Khách hàng chờ đợi hàng giờ để trước tiệm Heytea mới mở trên đường Broadway ở Manhattan, New York. Ảnh: Nikkei Asia. |
Chuỗi trà sữa nổi tiếng Heytea của Trung Quốc vừa ra mắt lần đầu tiên tại New York (Mỹ), thu hút khách hàng háo hức tới nếm thử món đồ uống đặc trưng được phủ một lớp kem phô mai béo ngậy.
Xếp hàng chờ đợi 2-3 giờ để mua một ly trà sữa
Theo Heytea, cửa hàng ở khu trung tâm Manhattan đã bán được 2.500 ly hôm 8/12, ngày đầu tiên mở bán. Nhiều khách hàng chờ đợi 2-3 giờ bên ngoài cửa hàng. Một số món trà trái cây như Very Grape Cheezo hay Mango Grapefruit Sago, vốn là một hiện tượng ở Trung Quốc, cũng nhận được sự chào đón tích cực.
Theo ghi nhận của Nikkei Asia, 6 ngày sau sự kiện khai trương, hàng dài khách hàng vẫn xuất hiện trước cửa hàng. Arada Sae-Tan, sinh viên năm nhất đại học, là một trong những người đứng trong hàng dài chờ đợi mua trà hôm 14/12. Nữ sinh viên cho biết cô đã đợi 52 phút để thử ly Heytea đầu tiên.
"Tôi nghe nói trên Instagram rằng tiệm trà này hoàn toàn mới và mua một ly sẽ được giảm giá 50% cho ly thứ hai. Vì tôi thực sự thích trà sữa trân châu nên tôi muốn dùng thử và so sánh với những loại khác quanh đây", Sae-Tan nói.
"Tôi không ngờ phải đợi lâu như vậy, tôi nghĩ việc chờ đợi một ly trà sữa như vậy là quá lâu", cô nói thêm.
Heytea - được thành lập tại Quảng Đông, Trung Quốc, vào năm 2012 - đã có những sáng tạo từ cách uống trà truyền thống. Loại trà mới nhất có bọt dày từ phô mai kem nhanh chóng được ưa chuộng, khiến Heytea trở thành một cái tên quen thuộc ở Trung Quốc.
Sae-Tan mua trà sữa Very Grape Cheezo và Brown Bobo Roasted. Cô cho biết hương vị này nằm trong số "ba hoặc bốn loại đồ uống hàng đầu" mà cô đã thử tại các cửa hàng trà sữa ở New York.
Hương vị quê nhà
Nhiều khách hàng là người Trung Quốc và đã biết đến thương hiệu này một thời gian. Một số người đã thấy thương hiệu này trên Xiaohongshu và các trang mạng xã hội khác của Trung Quốc trong khi những người khác từng uống thử Heytea trong những chuyến về quê.
Đối với những sinh viên Trung Quốc đang du học tại Mỹ như Wang Yi Cheng, 18 tuổi, Heytea mang hương vị quê nhà.
"Rất nhiều bạn bè của tôi đã đến đây và chờ lâu để mua được một ly. Tôi nghĩ đối với tôi, nó giống như có thứ gì đó từ Trung Quốc mở cửa hàng đầu tiên ở đây, tôi phải đến dùng thử, tôi cảm thấy tự hào khi là những người đầu tiên”, Wang chia sẻ.
Heytea được thành lập tại Quảng Đông, Trung Quốc, vào năm 2012. Ảnh: Nikkei Asia. |
Một số khách tới cửa hàng chủ yếu để có được món quà miễn phí mà Heytea dành tặng trong 6 ngày đầu tiên khai trương - một magnet tủ lạnh có hình tượng nữ thần tự do.
Rain Jiang và Steven Xie, hai sinh viên đại học, đã đợi khoảng một giờ chỉ để lấy được chiếc magnet.
“Tôi chỉ nghĩ chiếc magnet rất đẹp và đáng để chờ đợi”, Jiang nói.
“Và chúng tôi rất vui vì món đồ uống chúng tôi có ở Trung Quốc giờ đây cũng có thể có ở đây”, Jiang hồ hởi.
Trà sữa kiểu châu Á và trà trái cây từ lâu đã phổ biến ở Mỹ, đặc biệt là ở các thành phố có đông người châu Á như New York và Los Angeles. Trà Teazzi và Tiger Sugar của Đài Loan nằm trong số các chuỗi trà khác đã thâm nhập thị trường nền kinh tế số một thế giới.
Heytea cho hay công ty tự tin về sự tăng trưởng của trà sữa tại thị trường Mỹ.
Ông Yujia Gu, phó chủ tịch chiến lược của Heytea, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi mong đợi cơ hội giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ hàng đầu tới người tiêu dùng Mỹ thông qua các sản phẩm trà đích thực và trải nghiệm thương hiệu đầy cảm hứng”.
"Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy nâng cấp sản phẩm và liên tục mở rộng không gian trên thị trường trà của Mỹ".
Chuỗi trà sữa này đã mở rộng ra quốc tế kể từ tháng 8, khai trương các cửa hàng ở Anh, Australia và Canada. Công ty công bố có 3.000 cửa hàng trên toàn cầu.
Đây cũng là chuỗi trà sữa đi đầu trong việc công bố thông tin về nguyên liệu và lượng calorie trong bối cảnh người dùng chú ý hơn tới sức khỏe.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.