![]() |
Như trong bài viết trước mà Tri thức - Znews đã đề cập, không ít hãng xe Trung Quốc tỏ rõ sự thận trọng khi đặt chân vào thị trường Việt Nam.
Ra mắt xe trễ tính bằng tháng, bằng năm
Khi khách hàng Việt Nam mới chỉ bắt đầu biết đến ôtô BYD thông qua các buổi lái thử, hãng xe Trung Quốc đã trở thành thương hiệu xe điện bán chạy nhất Thái Lan trong năm 2023 dù chỉ vừa đặt chân đến xứ chùa vàng cách đó một năm.
BYD Atto 3, hay BYD Yuan Plus ở quê nhà, trở thành cái tên bán chạy nhất thị trường Thái Lan trong năm 2023 với tổng cộng 19.214 xe bàn giao thành công cho khách hàng. Ở thời điểm đó, BYD Atto 3 đã trải qua hơn một năm có mặt trên thị trường toàn cầu kể từ khi ra mắt lần đầu vào tháng 2/2022.
BYD Atto 3 cùng với BYD Dolphin, BYD Seal sau đó trở thành 3 xe điện đầu tiên được hãng xe Trung Quốc lựa chọn để xâm nhập thị trường Việt Nam.
Dù vẫn có không ít ưu điểm, người ta không thể phủ nhận thực tế rằng những mẫu BYD Atto 3 hay BYD Seal đến tay khách Việt từ tháng 7/2024 đã có phần “cũ kỹ” sau hơn 2 năm chinh phục khách hàng toàn cầu.
![]() ![]() |
BYD Atto 3 và BYD Seal đến Việt Nam khi bản nâng cấp đã rục rịch ra mắt tại các thị trường quốc tế. Ảnh: BYD Việt Nam. |
Omoda C5 cũng là một trường hợp tương tự. Mẫu SUV cỡ B được giới thiệu lần đầu tại triển lãm ôtô Thượng Hải 2021, bắt đầu sản xuất hàng loạt từ tháng 2/2022 và bán ra cho khách hàng Trung Quốc vào quý II cùng năm.
Đơn vị phân phối các thương hiệu Omoda và Jaecoo từng tổ chức một buổi lái thử C5 cho truyền thông Việt vào đầu năm 2024, thêm một buổi test drive khác vào tháng 8 cùng năm với kế hoạch sẽ ra mắt khách Việt trong ít tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, đơn vị phân phối đã trì hoãn màn ra mắt, tổ chức thêm các buổi lái thử, trưng bày khác cho Omoda C5 và Jaecoo J7 trước khi ra mắt 2 mẫu SUV này vào giai đoạn cuối năm ngoái, đầu năm nay.
Những toan tính thận trọng của Omoda gần như khiến C5 đánh mất "thời cơ vàng" để chinh phục thị trường Việt.
Trước khi Omoda C5 kịp ra mắt vào cuối năm ngoái, Mitsubishi Xforce đã xuất hiện từ tháng 3/2024, nhanh chóng trở thành mẫu xe bán chạy nhất phân khúc cùng với Toyota Yaris Cross - một "tân binh" khác trong phân khúc SUV cỡ B.
![]() |
Omoda từng tổ chức buổi lái thử C5 cho truyền thông Việt vào cuối năm 2023. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Hai xe điện của GAC Aion gồm ES và Y Plus cũng không phải là những mẫu xe quá mới mẻ khi ra mắt khách Việt. Sedan điện Aion ES được giới thiệu lần đầu vào năm 2021, cùng năm với mẫu crossover điện cỡ B+ Aion Y Plus.
Sự trì hoãn ra mắt bởi quá trình thăm dò quá kỹ lưỡng của Aion Việt Nam có thể xem là một trong những lý do khiến ES và Y Plus khá “lỗi thời” khi ra mắt khách Việt.
Còn với Geely Coolray, mẫu SUV cỡ B đầu tiên của thương hiệu Geely Auto ra mắt Việt Nam với diện mạo nguyên bản từ năm 2018. Ở các thị trường quốc tế khác, bao gồm quốc gia láng giềng Malaysia, Geely Coolray đã có bản nâng cấp giữa vòng đời hồi năm ngoái.
![]() ![]() |
Geely Coolray bản nâng cấp (ảnh trái) ra mắt năm 2024 và Geely Coolray phiên bản ở Việt Nam (ảnh phải). |
Dẫu vậy, việc Geely Coolray ở Việt Nam là dòng xe thế hệ cũ không hẳn là kết quả từ sự thận trọng quá mức.
Hãng xe Trung Quốc vào Việt Nam thông qua đối tác Tasco, đơn vị phân phối lớn hàng đầu với kinh nghiệm đủ nhiều, là lý do để tin rằng lựa chọn này nằm trong chiến lược đã được cân nhắc kỹ lưỡng cho màn chào sân sắp tới của Geely Auto và Coolray.
