Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Molnupiravir

Molnupiravir là thuốc kháng virus giúp đào thải virus nhanh, người dân cần đặc biệt lưu ý với các tác dụng phụ. Một số trường hợp không nên uống thuốc này.

Tối 23/2, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chính thức công bố mức giá thuốc Molnupiravir trong điều trị người mắc Covid-19. Giá thuốc bán lẻ trên thị trường từ 11.500 đồng đến 12.500 đồng/viên.

Molnupiravir cùng với favipiravir, remdesivir là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 ở Việt Nam. Trước đó, Molnupiravir đã được sử dụng trong Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, diện cấp phát.

Thuốc có khả năng đào thải virus nhanh, song, người dùng có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn. Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo về những trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc

Hiệu quả

Được phát triển bởi công ty dược phẩm Merck và Ridgeback Biotherapeutics, Molnupiravir là thuốc kháng virus đường uống chuyên dụng đầu tiên dành cho bệnh nhân Covid-19.

Các loại thuốc như Molnupiravir có thể là vũ khí mới đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Nếu được cấp phép, bệnh nhân Covid-19 có thể sử dụng loại thuốc uống này để điều trị tại nhà, nhằm giảm các triệu chứng và tăng tốc độ bình phục.

Đây có thể cũng là một bước đột phá, giúp hạn chế bùng phát đại dịch ở các nước nghèo vốn có hệ thống y tế yếu kém và tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Molnupiravir chữa các bệnh trên bằng cách ức chế sự sao chép của virus, khiến chúng không thể nhân lên và đào thải nhanh, giúp người mắc sớm hồi phục.

tac dung phu khi dung thuoc Molnupiravir anh 1

Molnupiravir đã chứng minh được hiệu quả trong việc đào thải virus nhanh, song, nó vẫn có nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Ảnh: Reuters.

Ridgeback công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn một cho thấy tỷ lệ tử vong, nhập viện ở nhóm sử dụng thuốc Molnupiravir thấp hơn những người sử dụng giả dược.

Sau 5 ngày điều trị, các xét nghiệm phát hiện tải lượng virus rất thấp trong nhóm được dùng thuốc. Họ được kết luận những người này không còn khả năng lây nhiễm nCoV. Trong khi đó, 24% thành viên trong nhóm giả dược vẫn còn lượng virus có khả năng lây lan. Đặc biệt, sau 3 ngày điều trị, người nhận 800 mg Molnupiravir có kết quả kháng virus nhiều nhất so với các nhóm còn lại.

Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2a, Molnupiravir được đáp ứng tốt, chứng minh hiệu quả kháng virus mạnh. Đặc biệt, họ phát hiện Molnupiravir làm giảm đáng kể nồng độ enzyme polymerase RNA của SARS-CoV-2 so với người được điều trị bằng giả dược. Đây vốn là enzyme giúp nCoV sao chép và nhân lên trong tế bào người.

Theo báo cáo giữa kỳ của Chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir, kết quả cho thấy thuốc này có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng.

Molnupiravir cũng giúp rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả rRT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%. Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân có kết quả rRT-PCR sau 14 ngày âm hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp 0,02-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.

Tác dụng phụ

Theo tài liệu của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Molnupiravir dùng để điều trị Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình có nguy cơ cao tiến triển nặng, bao gồm cả nhập viện hoặc tử vong.

Nhóm có thể dùng thuốc bao gồm người cao tuổi, có bệnh lý nền như tim mạch, ung thư, tiểu đường, béo phì hoặc tổn thương hệ miễn dịch, có nhiều khả năng mắc bệnh nặng phải nhập viện.

Giới hạn sử dụng thuốc dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày; không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp và không được sử dụng dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, người sử dụng Molnupiravir không gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ phổ biến của Molnupiravir đã được ghi nhận, bao gồm buồn nôn; tiêu chảy; đau đầu; phát ban; các triệu chứng giống cúm; mất ngủ; những thay đổi đối với xét nghiệm gan trong máu, tăng nồng độ alanin aminotransferase. Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2a, tỷ lệ tác dụng phụ gặp phải thấp nhất ở nhóm sử dụng 800 mg.

tac dung phu khi dung thuoc Molnupiravir anh 2

Người uống thuốc có thể bị đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, tăng men gan... Ảnh: Freepik.

Loại thuốc này chống chỉ định với trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Thuốc cũng không được dùng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú vì có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Nam giới dùng thuốc được khuyến cáo sử dụng biện pháp tránh thai ít nhất ba tháng sau liều cuối cùng, vì tác động lên tinh trùng vẫn chưa được hiểu rõ. Người dưới 18 tuổi, người bị suy gan nặng, suy thận nặng mắc Covid-19 cũng không sử dụng thuốc này.

Molnupiravir cũng có thể tương tác với các loại thuốc mà người bệnh đang dùng để điều trị tình trạng y tế khác đang mắc phải. FDA khuyến cáo người dân không được dùng Molnupiravir để phòng ngừa trước hoặc sau phơi nhiễm với SARS-CoV-2.

Tuân thủ theo khuyến cáo, không tự ý mua và sử dụng

Không thể phủ nhận các lợi ích chống Covid-19 mà Molnupiravir mang lại, song, các tác dụng phụ không mong muốn là điều khiến người dân cần thận trọng.

Trong khuyến cáo được đưa ra ngày 25/2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đề nghị người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên.

Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, người dân cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Cục Quản lý Dược đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.

Căn bệnh hiếm một số trẻ gặp phải sau tiêm vaccine Covid-19

Theo báo cáo trên tạp chí The Lancet, một số trẻ em 12-20 tuổi mắc phải hội chứng MIS-C sau khi tiêm vaccine Covid-19, khiến hệ miễn dịch hoạt động quá mức và gây viêm.

Nhiều F0 mệt mỏi, kiệt sức vì phải chiến đấu với di chứng hậu Covid-19

Không có tiền sử bị các bệnh nền, sức khỏe hoàn toàn bình thường nhưng nhiều F0 vẫn gặp phải những di chứng đáng sợ hậu Covid-19. Cuộc chiến với kẻ thù vô hình khiến họ mệt mỏi.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm