Thị trường việc làm được cho là vẫn tràn ngập khó khăn do lạm phát và tàn dư của đại dịch, theo Work Life.
Không có gì ngạc nhiên khi các xu hướng và hành vi mới trong môi trường công sở xuất hiện ngày càng nhiều.
Trước đây, thị trường lao động chứng kiến hàng loạt trào lưu như từ chức thầm lặng (quiet quitting), tuyển dụng thầm lặng (quiet hiring) hay đại từ chức...
Giờ đây, thêm một thuật ngữ xuất hiện, được gọi là "quiet ambition" - tham vọng thầm lặng nơi công sở.
Tham vọng thầm lặng là khi nhân viên không còn đặt những mục tiêu lớn lao trong sự nghiệp, thay vào đó họ chú trọng đến bản thân hơn. |
"Quiet ambition" là gì?
"Quiet ambition" - tham vọng thầm lặng là một thuật ngữ được đặt ra bởi tạp chí Fortune, nhằm mô tả những nhân viên không còn làm việc chăm chỉ chỉ để cống hiến, để có được sự nghiệp đáng ngưỡng mộ.
Thay vào đó, họ duy trì công việc nhằm thực hiện giấc mơ của mình hoặc những nhu cầu cá nhân.
Tuy vậy, điều này không hẳn là tiêu cực.
Abby Lerner, đồng sáng lập thương hiệu Revel, cho biết công ty cô đang xây dựng cho nhân viên một sự nghiệp phù hợp với định hình cuộc sống của họ.
"Điều này không có nghĩa là chúng tôi khuyến khích nhân viên vứt bỏ mọi thứ để đi du lịch khắp thế giới và tận hưởng cuộc sống. Chúng tôi hỗ trợ nhân viên mình ổn định với một con đường phát triển lâu dài, giúp họ đạt được các mục tiêu trong cuộc sống song song với việc phát triển sự nghiệp", cô nói.
Theo Lerner, tham vọng của mỗi người là khác nhau.
Có người tham vọng của họ chỉ đơn giản là có thể tắt máy tính vào cuối tuần và tạm quên đi công việc. Trong khi đó, với vài người khác, mục tiêu của họ là phải kiếm được một số tiền lớn hoặc làm những điều đặc biệt, theo đuổi đam mê bên cạnh công việc.
Giống như nhiều xu hướng khác tại nơi làm việc, "quiet ambition" phát triển bởi các sự kiện và hậu quả của đại dịch Covid-19.
Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đã phải đối mặt với bệnh tật, cái chết và những thay đổi quan trọng khác trong cuộc sống. Chính điều này đã thúc đẩy họ đặt ra cho mình những mục tiêu mang tính cá nhân nhiều hơn thay vì chỉ tranh giành, đấu đá cho một chức vụ trong doanh nghiệp.
Theo đuổi xu hướng "quiet ambition" không đồng nghĩa với việc thiếu tham vọng. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Nhu cầu cá nhân được đặt cao hơn
Lerner từng điều hành một công ty khởi nghiệp, nơi cô làm việc 12 giờ/ngày và thậm chí không có thời gian để ngủ. Trong thời gian đó, Lerner thừa nhận cô mong muốn bản thân sẽ làm tốt nhất công việc của mình, tạo ra những thành tích ấn tượng với sếp và đồng nghiệp.
Song, tham vọng trong sự nghiệp đôi khi khiến chúng ta đi chệch hướng. Sau khi thử và sai, Lerner biết mong muốn lớn nhất của cô chính là cân bằng cuộc sống, có thời gian cho bản thân.
Nhiều người rất dễ lầm tưởng giữa tham vọng thầm lặng và thiếu tham vọng.
"Tôi vẫn khao khát được thành công, song định nghĩa về thành công của tôi đã thay đổi. Tôi coi trọng cuộc sống của chính mình hơn là một sự nghiệp hào nhoáng nhưng sức khỏe, tâm trí suy giảm", cô nói thêm.
Lerner nhận định mọi người đang ưu tiên nhu cầu của bản thân hơn là việc phải làm thêm giờ để chứng tỏ với sếp, để giành được một vị trí mới...
Cristina Goyanes, đồng sáng lập công ty cùng Lerner, cũng cho biết mình đã tham gia vào xu hướng "quiet ambition".
Khi cha cô bị chẩn đoán đoán mắc ung thư vào năm 2022, tham vọng lớn nhất của cô là kiếm tiền để chăm sóc cho cha và gia đình thay vì chăm chỉ làm việc chỉ để chứng minh với sếp.
Văn hoá doanh nghiệp, sự chia sẻ cởi mở giữa đôi bên là điều rất quan trọng khi xu hướng "quiet ambition" bùng nổ. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Để "quiet ambition" không trở thành tiêu cực
Cả 3 nhà đồng sáng lập của Revel đều có những tham vọng thầm lặng và điều đó khiến họ trở thành hình mẫu tốt cho nhân viên làm theo.
Song, điều này khiến cả nhân viên và quản lý phải tìm một điểm cân bằng. Khi một nhân sự quyết định chỉ làm việc để ưu tiên nhu cầu của họ thay vì quan tâm đến việc cống hiến cho tổ chức, điều này khiến các cấp lãnh đạo lo lắng.
Tuy nhiên, theo Lerner, khi doanh nghiệp có văn hóa làm việc cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, cả nhân viên hay quản lý đều có thể giúp nhau hoàn thành tham vọng của mình.
David Tinker, người sáng lập Revel, cho biết việc tìm cách tạo ra sự an toàn, sự minh bạch, thúc đẩy mọi người trong công ty bày tỏ về cảm xúc và mong muốn cá nhân của họ là rất quan trọng. Điều này giúp quản lý và nhân sự có thể thấu hiểu, chia sẻ lẫn nhau.
"Các công ty nên đảm bảo nhân viên của họ cảm nhận được những thay đổi tích cực trong cuộc sống, luôn hỗ trợ mục tiêu cá nhân mà họ đưa ra. Mặt khác, từ sự thấu hiểu, giúp đỡ từ cấp trên, nhân sự sẽ tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả tốt hơn cho công ty", ông nói thêm.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.