Có thể là chiến lược của xe Trung Quốc
Bằng cách đưa về Coolray đời cũ, Geely Việt Nam và Tasco có thể định ra một mức giá đủ hấp dẫn để thuyết phục khách Việt “xuống tiền”.
Đang xuất hiện nhiều đồn đoán cho rằng Geely Coolray sẽ có giá khởi điểm 530 triệu đồng. Nếu chính xác, “tân binh” Trung Quốc sẽ trở thành mẫu xe rẻ nhất phân khúc SUV cỡ B, dễ tiếp cận hơn cả mức giá khởi điểm 589 triệu đồng của Omoda C5 - một mẫu xe mới khác trong cùng nhóm SUV đô thị.
![]() ![]() |
Geely Coolray là mẫu xe đầu tiên của thương hiệu tại Việt Nam. Ảnh: Geely Việt Nam. |
Geely Việt Nam cũng tiết lộ ngay từ phiên bản cơ sở, Geely Coolray đã được trang bị đèn pha LED, hệ thống kiểm soát hành trình kèm tính năng giới hạn tốc độ và cảnh báo quá tốc độ.
Ở phiên bản cao nhất, Geely Coolray được bổ sung gói ADAS gồm nhiều tính năng như điều khiển đèn pha thông minh, hỗ trợ di chuyển khi tắc đường, hỗ trợ giữ làn đường, cảnh báo lệch làn đường…
Có thể thấy, kinh nghiệm của Tasco phần nào đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này của Geely Việt Nam.
Lịch sử lâu đời phân phối nhiều thương hiệu ôtô quốc tế tại Việt Nam thông qua hệ thống đại lý rộng lớn giúp Tasco hiểu rõ, rằng khách Việt về cơ bản vẫn còn cái nhìn chưa mấy thiện cảm với ôtô Trung Quốc. Trong trường hợp này, giá bán sẽ đóng vai trò quyết định để thuyết phục khách hàng, bên cạnh chất lượng xe, mức độ hiện đại của trang bị hay chất lượng dịch vụ hậu mãi.
Một trường hợp thành công đã được kiểm chứng tại Việt Nam là New MG5. Sở hữu dải sản phẩm khá đa dạng gồm MG5, MG HS, MG ZS, MG RX5 cùng giá bán tương đối dễ chịu nhưng phải đến khi New MG5 ra mắt, hãng xe thuộc tập đoàn SAIC Motor mới thực sự tạo được dấu ấn tại Việt Nam.
![]() ![]() |
New MG5 hút khách nhờ giá rẻ, bất chấp danh xưng ôtô Trung Quốc cùng loạt trang bị tương đối nghèo nàn. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Mang tên New MG5 nhưng mẫu xe này thực chất không phải là MG5 thế hệ mới. Ngoại hình có phần lỗi thời, trang bị không có gì nổi bật với duy nhất tùy chọn hộp số sàn, nhưng New MG5 đang được cho là xe Trung Quốc bán chạy nhất tại Việt Nam.
Thành tích này có được nhờ mức giá 399 triệu đồng, tương đương các dòng xe cỡ A như Hyundai Grand i10 (360-455 triệu đồng), Toyota Wigo (405 triệu đồng) hay Kia Morning (349-424 triệu đồng), dù New MG5 sở hữu kích thước được xếp vào nhóm sedan cỡ C.
Giá bán quá rẻ của New MG5 trở thành yếu tố có tính thuyết phục nhất khiến khách Việt xuống tiền, bất chấp nguồn gốc xe, thương hiệu hay trang bị mà mẫu xe này sở hữu.
|
GAC Aion ES có giá dễ tiếp cận so với mặt bằng phân khúc, nhưng dường như vẫn chưa đủ để thuyết phục khách Việt. Ảnh: Aion Việt Nam. |
Bỏ qua yếu tố chậm trễ vì thăm dò thị trường, có thể việc mang các mẫu xe không phải đời mới nhất hay đã ra mắt vài năm trên thế giới cũng như trong khu vực giúp cho các hãng xe Trung Quốc dễ dàng định giá thấp hơn và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Về phần khách hàng, việc chỉ được "sờ tận tay" những mẫu xe đã ra mắt khá lâu, dẫu giá rẻ cũng khiến không ít người có cảm giác xài "đồ cũ" từ các hãng xe Trung Quốc. Về lâu dài, đây cũng không phải là chiến lược xây dựng thương hiệu xe Trung Quốc mạnh và đáng tin cậy.
Do vậy, chiến lược này dễ trở thành con dao hai lưỡi khi có thể gây ra tác dụng ngược, ảnh hưởng đến tham vọng của các hãng xe Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.