoặc nhiều hơn xe xăng. Ngoài ra, nhà sản xuất có thể hỗ trợ chi phí sạc điện vài năm đầu tại các điểm sạc công cộng hoặc lắp đặt bộ sạc tại nhà để thu hút khách hàng.
Hạ tầng trạm sạc trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển xe điện. Ảnh: VinFast. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng, người vừa bắt đầu sử dụng VinFast VF e34 cho rằng các dòng xe điện ngoài mức giá ưu đãi hấp dẫn có thể được người dùng Việt Nam chú trọng và cân nhắc nhiều hơn nhờ vào công nghệ mới, phạm vi vận hành đủ tốt, cộng với ưu điểm không phát thải ô nhiễm khí thải và tiếng ồn.
“Cùng với các chính sách thuế khác và các kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ xe điện trong thời gian tới, việc miễn hoàn toàn phí trước bạ sẽ là một cú hích mạnh mẽ giúp nhiều khách hàng mạnh dạn chuyển hướng từ xe động cơ đốt trong truyền thông sang các dòng xe chạy pin điện”, ông Thành Lê nói.
Chị Thu Trang cho biết sẽ chờ hạ tầng xe điện phát triển hơn để có thể cân nhắc sử dụng phương tiện này. "Nếu việc mở rộng trạm sạc tới các chung cư cũ khó khăn, tôi nghĩ cần có các bãi gửi xe dành riêng cho ôtô điện tại các thành phố lớn. Thời điểm này, tôi vẫn tin dùng xe chạy xăng", chị Trang nói.
Nên tiếp tục mở rộng đầu tư và phát triển cho xe điện
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính, cho rằng những chính sách hỗ trợ dành cho xe điện nói chung cần được tiếp tục mở rộng và áp dụng ưu đãi mạnh mẽ hơn vì đây là xu hướng chung của thế giới, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh bền vững tại Việt Nam.
Việc miễn, giảm lệ phí trước bạ hay thuế TTĐB là lần đầu chính sách ưu đãi cho xe điện được nghiên cứu và áp dụng tại Việt Nam, nên có thể xem đây là một động thái thí điểm, phạm vi còn hẹp và ít so với các quốc gia trên thế giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm.
Về lâu dài, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định các cơ quan chức năng sẽ cần nghiên cứu để ban hành thêm những quy định mới phù hợp với nền kinh tế Việt Nam và thông lệ quốc tế. Lấy ví dụ, ông Thịnh gợi ý các giải pháp ưu tiên như cho phép xe điện di chuyển vào làn đường hạn chế hay sử dụng miễn phí bãi đỗ xe để khuyến khích người dân sử dụng ôtô chạy pin.
Tại Việt Nam chưa có nhiều nhà máy sản xuất pin và lắp ráp xe điện. Ảnh: VinFast. |
Thực tế, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện chưa có đường hướng phát triển rõ ràng dành cho xe điện. Ưu đãi từ Nghị định 10/2022/NĐ-CP hay dự thảo mới của Quốc hội dừng ở mức kích cầu ban đầu, thay vì dàn trải đầu tư cơ sở hạ tầng và khuyến khích sản xuất xe điện dài hạn như tại Thái Lan hay Indonesia.
Chẳng hạn, Thái Lan kỳ vọng đến năm 2030 một nửa lượng xe điện trên thị trường được lắp ráp trong nước. Trong 5 năm kế tiếp, chính phủ đất nước chùa Vàng đặt có 6,4 triệu ôtô điện được sử dụng trên toàn quốc.
Đồng thời, Thái Lan cũng nhận được nhiều dự án đầu tư từ các hãng xe lớn để mở rộng dây chuyền lắp ráp ôtô điện cho khu vực Đông Nam Á. Hội đồng Đầu tư (BOI) của nước này đã phê duyệt hàng loạt kế hoạch sản xuất xe điện và xe hybrid với tổng giá trị 2,6 tỷ USD của nhiều tên tuổi như BMW, Mercedes-Benz, Toyota, Honda, Nissan…
Với Indonesia, kế hoạch là có 20% lượng phương tiện giao thông ở năm 2025 được điện hóa, bao gồm xe thuần điện xe hybrid và xe máy điện. Đất nước vạn đảo cũng bắt đầu tận dụng ưu thế tự nhiên về trữ lượng quặng niken lớn nhất thế giới để phát triển sản xuất pin xe điện. Nhiều dự án xây dựng cơ sở chế tạo pin của Toyota, LG Chem hay Tesla cũng được manh nha hình thành tại Indonesia.
Nhiều mẫu xe điện sẽ được ra mắt tại Malaysia trong năm 2022. Ảnh: Paultan. |
Tất nhiên, ngay cả ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan, câu chuyện về hạ tầng vẫn là rào cản lớn. Ở các nước này, người dân các thành phố lớn chủ yếu sống tại các chung cư, cao ốc, rất ít người có nhà mặt đất. Vì vậy, việc xây dựng hạ tầng, trạm sạc dành cho xe điện sẽ còn khó khăn hơn tại Việt Nam, khi mà số lượng ôtô lăn bánh nhiều hơn ở Việt Nam.
Nhìn chung, thị trường ôtô điện sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai tại nhiều quốc gia trên thế giới, như một xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp ôtô. Còn tốc độ phát triển sẽ tùy thuộc vào sự quyết tâm của từng quốc gia cũng như tốc độ thích ứng với phương tiện mới của người dân.