Nhờ Threads, matcha lặp lại "cơn sốt" như năm 2020. Ảnh: Anna Pou/Pexels. |
Hồng Loan (26 tuổi, sống tại TP.HCM) bắt đầu pha matcha tại nhà từ giữa tháng 6. Cô sở hữu một chổi chasen, bát khuấy chawan, muỗng lấy bột trà chashuku và gác chổi chasen. Tổng chi phí cho bộ dụng cụ khoảng 3 triệu đồng.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Loan cho biết từng yêu thích cà phê hơn. Tuy nhiên, lượng caffein làm tăng nhịp tim, đôi khi đầu óc rơi vào trạng thái lâng lâng. Khi tìm kiếm một thức uống thay thế, cô nhanh chóng bị chinh phục bởi các công thức pha matcha miễn phí trên Threads.
"Cách pha matcha, nơi mua nguyên liệu được người dùng Threads chia sẻ chân thật với nhau từ kinh nghiệm của bản thân. Nhờ nền tảng này, từ một người không có khái niệm về matcha, tôi đã pha chế thành thạo và tìm ra công thức hợp vị", cô bày tỏ.
Học pha matcha từ Threads
Tính đến ngày 5/7, tròn một năm ra mắt toàn cầu, Threads đạt con số 175 triệu người dùng, phần đông là thế hệ Gen Z và Millennials. Không chỉ là nơi chia sẻ tâm sự, nền tảng này còn được xem là "cẩm nang ẩm thực cộng đồng", nơi nhiều người nêu cảm nhận về hàng quán hoặc đưa món ăn thành xu hướng.
Trong đó, trào lưu tự pha matcha cũng được chia sẻ rộng rãi trên Threads trong thời gian khá dài vừa qua, vẫn thịnh hành cho đến hiện tại.
Ngoài hưởng ứng trào lưu, Hồng Loan còn chọn matcha vì sức khỏe. Ảnh: Hồng Loan. |
Thời gian đầu, Hồng Loan không đo lường được lượng nước và bột trà, dẫn đến matcha đắng và không bong. "Lặn lội" tìm kiếm kinh nghiệm từ người dùng matcha nhiều năm trên Threads, cô được định hướng lại về cách đánh.
"Lượng nước chỉ dùng 60-70 ml cho 1-2 muỗng bột matcha. Nếu dùng với món có kết cấu dày như sữa hoặc món chứa sữa, matcha nên đánh lâu, từ tốn để tạo bọt mịn. Với món có kết cấu mỏng như nước trái cây, nước dừa nên đánh nhanh, mạnh để tránh bị đắng", cô cho biết.
Với Hồng Loan, pha matcha như một thú vui đầy tính nghệ thuật. Mỗi ngày, cô được tận hưởng các tầng hương của matcha, từ khứu giác lúc rây bột, whisk (kỹ thuật khuấy matcha) đến vị giác lúc ngụm matcha đầu tiên chạm vào lưỡi.
Sau gần một tháng tìm hiểu về matcha, Hồng Loan đúc kết được nguyên liệu và công thức ưng ý. Cô chọn uống koicha - dòng trà gấp đôi matcha - thay vì usucha (matcha cấp độ nghi lễ) đang phổ biến. Loại matcha Loan dùng là Kinrin của hãng Marukyu Koyamaen, mức giá khoảng 5.700 yen (tương đương 900.000 đồng). Đối với latte, cô cũng chuyển sang dùng sữa Meji hoặc sữa hạnh nhân Oatside.
"Koicha có vị đắng nổi bật, ít chát. Vị umami rõ và hậu ngọt kéo dài. Hai thương hiệu sữa kể trên cũng làm tăng vị thơm béo cho món uống. So với cà phê, matcha giúp tôi tỉnh táo làm việc, cơ thể không còn mệt mỏi", Loan nói.
Anh Phương say mê với matcha và văn hóa trà đạo Nhật Bản. Anh sưu tập nhiều bát chawan, từ gốm đến thủy tinh và các loại matcha khác nhau. Ảnh: Lê Anh Phương. |
Trái với Hồng Loan, Lê Anh Phương (31 tuổi, sống tại Hà Nội) lại ưa chuộng dòng matcha ceremonial grade dành cho nghi thức trà đạo. Bộ dụng cụ pha chế của Phương gồm bát khuấy chawan, ấm gang để đun ngọt nước, muỗng lấy bột bằng tre, màn lọc và chổi shin chasen.
Loại chổi này đến từ vùng Takayama - nơi làm chasen truyền thống của Nhật Bản. Phần đầu không uốn cong, cấu trúc gồm 70 sợi và chuyên đánh các loại matcha phân khúc cao.
Hai năm trước, Anh Phương biết đến matcha qua một video về Nhật Bản. Thời gian gần đây, xu hướng uống matcha được nhiều người trẻ hưởng ứng, anh cũng bắt đầu mua nguyên liệu và tham khảo công thức, hướng dẫn pha matcha từ các bài đăng trên Threads.
"Hiện tôi có hơn 6 loại matcha từ các vườn khác nhau. Một số loại được gợi ý từ những người dùng trước trên Threads. Tôi đặt matcha trực tiếp từ Nhật hoặc mua hàng xách tay về. Loại ngon nhất đến từ thương hiệu Ippodo với vị ngậy béo và thanh nhẹ. Tuỳ theo sở thích của mỗi người, nhưng tôi hay pha usucha ăn kèm với wagashi (bánh đậu trắng) tự làm", Phương bộc bạch.
Từ món lẻ thành món chính trong menu
Năm 2020, matcha bắt đầu nổi lên, dần chiếm lĩnh thị trường đồ uống tại Việt Nam. Đến hiện tại, món uống này tiếp tục lên xu hướng nhờ những người trẻ.
Việc chuyển hướng từ cà phê, trà sữa sang matcha phản ánh ý thức ngày càng cao về sức khỏe. Số liệu từ cuộc khảo sát năm 2023 của Herbalife cho thấy 83% người Việt ưu tiên sức khỏe từ sau dịch Covid-19.
Ngoài tự pha tại nhà, họ còn tích cực tìm kiếm, giới thiệu cho nhau nơi bán matcha chất lượng trên Threads. Nắm bắt nhu cầu, các quán nhanh chóng thêm matcha vào menu, liên tục sáng tạo và đổi mới để trở nên nổi bật giữa nhiều cái tên cùng phân khúc.
Matcha là món uống có mặt trong menu của nhiều quán cà phê. Ảnh: In Nờ Corner. |
Chủ quán bánh và cà phê Witch (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết menu 6 món về matcha vừa được ra mắt cách đây vài tuần, khi những vị khách ghé quán liên tục hỏi và đề xuất mở rộng món. Trước đây, quán chỉ bán đúng một món matcha.
"Quán sử dụng matcha Uji có hương hoa và đậu, đánh bằng chổi chasen đủ một phút với nước ấm để tạo bọt đặc, không lợn cợn. Mỗi món kết hợp với nền nước khác nhau. Chẳng hạn như matcha với dừa dứa, matcha với bánh champagne hay sữa matcha với bọt kem đánh lạnh vị hoa hồng", chủ quán này nói.
Ngoài ra, một số món matcha theo mùa trong menu cũng góp phần thu hút khách hàng bởi sự mới lạ, không trùng lặp. Trong 2 tuần, quán bán ra hơn 100 ly matcha. Doanh số trong tháng qua tăng đáng kể so với tháng trước.
Tương tự, In Nờ Corner nằm trong chung cư Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM) cũng chứng kiến nhiều vị khách trẻ đến thưởng thức matcha trong những ngày qua.
Theo Phương Thảo, chủ quán, matcha là món chính trong menu. Hiện quán sở hữu khoảng 4-5 loại matcha ceremonial grade (cấp độ nghi lễ) nhập từ các nhà vườn nổi tiếng ở Nhật Bản.
In Nờ Corner sử dụng các dòng matcha cao cấp như Aoarashi, Isuzu, Wako, Yugen... để mang đến trải nghiệm khác biệt, dù khách hàng ghé quán bao nhiêu lần. Ảnh: In Nờ Corner. |
"Mỗi loại matcha được sử dụng riêng cho từng món, nhằm khai thác tối đa đặc điểm của từng loại, mang đến hương vị riêng. Nếu sử dụng một loại matcha cho toàn menu, các món khó phân biệt vị, sức hấp dẫn cũng giảm", cô chia sẻ.
Matcha vụ xuân có vị umami vừa, hậu ngọt và không đắng. Dải hương hoa nhẹ nhàng, có chút ngậy bùi của ngũ cốc. Loại matcha này thường pha latte hoặc kết hợp với nước có gas, chanh vàng. Đây cũng là món bán chạy nhất tại In Nờ Corner.
Matcha vụ hạ có umami vừa, ngọt đậm và không đắng. Thơm hương cỏ và cốm non, thích hợp pha usucha để tôn lên những nốt hương sáng. Nếu thích vị ngọt, có thể kết hợp matcha với mật hoa dừa hoặc nước hoa dừa.
Matcha vụ đông là loại chất lượng cao nhất, umami đậm dày, hương tảo biển, macca và chocolate trắng rõ nét. Loại matcha này pha koicha, usucha hay uống cùng sữa đều phù hợp.
"Matcha là xu hướng tất yếu, được nhiều người dùng mỗi ngày. Hiện nay, khách hàng bắt đầu biết nhiều hơn về hương và vị trong matcha. Để tăng trải nghiệm, tránh sự nhàm chán, quán sẽ nhập thêm một số loại matcha từ nhiều vùng, nghiên cứu thêm món mới để làm dày menu", Phương Thảo bày tỏ.
Theo SMCP, matcha là trà xanh cô đặc dạng bột mịn, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vào thế kỷ thứ 12, các nhà sư Trung Quốc đã mang hạt giống trà xanh đến trồng nhiều vụ ở Kyoto, Nhật Bản. Hiện nay, thành phố này vẫn là nơi sản xuất matcha chủ lực.
Ngoài ra, báo cáo của Fonam năm 2022 chỉ ra rằng các sản phẩm từ matcha đang có mức độ tăng trưởng toàn cầu ở mức 148%. Riêng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỉ lệ này là 77% và ở khu vực Bắc Mỹ là 86%.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.